Thấy gì từ Hội nghị An ninh Munich?

Tuần qua, Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 đã họp từ 17-19 tháng Hai. Tham dự hội nghị này là những người đứng đầu nhà nước, tướng lĩnh quân đội, người đứng đầu cơ quan tình báo và các nhà ngoại giao hàng đầu của nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu qua video thu sẵn gửi tới Hội nghị. Ảnh: DW

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu qua video thu sẵn gửi tới Hội nghị. Ảnh: DW

Hội nghị lần này được tổ chức khi xung đột Nga-Ukraine đang chuẩn bị bước vào năm thứ hai. Do vậy, chủ đề chính của hội nghị là xung đột Nga-Ukraine.

Điều đáng chú ý trong hội nghị là sự có mặt đông đảo nhất của Mỹ. Đoàn Mỹ bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, nhiều thượng và hạ nghị sĩ, đại diện cho cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của Mỹ đến cuộc xung đột nói riêng hay tình hình an ninh thế giới nói chung.

Tổng thống Ukraine đã được mời tham dự hội nghị trực tuyến và trên thực tế ông đã phát biểu dẫn đề hội nghị. Ông đã kêu gọi các nước phương Tây hành động thay vì nói suông; ông yêu cầu nhanh chóng chuyển giao vũ khí và cho rằng kho vũ khí trên chiến trường đang giảm đi.

Lẽ dĩ nhiên do có sự tham gia của nhiều đoàn, thuộc nhiều nước và có nhiều chính kiến khác nhau, nhiều vấn đề đại chính trị đã được đề cập. Tuy nhiên, những điểm đáng chú ý là:

Đoàn Trung Quốc với đại diện là Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập nhiều đến xung đột ở Ukraine. Ông nhấn mạnh là Trung Quốc "rất lo lắng" về "tác động lâu dài" của cuộc xung đột. Ông kêu gọi các bên tiến hành đàm phán hòa bình và nói rằng có "thế lực" không muốn chấm dứt chiến tranh vì "mục tiêu chiến lược lớn hơn Ukraine". Ông có vẻ như muốn nhắc lại tuyên bố của Nga là NATO không sẵn sàng bước vào đàm phán. Tuy nhiên, ông nhắc lại lập trường của Trung Quốc là không nên dùng vũ khí hạt nhân.

Châu Âu cam kết chuyển giao vũ khí cho Ukraine: Trong khi ông Vương Nghị kêu gọi các bên đàm phán, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu lại kêu gọi các nước thành viên hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng tăng cường sản xuất vũ khí cho Ukraine. Thủ tướng Đức đã yêu cầu các nước châu Âu thực hiện lời hứa chuyển giao ngay xe tăng cho Ukraine. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức lại thúc các nước châu Âu và NATO tăng chi phí quốc phòng và coi chi phí quốc phòng bằng 2% là cam kết tối thiểu. Bộ trưởng Quốc phòng Đức vẫn không đề cập gì đến việc Ukraine yêu cầu được cung cấp máy bay phản lực. Ông cho biết Đức hoàn toàn ủng hộ Kyiv tuy nhiên không muốn có "quyết định vội vàng" và muốn tránh nguy cơ leo thang.

Hội nghị an ninh Munich đã không mời Nga đến dự. Ban tổ chức hội nghị lo ngại Nga sử dụng diễn đàn này để tuyên truyền. Iran cũng không được mời vì có những hoạt động đàn áp người biểu tình.

Hội nghị an ninh Munich sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của thế giới vào những năm sau này. Tuy nhiên là diễn đàn quốc tế thảo luận những vấn đề an ninh, hội nghị cần phải có sự tham gia của càng nhiều nước càng tốt, để có thể có được ý kiến rộng rãi về nhiều vấn đề liên quan. Làm được như vậy, hội nghị chắc chắn sẽ thành công hơn.

Trần Bách

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thay-gi-tu-hoi-nghi-an-ninh-munich-179230223160440038.htm