Thấy gì từ cuộc cải tổ nội các Ukraine của ông Zelensky?
Cuộc cải tổ nội các tại Ukraine được cho là nhằm củng cố quyền lực của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhưng hầu như không thay đổi thực chất trong cách điều hành chính phủ.
Các nghị sĩ thuộc cả đảng cầm quyền lẫn phe đối lập đều có chung nhận định: cuộc cải tổ nội các của Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ không đem lại sự thay đổi rõ rệt.
“Thực tế, hầu như không có sự thay đổi nhân sự trong nội các”, nghị sĩ Yaroslav Yurchyshyn thuộc đảng đối lập Holos phát biểu với Kyiv Independent ngày 17/7, thời điểm quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn nội các mới.
Nhiều nghị sĩ khác cũng có chung quan điểm với ông Yurchyshyn. Trong cuộc cải tổ quy mô lớn này, chỉ có 3 gương mặt mới được bổ nhiệm vào nội các. Hầu hết các bộ trưởng chủ chốt vẫn giữ nguyên vị trí, sự thay đổi đáng chú ý nhất là việc Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Yuliia Svyrydenko được đề cử làm Thủ tướng, còn cựu Thủ tướng Denys Shmyhal chuyển sang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Bà Yulia Svyrydenko (giữa) và ông Denys Shmyhal trong cuộc họp ngày 16/7/2025. Ảnh: Global Images Ukraine
Quá trình cải tổ cũng bị chỉ trích là thiếu minh bạch và vội vã. Theo nhiều nghị sĩ, danh sách ứng viên thay đổi nhiều lần trong ngày và một số vị trí vẫn chưa chốt xong cho đến phút cuối, khi Tổng thống Zelensky phải triệu tập các nghị sĩ đảng cầm quyền để thúc đẩy việc phê duyệt.
Nội các “rượu cũ, bình mới”
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 17/7, 9 trong số 16 bộ trưởng giữ nguyên vị trí. Ba người khác được điều chuyển sang vai trò mới, trong đó có Thủ tướng.
Trong số các bộ trưởng tiếp tục tại vị có Ngoại trưởng Andrii Sybiha, Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko, Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenko, Bộ trưởng Y tế Viktor Liashko, Bộ trưởng Cựu chiến binh Nataliia Kalmykova, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Matvii Bidnyi và Bộ trưởng Giáo dục Oksen Lisovyi.
Ông Mykhailo Fedorov tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Chuyển đổi số và sẽ đảm nhiệm cả vị trí Phó Thủ tướng thứ nhất. Ông Oleksii Kuleba vẫn giữ vai trò Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phát triển Vùng.
Đáng chú ý, số bộ sẽ được rút bớt do Bộ Các ngành Chiến lược được sáp nhập vào Bộ Quốc phòng; Bộ Kinh tế được hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và Bộ Sinh thái; Bộ trưởng Chính sách Xã hội tiếp nhận Bộ Đoàn kết Quốc gia.
Vị trí Bộ trưởng Văn hóa hiện vẫn đang bỏ trống. Theo nghị sĩ Yurchyshyn, danh sách ứng viên cho vị trí này khá hạn chế. Một số bị loại vì “không đủ trung thành với Văn phòng Tổng thống”, số khác từ chối đề nghị được bổ nhiệm. Nhiều khả năng một trong các thứ trưởng hiện tại sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò quyền bộ trưởng.
Vì sao cuộc cải tổ diễn ra vào lúc này?
Tại một cuộc gặp kín với báo giới hồi tháng 6, Tổng thống Zelensky từng chia sẻ mong muốn “thổi luồng năng lượng mới” vào bộ máy chính phủ khi được hỏi về khả năng cải tổ. Đến tháng 7, ông nói kỳ vọng nội các mới sẽ tập trung thúc đẩy kinh tế và tăng năng lực sản xuất vũ khí trong nước.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh Ukraine không thể tổ chức bầu cử dưới tình trạng thiết quân luật, ông Zelensky đang sử dụng biện pháp cải tổ như một cách tạo ra sự thay đổi mang tính biểu tượng.
Nghị sĩ đảng cầm quyền Oleksandr Merezhko cho rằng cải tổ nội các là biện pháp “làm mới đời sống chính trị”, đồng thời thừa nhận có sự không hài lòng trong nội bộ quốc hội về hiệu quả của một số bộ trưởng.
