Thấy gì từ hiện tượng ném tiền vào tay Phật, sắm mâm cao cỗ đầy tại lễ hội?
Mùa lễ hội xuân Quý Mão 2023 vẫn tồn tại nhiều hiện tượng phản cảm: rải tiền lẻ, xoa tiền vào tượng, lạm dụng đốt vàng mã...
Cám cảnh bát nháo mùa lễ hội
Xuân Quý Mão 2023, cả nước đang bước vào mùa lễ hội lớn nhất trong năm và nhộn nhịp sau hai năm gián đoạn vì Covid-19.
Trang trọng, tiết kiệm, văn minh là những chủ trương được đề ra đối với các loại hình lễ hội của nước ta.
Tuy nhiên, mùa lễ hội năm nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề đi ngược với chủ trương này như hiện tượng: rải tiền lẻ, xoa tiền vào tượng, lạm dụng đốt vàng mã...
Đơn cử như tại cụm di tích Đình - chùa Bia Bà (La Khê, Hà Đông, Hà Nội), dù Ban Tổ chức liên tục bắc loa tuyên truyền, nhưng có vẻ không nhiều người quan tâm. Tiền lẻ vẫn được cài khắp nơi.
Tại khu di tích Tây Thiên, đi lễ muốn xe vào gần thì phải vượt qua "trận địa" của cò mồi: mồi chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ sắm lễ...
Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cũng rất đông khách tìm đến đây để... chữa bệnh. Họ chữa bằng cách xoa dầu gió lên tượng "thần hổ", rồi xoa lên người mình.
Còn ở chùa Bái Đính, tình trạng ném tiền, nhét tiền vào tay Phật để cầu lộc đến nay vẫn chưa thể dẹp được.
Đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) còn ghi nhận hiện tượng người dân mang cả xe kéo để chở vàng mã, lễ vật cồng kềnh.
Ngoài lễ vật, người dân còn nhét thêm tiền lẻ vào mâm lễ để đưa vào đền cúng bái. Vàng mã nhiều đến mức lò đốt không kịp vì quá tải.
Cách nào để lại đúng giá trị và sự linh thiêng của lễ hội truyền thống?
Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Ngô Văn Giá - Chủ tịch Hội đồng khoa học Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội về những biến tướng, hành vi trục lợi, phản cảm trong mùa lễ hội.
Theo thống kê, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng,... So với các quốc gia khác trong khu vực, có thể coi Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống nhất. Theo ông, lễ hội đang đóng vai trò như thế nào trong đời sống người dân Việt Nam hiện nay?
Lễ hội có một vị trí không thể thay thế trong đời sống của từng con người, từng cộng đồng từ xưa đến nay. Lễ hội đáp ứng nhu cầu tâm linh, cố kết cộng đồng và giúp cho con người thỏa mãn nhu cầu giải trí- tái sáng tạo, đi cùng với đó là hướng tới quảng bá hình ảnh của cộng đồng, phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục…
Lễ còn là dịp để con cháu hướng về cội nguồn về quê hương, dân tộc, tưởng nhớ và biết ơn đến vị thánh nhân, người lập làng lập ấp, người anh hùng có công với xóm làng, đất nước... Tổ chức xong phần lễ thì người ta tổ chức sang phần hội. Hội là được vui chơi, giải trí.
Lễ hội truyền thống được duy trì, bảo tồn và phát huy từ ngàn đời xưa đến nay. Nhưng thực tế, không chỉ bản thân một số lễ hội mà không ít người đi lễ, đi xem hội không coi lễ hội là dịp vui chơi, cầu bình an mà là dịp mua bán, mặc cả, khoán ước với thần thánh chỉ để cầu lợi cho bản thân mình? Theo ông, đâu là lý do dẫn tới hiện trạng này?
Đúng là hiện nay, ngoài giá trị văn hóa tín ngưỡng linh thiêng, đâu đó ở lễ hội vẫn tồn tại hiện tượng tiêu cực. Trong bối cảnh hiện đại, đời sống tâm linh được thế tục hóa là điều tất yếu, nhưng tiếc thay, sự thế tục lại đi theo hướng thực dụng, dung tục, vừa báng bổ thánh thần, xúc phạm tâm linh, vừa nhảm nhí, nhếch nhác.
Có thể kể đến các hiện tượng tiêu cực như: đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống, xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, ùn tắc giao thông, mất an toàn trên sông, nước... vẫn còn xuất hiện tại một số lễ hội, di tích.
