Thấy gì từ kế hoạch xoay trục châu Á của EU?

Khi hạm đội hải quân Italy, do tàu sân bay Cavour dẫn đầu, ghé thăm căn cứ hải quân Yokosuka vào cuối tháng 8/2024 - chuyến thăm đầu tiên của hải quân Italy tới Nhật Bản - phái viên của Rome tại Tokyo đã mô tả như là sự thông báo một 'kỷ nguyên mới' trong quan hệ song phương.

Sự kiện này cũng nêu bật một xu hướng ngày càng tăng: Các cường quốc châu Âu đang đổ xô đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để mở rộng hợp tác an ninh với các đối tác trong khu vực, đồng thời tăng cường dấu ấn quân sự.

Sự hiện diện ngày càng tăng

Italy không phải là quốc gia châu Âu duy nhất đến khu vực. Chuyến thăm hồi tháng 8 cũng trùng hợp với sự xuất hiện của các tàu chiến Đức và Pháp vài ngày trước đó, một sự kiện diễn ra chỉ vài tuần sau khi Tây Ban Nha, Pháp và Đức lần đầu tiên triển khai lực lượng không quân 3 bên của họ trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto thăm Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto thăm Nhật Bản.

Các cường quốc châu Âu như Anh, Đức, Pháp và Italy đang cùng tham gia vào nhiều hoạt động quân sự song phương và đa phương, các thỏa thuận hợp tác và xích lại gần nhau trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với các đối tác “cùng chí hướng”, mở đường cho những hợp tác lâu dài trong lĩnh vực an ninh, nhất là thâm nhập các thị trường quốc phòng mới thông qua việc bán thiết bị quân sự cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Lo ngại về một cuộc khủng hoảng tương tự như ở Ukraine có thể nổ ra ở châu Á, các hoạt động hợp tác quân sự này đã liên tục diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu và đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines có cùng quan điểm cho rằng an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “không thể tách rời” với an ninh Bắc Đại Tây Dương. Theo Sebastian Maslow, phó giáo sư tại Đại học Tokyo, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành “không gian trung tâm cho sự cạnh tranh địa chính trị vì tương lai của trật tự quốc tế tự do”.

Có thể chiến lược “xoay trục sang châu Á” của châu Âu còn đang trong quá trình triển khai, nhưng nhiều câu hỏi đã được đặt ra về mức độ tham gia của châu lục này trong trường hợp xảy ra chiến tranh, nhất là đối với các quốc gia có thể can dự quân sự và có các hoạt động hỗ trợ, cũng như cách thức phối hợp hiệu quả với lực lượng của Mỹ và lực lượng của các đối tác châu Á.

Mặc dù châu Âu thừa nhận sự cần thiết đa liên kết để duy trì một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, sự cam kết của họ trong lĩnh vực an ninh dường như sẽ vẫn hạn chế, không chỉ vì nguồn lực giới hạn của các quốc gia này mà còn vì những rủi ro vô cùng lớn mà nó gây ra - chủ yếu là sự đối đầu với Trung Quốc, vốn không chỉ là đối tác thương mại chính của châu Âu mà còn là một trong những cường quốc quân sự chủ chốt trên thế giới.

“Đường 2 chiều”

Việc xích lại gần của châu Âu, được thể chế hóa trong các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà các quốc gia này đã thận trọng xây dựng, cũng là kết quả của những lời kêu gọi của châu Á theo hướng này, đặc biệt là từ các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Các quốc gia như Philippines không chỉ đang tìm cách nhanh chóng bắt kịp trong việc hiện đại hóa năng lực quốc phòng mà còn hy vọng có được sự hỗ trợ trong việc đối phó với môi trường an ninh thù địch trước các tranh chấp hàng hải và xâm phạm lãnh thổ liên quan.

Tàu chiến Đức làm lễ chào khi tiến vào Vịnh Tokyo.

Tàu chiến Đức làm lễ chào khi tiến vào Vịnh Tokyo.

Về phần mình, Nhật Bản đi tiên phong vì họ đã phải đối mặt với thách thức trong khu vực từ đầu thế kỷ. Sau khi dần củng cố vị thế an ninh của mình trong 2 thập kỷ qua, trong năm 2024, Tokyo đã kí kết các hiệp định hợp tác quốc phòng và an ninh với các nước châu Âu, với nhịp độ chưa từng có. Tiêu biểu là hiệp định mua sắm và bảo trì với Đức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi vật tư và hỗ trợ hậu cần - một thỏa thuận tương tự như những thỏa thuận mà Nhật Bản đã ký trước đó với Pháp, Anh và hiện đang đàm phán với Italy.

