Thấy gì từ lối sống 'phông bạt' bị bóc mẽ?

Lối sống hào nhoáng giả tạo bị lên án mạnh mẽ trên MXH Việt Nam gần đây. Trung Quốc cũng có động thái ngăn chặn tình trạng này khi hạn chế loạt nội dung khoe của.

 Cựu VĐV Phạm Như Phương trở thành tâm điểm chỉ trích vì lối sống "phông bạt" không phù hợp trong hoàn cảnh bão lũ hiện nay. Ảnh: @louispham203.

Cựu VĐV Phạm Như Phương trở thành tâm điểm chỉ trích vì lối sống "phông bạt" không phù hợp trong hoàn cảnh bão lũ hiện nay. Ảnh: @louispham203.

Trong những ngày này, cụm từ “phông bạt” được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội. Khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê số tiền ủng hộ khắc phục hậu quả bão số 3, nhiều cá nhân, tổ chức bị phát hiện khai khống khoản quyên góp.

Lúc này, họ bị nhận xét là “phông bạt”. Thực tế chứng minh lối sống này không còn hợp thời, thậm chí bị lên án, chỉ trích một cách gay gắt.

Sau đại dịch Covid-19, xu hướng quiet luxury (sang trọng thầm lặng) trở nên thịnh hành, lăng xê trang phục đơn giản, không in logo, tên thương hiệu, hạn chế hành vi khoe của.

Tại Trung Quốc, quy định cấm nội dung khoe của trên mạng xã hội cũng được áp dụng từ năm nay, cho thấy nỗ lực trong việc đẩy lùi lối sống hào nhoáng giả tạo.

Sự xa hoa giả dối

“Phông bạt” là một vật dụng che nắng, che mưa, tạo bóng mát cho các sự kiện ngoài trời, công trình xây dựng, hoặc làm mái che tạm thời.

Nhưng trên mạng xã hội, “phông bạt” được sử dụng với nghĩa lóng nhiều hơn, mang ý nghĩa mỉa mai, châm biếm những cá nhân thích phô trương, khoe khoang sự hào nhoáng giả tạo.

Khi những đợt sao kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp công chúng phát hiện ra hành vi khai khống số tiền ủng hộ đồng bào miền lũ, nhiều cá nhân, đơn vị lập tức bị chỉ trích vì lối sống “phông bạt” phản cảm.

Đáng chú ý, không ít cá nhân, tổ chức có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội và thu hút lượng người theo dõi lớn.

Gần đây nhất, ca sĩ Yến Tatoo xin lỗi và thừa nhận "fake màn hình" số tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt. Số tiền thực tế mà cô gửi đi là 25 triệu đồng, nhưng ảnh chụp màn hình biên lai được đăng trên trang cá nhân của ca sĩ lại hiển thị con số hàng trăm triệu.

MC truyền hình, nhà sáng tạo nội dung Việt Anh Pí Po phải lên tiếng xin lỗi 2 lần khi "khống" số tiền quyên góp từ thiện lên gấp 10. Cựu VĐV thể dục dụng cụ Phạm Như Phương, từng nhiều lần vướng nghi vấn “sống ảo” bằng đồ hiệu, khiến công chúng thất vọng khi cũng "thổi phồng" số tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt.

Môt số cộng đồng, bao gồm fanpage của người hâm mộ thần tượng, cũng bị phát hiện làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng tới Ủy ban MTTQ Việt Nam.

 Nhiều người trẻ Trung Quốc đăng tải hình ảnh check-in bên du thuyền, siêu xe, túi hiệu, xây dựng hình ảnh về lối sống "sang chảnh" trên MXH. Ảnh minh họa: @weymi.c.

Nhiều người trẻ Trung Quốc đăng tải hình ảnh check-in bên du thuyền, siêu xe, túi hiệu, xây dựng hình ảnh về lối sống "sang chảnh" trên MXH. Ảnh minh họa: @weymi.c.

Lối sống "phông bạt" cũng bị tố giác ở xứ tỷ dân, nhất là thời gian gần đây. Nhằm thỏa mãn nhu cầu sống ảo, nhiều người trẻ tại Trung Quốc sở hữu nhu cầu thuê siêu xe, túi hiệu chung, rồi chia sẻ với nhau để chụp hình check-in, đăng tải lên trang cá nhân, thể hiện như tài sản cá nhân. Các đơn vị cho thuê hàng hóa xa xỉ vì thế “mọc lên như nấm”, đáp ứng lối sống hào nhoáng giả tạo của giới trẻ, Cqnews đưa tin.