Con người hiện đại đã đánh mất tính thiêng liêng với tín ngưỡng, tôn giáo nói chung. Nhắc đến lễ hội, đi lễ hội, người ta không còn thấy thiêng liêng nữa. Đó là khi người ta ngày càng thực dụng, đi lễ không phải là để vãng cảnh, sửa sang tâm linh, hướng tới sống thiện mà để xin - cho, cầu phát tài phát lộc.
Vì cầu lợi cho bản thân là chính, cho nên khi đến cầu cúng, nhiều người dâng “mâm cao cỗ đầy”, quá nhiều vàng mã, xa hoa lãng phí... nhưng vẫn không khiến tâm thanh thản. Điều này xuất phát từ quan điểm càng dâng cỗ, dâng lễ to thì càng được hưởng nhiều lộc, nhưng thực tế, điều này không phải là ý nghĩa gốc rễ tâm linh.
Trên thực tế, mỗi không gian tâm linh khác nhau sẽ thờ những vị thần, thánh, hoặc Phật khác nhau. Đền là nơi thờ thánh, đình thờ thần và chùa thờ Phật.
Khi thờ thánh, người dân mới dâng lễ mặn và cầu may về việc làm ăn, buôn bán. Khi đến cửa Phật, người dân sửa soạn lễ chay, cầu bình an... Truyền thống Phật giáo cũng không có nhét tiền vào tay Phật, không có xoa dầu vào "thần hổ" để chữa bệnh, không đốt vàng mã để "mặc cả" với người âm.
Gần đây, tôi có theo dõi hình ảnh người mặc hở hang, biểu diễn múa trong Lễ khai hội chùa Hương. Họ thậm chí còn mời ca sĩ thế tục đến hát. Đây là một hành động nhảm nhí tại chốn linh thiêng như chùa chiền.
Điều này cho thấy sự sự sáng tạo nghi thức chùa chiền, cụ thể là âm nhạc Phật giáo ở Việt nam vẫn còn nghèo nàn. Trong khi đó nhiều tôn giáo khác có rất nhiều tác phẩm âm nhạc chất lượng. Lễ hội mà hát những giai điệu của nhà Phật có phải hay và ý nghĩa hơn không(!).
Nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ lệch lạc này xuất phát từ sự u mê, a dua, dẫn đến nhận thức sai lầm của người cầu cúng và cả những người làm công tác quản lý, tổ chức tại các lễ hội. Ở góc độ quản lý của cơ quan chức năng vẫn chưa thật sự sát sao, đồng bộ.
Từ đầu mùa lễ hội, Bộ VH,TT-DL đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác quản lý, tổ chức lễ hội an toàn. Một trong các lễ hội từng gây tranh cãi đã có kế hoạch thay đổi như: Lễ hội Chém lợn (làng Ném Thượng, Bắc Ninh) đã thực hiện nghi thức chém lợn tế thánh trong phòng kín; Lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) không tổ chức cướp Phết mà chỉ tổ chức phần lễ và các hoạt động văn nghệ... Theo ông, kế hoạch này có giải quyết được vấn đề căn cơ của những hiện tượng tiêu cực, phản cảm tại lễ hội?
Tôi nghĩ, để giải quyết được triệt để các hiện tượng nói trên, phải cần một quá trình và sự góp sức đồng bộ từ nhiều phía.
Người dân nên cư xử văn minh mỗi khi đi lễ chùa, như ăn mặc kín đáo, lịch sự, ứng xử chuẩn mực, không chen lấn, xô đẩy. Người hành hương nên lấy tiêu chí - thước đo quan trọng nhất, là sự thành tâm, hướng thiện, thay cho lễ vật.
Với các cơ sở quản lý đền chùa, di tích cần có hành động nhắc nhở, hướng dẫn thực hành tâm linh cho người dân thông qua nhiều hình thức như: phát tờ rơi miễn phí tại các cửa vào, thông qua loa phát thanh... Thậm chí có thể đề xuất xử phạt đối với những người thực hiện sai quy định.
Phải cho người dân biết chúng ta đến lễ hội đó là đến với cái giá trị gì, chúng ta phải thực hành lễ lạt ra sao, ứng xử như thế nào khi đến các lễ hội tâm linh.
Ở góc độ quản lý nhà nước, cần tăng cường đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục đối với thế hệ trẻ cũng cần được chú trọng.
Tất cả phải hướng đến mục tiêu trả lại đúng giá trị và sự thiêng liêng của lễ hội truyền thống Việt Nam.