Quả thực, Tokyo đã tìm cách thành lập một mặt trận thống nhất bao gồm các đối tác có cùng chí hướng, hoặc bằng cách tăng cường quan hệ với các nước này, hoặc mở rộng quan hệ với NATO - những biện pháp mà các chuyên gia cho rằng cũng phản ánh mối lo ngại về mức độ can dự trong tương lai của Washington và khả năng của chính họ trong việc đảm bảo an ninh khu vực.

Sự cởi mở này đang thu được kết quả khi các đại sứ Pháp, Đức, Italy và Anh tuyên bố rằng quan hệ quốc phòng với Nhật Bản đã đạt đến tầm cao mới trong những năm gần đây. Đầu năm, Đại sứ Đức tại Nhật Bản Clemens von Goetze phát biểu với Japan Times trước khi kết thúc nhiệm kỳ: “Chúng tôi vốn luôn có mối quan hệ rất chặt chẽ, nhưng do những thay đổi địa chiến lược và địa chính trị xảy ra trong những năm gần đây, sự hợp tác của chúng tôi ngày càng trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết”.

Đức không chỉ tìm kiếm sự can dự lâu dài và liên tục về an ninh trong khu vực mà còn tìm kiếm các đối tác mới, trong bối cảnh châu Âu nỗ lực đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc. Dù chiến lược hàng đầu của Berlin đối với Trung Quốc chỉ giống như một tài liệu tổng hợp hơn là một chiến lược theo quy ước, nó vẫn là một cơ sở để tham chiếu cho phép Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác của chính phủ mở rộng các cam kết an ninh của họ. Điều này đã dẫn đến việc triển khai quân sự lớn hơn và tham vọng hơn bao giờ hết.

Sự thay đổi chính sách này được thể hiện rõ thông qua cuộc tập trận chung lần đầu tiên giữa các máy bay chiến đấu của Không quân Đức và Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản. Được tổ chức vào tháng 7, cuộc tập trận diễn ra chỉ vài tuần trước khi 2 tàu chiến Đức ghé thăm Tokyo và đi qua eo biển Đài Loan trước khi quay trở lại châu Âu. Quan điểm của Berlin và của các cường quốc châu Âu khác có lẽ được tóm tắt ngắn gọn như lời của Phó Đô đốc Jan Christian Kaack, người đứng đầu Hải quân Đức, khi phát biểu với tờ Japan Times rằng các cam kết quân sự ngày càng nhiều hơn nhằm mục đích cảnh báo rằng những hành động quấy nhiễu các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng sẽ không được dung thứ.

Theo Phó Đô đốc Kaack, mọi người đang “dần nhận ra” rằng các tuyến đường giao thông trên biển - huyết mạch quan trọng giữa các cảng được sử dụng cho mục đích thương mại, quân sự và các mục đích khác - “là công việc của mọi người. Không có vận tải hàng hải là không có mua bán!”.

Tăng cường khả năng tương tác

Pháp, quốc gia châu Âu duy nhất có sự hiện diện quân sự thường xuyên trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương qua lãnh thổ hải ngoại, đang gia tăng mạnh mẽ các quan hệ đối tác trong khu vực. Pháp sẽ ký một thỏa thuận với Nhật Bản về các lực lượng thăm viếng lẫn nhau, điều này cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc Nhật Bản triển khai các lực lượng tự vệ trên các lãnh thổ của Pháp ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Từ năm 2022, Nhật Bản đã ký 3 hiệp ước tương tự với Australia, Anh và Philippines và dự kiến thỏa thuận với Pháp sẽ là thỏa thuận tiếp theo sau khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu từ tháng 5/2024.

Hạm đội tàu sân bay Cavour của Hải quân Italy.

Hạm đội tàu sân bay Cavour của Hải quân Italy.

Quân đội Pháp đã tăng cường sự hiện diện tại Nhật Bản, nhất là thông qua các hoạt động tập trận không quân Pegase trong năm 2023 và đầu năm 2024, qua các chuyến ghé thăm cảng của Hải quân Pháp và cuộc tập trận lục quân Brunet Takamori lần 2. Theo Đại sứ Pháp Philippe Setton, mục tiêu không chỉ là tăng cường khả năng tương tác và phát triển “năng lực ứng phó chung mà còn kiểm chứng khả năng huy động trong thời gian ngắn để hỗ trợ các lãnh thổ hải ngoại của Pháp và các đối tác khu vực trong trường hợp khủng hoảng hoặc bất ổn khu vực”. Trong năm 2025, Paris cũng sẽ triển khai tàu sân bay Charles-de-Gaulle tới khu vực và trở thành quốc gia châu Âu thứ 3 làm điều này sau Italy năm 2024 và Anh năm 2021.

