Thấy gì từ Hiệp định EVIPA giữa Việt Nam - EU?

Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong EVIPA sẽ tiếp tục góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn vốn đầu tư từ EU và các nước khác.

Trong bối cảnh mới mà việc kí kết EVIPA mang lại, cho thấy thuận lợi vẫn nhiều hơn thách thức.

Trong bối cảnh mới mà việc kí kết EVIPA mang lại, cho thấy thuận lợi vẫn nhiều hơn thách thức.

Nhìn lại các thành tựu trong hoạt động đối ngoại nói chung của Việt Nam, trong đó có hoạt động thu hút đầu đầu tư nước ngoài nói riêng trong năm 2019, cho thấy: EVIPA – Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, sau nhiều năm đàm phán đã cùng với Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) được chính thức ký kết vào ngày 30/6/2019 là một thành công lớn đáng ghi nhận trong năm 2019 này.

Rà soát và xem lại các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, nhất là những hiệp định loại này được ký kết song phương giữa Việt Nam với các thành viên của EU, như với Italia (18/5/1990), với Liên minh Bỉ và Luxamburg (24/1/1991)… và với một loạt các nước EU khác như Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Hungari, Balan, Rumani, Áo…, cho thấy, trong tất cả các hiệp định đó, Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước ký kết đều nhất quán với các nội dung như: “Mong muốn tạo các điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác kinh tế phát triển hơn nữa giữa các quốc gia ký kết và đặc biệt liên quan đến những khoản đầu tư của các nhà đầu tư của một quốc gia ký kết trên lãnh thố của quốc gia ký kết kia”, “việc khuyến khích và bảo vệ lẫn nhau những đầu tư đó trên cơ sở các hiệp định quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy sáng kiến của các nhà doanh nghiệp và tăng thêm thịnh vượng của hai quốc gia ký kết” (như IPA giữa Việt Nam và Italia năm 1990).

Hoặc đã cụ thể hóa hơn như IPA giữa Việt nam và Estonia vào ngày 24/9/2009 khi “Thừa nhận sự cần thiết phải bảo hộ đầu tư của một bên ký kết trên lãnh thổ bên ký kết kia trên cơ sở không phân biệt đối xử”; “cùng mong muốn thúc đấy hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn giữa hai bên trong việc tăng cường dòng vốn tư nhân và phát triển kinh tế của cả hai nước dựa trên một khuôn khổ ổn định cho đầu tư nhằm góp phần tối đa hóa việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế và nâng cao mức sống, thúc đẩy sự tôn trọng các quyền của người lao động đã được thừa nhận trong phạm vi quốc tế"

Rõ ràng, từ 1990 (Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Italia) đến 2009 (cũng hiệp định này với Estonia) và đến gần đây Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA – như IPA được tách ra trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA giữa EU và Việt nam) đã từng bước được cụ thể hóa, phù hợp với sự phát triển của kinh tế và đầu tư quốc tế, cũng như bối cảnh kinh tế - chính trị của từng khu vực và điều kiện của Việt Nam.

Điểm khác biệt của EVIPA so với các IPA trước, đã được cụ thể hóa phù hợp với bối cảnh vừa nêu như sau:

Hiệp định EVIPA được rà soát pháp lý vào tháng 8/2018 và được chuyển từ song phương sang đa phương vì hiệp định này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và nghị viện các nước thành viên EU mới có thể thực thi.

Phần lớn các cam kết song phương đều được tôn trọng và cả EU, Việt Nam đều cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư bên kia cũng như đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản cùa nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng;

Đặc biệt, cam kết trong EVIPA được xây dựng chi tiết hơn và tiến bộ hơn so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU trước đây, sẽ giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Chẳng hạn, có tiêu chí rõ ràng cho từng hành vi mà nhà nước không được thực hiện; bổ sung một số các quy định nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia nhận vốn đầu tư, nhất là đối với các chính sách về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn môi trường, người tiêu dùng, đa dạng văn hóa...; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực thay cho cơ chế theo vụ việc, theo đó tranh chấp được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực với 2 cấp xét xử sơ cấp và phúc thẩm với các thành viên do Việt Nam và EU lựa chọn…

Nguyên cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Nguyên cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Điểm nổi bật trong lần ký kết EVIPA là quá trình đàm phán IPA với EU đã gắn liền với quá trình đàm phán và tiến tới ký kết cùng lúc 2 hiệp định EVFTA và EVIPA (ngày 17/10/2018 Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và EVIPA; ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các hiệp định).

Theo đó, các cam kết tại EVFTA về thương mại, dịch vụ cao hơn so cam kết WTO cũng như của EU với các đối tác khác: như xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam sang EU (sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ đối với 99,2% số dòng thuế) sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư từ EU và các nước khác vào Việt Nam.

Hơn nữa, như trên đã nêu, các cam kết sâu rộng về đầu tư trong EVIPA sẽ thay thế các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên EU, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi hơn cho EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối cũng như các lĩnh vực mà EU có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… sẽ là những lĩnh vực được các nhà đầu tư EU quan tâm đầu tư trong thời gian tới.

Trong bối cảnh mới mà việc kí kết EVIPA mang lại, cho thấy thuận lợi vẫn nhiều hơn thách thức.

Thách thức ở đây là các doanh nghiệp Việt Nam còn có các điếm yếu hơn so các doanh nghiệp - nhà đầu tư đến từ EU, vì phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, thiếu công nghệ kĩ thuật cao, thiếu kinh nghiệm quản lý và thông tin về thị trường.

Thuận lợi ở đây là các nhà đầu tư EU có công nghệ, có vốn, có thị trường và có tâm trong kinh doanh cũng như ý thức trách nhiệm trong đầu tư quốc tế, nhất là đòi hỏi và minh bạch thực thi luật pháp, thực thi cam kết đầu tư kinh doanh tại nước sở tại, nên nếu các doanh nghiệp Việt nam biết nắm bắt cơ hội từ EVIPA (và cả từ EVFTA) mang đến, biết liên kết đế có đủ vốn, đủ kinh nghiệm quản trị và nắm bắt được xu thế thị trường quốc tế, tận dụng được các ưu đãi mà Chính phủ đang tạo điều kiện cho các doanh nhiệp Việt phát triển, tự tin chủ động tìm ra các dự án phù hợp để thực hiện, thì các doanh nghiệp Việt sẽ thành công trong hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư EU.

Vì vậy, để việc thực thi EVIPA mang lại hiệu quả, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới mà Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính Trị đã nêu, cần có chương trình hành động quốc gia triển khai hiệp định quan trọng về đầu tư này để nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại vào Việt Nam (không quá chú trọng vào số lượng vốn đăng ký) trong gian đoạn tới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế số và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và vẫn còn khoảng 150 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong nhiều ngành nghề hiện tại chưa được giải ngân.

Việt Nam cũng cần có các giải pháp phù hợp loại bỏ, phòng tránh các nhà đầu tư nước ngoài khác lợi dụng EVIPA (và cả EVFTA) để đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi từ các hiệp định này, làm ảnh hưởng đến uy tín, sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt nam, như tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch…; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả TS. Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

TS. Phan Hữu Thắng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thay-gi-tu-hiep-dinh-evipa-giua-viet-nam-eu-1577626043880.htm