Nghị sĩ Yurchyshyn nhận định chính phủ kỳ vọng thông qua cải tổ để khôi phục lòng tin của công chúng. “Cả chiến dịch truyền thông quanh đợt cải tổ, vốn thực chất chỉ là thay đổi vai trò giữa các gương mặt cũ, là nhằm thuyết phục người dân rằng có điều gì đó mới mẻ đang diễn ra”, ông Yurchyshyn nói.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng cuộc cải tổ lần này diễn ra trong bối cảnh pháp lý chưa rõ ràng, làm dấy lên lo ngại về việc quyền lực ngày càng tập trung vào Văn phòng Tổng thống. Theo quy định, việc thay toàn bộ nội các trong thời kỳ thiết quân luật là không hợp pháp nếu không có sửa đổi luật. Ngoài ra, hiến pháp quy định vị trí thủ tướng phải do liên minh cầm quyền đề cử chứ không phải Tổng thống.
Tuy nhiên, ông Zelensky tuyên bố chính ông đã đề xuất bà Svyrydenko làm Thủ tướng. Một số nghị sĩ xem đây là động thái nhằm củng cố quyền lực cá nhân của ông Zelensky.
Dù theo hiến pháp, Thủ tướng là người đứng đầu cơ quan hành pháp, nhưng giới quan sát cho rằng vai trò này ngày càng trở nên hình thức.
“Chúng ta cần hiểu rằng bối cảnh chính trị không thay đổi. Nội các không còn là một thực thể chính trị độc lập mà chỉ là cơ quan kỹ thuật. Mọi chính sách chủ chốt đều do Tổng thống và Văn phòng của ông quyết định”, ông Olexiy Haran, cố vấn nghiên cứu tại Quỹ Sáng kiến Dân chủ Ukraine, nhận định.
Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Andrii Yermak - Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine từ năm 2020 và là bạn thân của ông Zelensky, đóng vai trò trung tâm trong các quyết định nhân sự. Theo nghị sĩ Kniazhytskyi, “rất khó tách ảnh hưởng của ông Yermak khỏi Tổng thống”, song ông nhấn mạnh rằng quyền quyết định vẫn thuộc về ông Zelensky, còn ông Yermak chỉ “thực hiện mong muốn của Tổng thống”.
“Ảnh hưởng của ông Yermak là điều không thể phủ nhận, nhưng cũng có một điều rõ ràng: ảnh hưởng của ông ấy ngày càng lớn nhưng trách nhiệm thì không. Vì trên cương vị Chánh Văn phòng, trách nhiệm pháp lý của ông ấy gần như bằng 0”, chuyên gia Mahda nhận định.
Cuộc đổi vai giữa các nhân vật thân tín
Bà Yuliia Svyrydenko tiếp nhận vị trí Thủ tướng Ukraine trong bối cảnh phương Tây giảm cam kết hỗ trợ, các vấn đề kinh tế trong nước gia tăng và cuộc xung đột với Nga vẫn chưa có hồi kết.
Từng là nhân vật kín tiếng khi dẫn dắt Bộ Kinh tế, song vài tháng gần đây bà Svyrydenko đã trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của chính phủ, đại diện Ukraine tại nhiều hội nghị quốc tế và sự kiện cấp cao.
“Bà Svyrydenko là người năng động, quyết đoán và giờ đây là nhân vật nổi bật trên truyền thông. Bà ấy có kinh nghiệm thương lượng trong những điều kiện rất khó khăn”, chuyên gia Haran nhận xét.
Một trong những thành tựu nổi bật của bà Svyrydenko là dẫn đầu phái đoàn đàm phán thỏa thuận khoáng sản với Mỹ. Bà được xem là một thành viên thân tín trong nội bộ của ông Zelensky và đồng minh lâu năm của ông Yermak. Bà từng làm cấp phó của ông Yermak giai đoạn 2020 - 2021.
“Thông thường, Thủ tướng phải là một nhân vật chính trị, nhưng ở Ukraine, mỗi người kế nhiệm lại càng ít tính chính trị hơn. Vị trí này giờ chỉ là người thi hành hiệu quả những gì Văn phòng Tổng thống quyết định”, nghị sĩ Kniazhytskyi bình luận.
Còn về cựu Thủ tướng Shmyhal, ông không hoàn toàn rời khỏi chính trường. Việc ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng được giới quan sát xem là bước đi mang tính “bù đắp”, nhằm tránh làm tổn hại hình ảnh chính trị của một nhân vật từng trung thành với Tổng thống.
Một số nghị sĩ cho rằng ông Shmyhal có thể được giao nhiệm vụ xử lý những hậu quả để lại từ người tiền nhiệm Rustem Umerov - người từng vướng chỉ trích liên quan đến bê bối thiếu minh bạch trong đấu thầu quốc phòng.
Dù không được bổ nhiệm chức vụ mới trong nội các, nhưng ông Umerov có thể được điều sang vị trí ít ảnh hưởng hơn, trong hoặc ngoài nước.