Từ xe hơi Porsche, Maybach, BMW đến túi Dior, Chanel, Louis Vuitton đều có thể được thuê, mượn một cách dễ dàng, tạo điều kiện cho nhiều người duy trì thói quen “sống ảo”.

Theo Sina, cụm từ “phông bạt” không được áp dụng với những ai khoe sự thành công cá nhân, khối tài sản lớn đạt được. Song, một số nhắc đến giá trị khối tài sản, ngôi nhà, chiếc xe, túi hiệu nhiều lần dù không ai thắc mắc, hỏi han, dễ dàng gây mất thiện cảm.

Hơn nữa, khi hành động khoe của lặp lại nhiều lần, mức độ xác thực của thông tin đưa ra cũng trở thành dấu hỏi lớn. Sự chú ý quá mức đến những lời khen, chê, hình ảnh của bản thân trên mạng xã hội là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến lối sống “phông bạt”, “làm màu”.

Không cổ xúy lối sống ‘phông bạt’

Sự thịnh hành của xu hướng quiet luxury là một minh chứng về sự lỗi thời của lối sống “phông bạt”. Đây không chỉ là trào lưu thời trang, mà còn là phong cách sống được nhiều người ưa chuộng.

Quiet luxury từng đặc biệt thịnh hành vào năm 2008, giữa cuộc đại suy thoái toàn cầu. Sự trở lại của xu hướng này vào năm ngoái phản ánh bức tranh kinh tế - xã hội tương tự. Khi tình hình kinh tế thế giới biến động, khách hàng xa xỉ không còn muốn khoe khoang lối sống vương giả, xa hoa.

 Wang Hongquanxin là một trong những sao mạng khoe của bị Trung Quốc cấm sóng. Ảnh: Wang Hongquanxin.

Wang Hongquanxin là một trong những sao mạng khoe của bị Trung Quốc cấm sóng. Ảnh: Wang Hongquanxin.

Ở Trung Quốc, nội dung liên quan đến 3 sao mạng thường xuyên thể hiện lối sống vương giả, bao gồm Wang Hongquanxin, Baoyu Jiajie và Bo Gongzi, bất ngờ bị xóa khỏi các nền tảng mạng xã hội vào ngày 21/5 vừa qua.

Họ là những người liên tục khoe khoang bất động sản đắt đỏ, trang sức cao cấp và bộ sưu tập túi xách Hermès Birkin phiên bản giới hạn trên trang cá nhân. Vì thế, hành động cấm sóng được cho là góp phần giảm thiểu sự phân hóa xã hội, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng của quốc gia tỷ dân, WWD đưa tin.

Theo The Cover, việc loại bỏ nội dung liên quan đến 3 influencer này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo ra một “môi trường văn minh, lành mạnh và chan hòa”. Hành động quyết liệt phản ánh mong muốn xoa dịu sự bất bình trong xã hội liên quan đến vấn đề chênh lệch giàu nghèo.

Trong cuộc thanh lọc, loại bỏ nội dung không phù hợp, bao gồm nội dung khoe của, Douyin đã xóa 4.701 tin nhắn và 11 tài khoản trong khoảng thời gian ngày 1-7/5. Xiaohongshu xóa 4.273 bài đăng trong 2 tuần qua và đóng vĩnh viễn 383 tài khoản.

Trong khi đó, Weibo xóa hơn 1.100 nội dung trong giai đoạn này, triệt để tuân thủ quy định mới.

Tại Việt Nam, khi nhiều cái tên bị phát giác gian lận số tiền ủng hộ bà con miền lũ trong các đợt sao kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, câu nói của ca sĩ Hà Anh Tuấn trong một chương trình nhanh chóng được chia sẻ lại trên mạng xã hội.

“Dân chơi giờ còn khoe cái xe, cái túi, lỗi thời rồi. Bây giờ kiếm tiền đi, hết mình kiếm tiền để đi cứu người”, Hà Anh Tuấn nói.

Gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội cũng thể hiện sự sáng tạo khi lập ra “Cục Phòng chống Phông bạt”. Đây không phải một cơ quan nhà nước, song bao gồm những thành viên tham gia hoạt động truy tìm và tố giác các cá nhân, tổ chức khai khống tiền từ thiện, nhằm bóc mẽ lối sống giả tạo này.

 Nhiều người trẻ thành lập "Cục Phòng chống Phông bạt" nhằm lên án lối sống xa hoa giả dối. Đồ họa: Như Phương.

Nhiều người trẻ thành lập "Cục Phòng chống Phông bạt" nhằm lên án lối sống xa hoa giả dối. Đồ họa: Như Phương.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-tu-loi-song-phong-bat-bi-boc-me-post1498093.html