Tăng cường khả năng tương tác là mục tiêu quan trọng đối với châu Âu, như Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhấn mạnh trong chuyến thăm Tokyo tháng 8/2024. Quốc gia châu Âu duy trì mối liên hệ chặt chẽ nhất với Nhật Bản trong các vấn đề quốc phòng lại là Anh, cho dù chính phủ Công đảng mới của nước này đang thúc đẩy một chương trình nội địa đầy tham vọng và cắt giảm chi tiêu dự kiến.

Đại sứ Anh Julia Longbottom nhấn mạnh rằng khu vực này mang đến cơ hội duy nhất không chỉ để giải quyết các thách thức an ninh chung mà còn tạo ra các nguồn tăng trưởng kinh tế mới. London sắp triển khai một nhóm tàu sân bay khác tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2025 và cũng tham gia vào chương trình trị giá hàng tỷ USD đến năm 2035 với Tokyo và Rome nhằm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới, một sáng kiến đánh dấu mối liên hệ quan trọng đầu tiên về quốc phòng của Nhật Bản với các quốc gia khác ngoài Mỹ.

Mặc dù Anh và Italy đã thực hiện bước đi đầu tiên trong lĩnh vực này, nhưng các quan hệ đối tác công nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng vẫn là yếu tố then chốt trong việc mở cửa của châu Âu sang châu Á về mặt an ninh, theo đó, Đức, Pháp và các quốc gia khác đang tìm kiếm các thỏa thuận để phát triển công nghệ chung hoặc bán hàng quân sự để tìm kiếm lợi nhuận. Trên thực tế, chính Liên minh châu Âu (EU) cũng muốn tham gia trong cuộc chơi này, với các thỏa thuận hợp tác quốc phòng dự kiến sẽ được ký kết trong tương lai gần với Nhật Bản và Hàn Quốc. Các thỏa thuận này sẽ không chỉ bao gồm hợp tác công nghiệp quốc phòng mà còn bao gồm các lĩnh vực an ninh hàng hải và an ninh mạng, các mối đe dọa hỗn hợp và hợp tác quốc tế vì hòa bình.

Can dự có điều kiện

Tuy nhiên, vấn đề là liệu châu Âu có duy trì được sự quan tâm thường xuyên đối với châu Á hay không? Hơn nữa, một khi mối quan hệ xấu đi, liệu các cường quốc Đại Tây Dương này có sẵn sàng đổ máu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không? Theo Céline Pajan thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, thì bất kỳ sự can dự nào của châu Âu trong một cuộc xung đột tiềm tàng đều bị hạn chế bởi khoảng cách, những thách thức về hậu cần và các ưu tiên cạnh tranh. Chỉ là, điều khả dĩ hơn, “sự xoay trục” không chỉ có bánh răng quân sự thuần túy mà còn có cả các bánh răng ngoại giao và kinh tế, dựa trên việc tập trung xây dựng quan hệ đối tác, can dự kinh tế và tăng cường năng lực phi quân sự.

Lễ đón tàu chiến Pháp thăm Nhật Bản năm 2023.

Lễ đón tàu chiến Pháp thăm Nhật Bản năm 2023.

Dù không trông chờ châu Âu có thể đạt được quy mô hiện diện hoặc can dự quân sự trong khu vực như Washington, nhưng các chuyên gia cho rằng việc triển khai lực lượng thường xuyên sẽ mang lại một tín hiệu chiến lược hiệu quả đối với Trung Quốc và Nga, đặc biệt là ở các khu vực quan trọng. Đồng thời, những hành động này sẽ khiến cho Bắc Kinh và Moscow thêm căng thẳng khi nó cho thấy khả năng liên minh các quốc gia có cùng chí hướng trong việc phản đối bất cứ hành vi nào có tính gây bất ổn.

Trên thực tế, chỉ Anh và Pháp là những cường quốc châu Âu hiện có khả năng triển khai lực lượng trong dài hạn, điều này cho phép họ có thể can dự trong trường hợp xảy ra xung đột thực sự ở châu Á. Dù Đức, Italy và Hà Lan đã triển khai lực lượng trong khu vực nhưng chỉ mang tính tượng trưng. Các mối quan hệ lịch sử, những ràng buộc về kinh tế cũng như các ưu tiên chính trị quốc gia và khu vực đều có vai trò hạn chế sự can dự sâu rộng hơn, đặc biệt là thời điểm châu Âu còn đang phải giải quyết những vấn đề, xung đột nội tại. Ngoài ra, còn nhiều khía cạnh khác cũng đóng vai trò quan trọng trong các quyết định này, nhất là về sức mạnh quân sự, đào tạo và ngân sách của các bên liên quan.

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thay-gi-tu-ke-hoach-xoay-truc-chau-a-cua-eu--i757088/