Thấy gì từ nghiệp vụ tạm ứng chưa phù hợp và gia hạn khoản vay của HBC?
Kiểm toán nhấn mạnh về các khoản nợ vay đã quá hạn thanh toán và nghiệm vụ tạm ứng chưa phù hợp của HBC tại BCTC hợp nhất 2022.
Báo cáo kiểm toán 2022 của Tập đoàn Hòa Bình (HoSE: HBC) ghi nhận ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán về các khoản nợ vay đã quá hạn trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn.
Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, Tập đoàn Hòa Bình đang trong quá trình thương thảo với ngân hàng để xin gia hạn.
Cùng với khoản lỗ thuần năm 2022 là 2.570 tỷ đồng và lỗ lũy kế lên tới 2.101 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn âm tới 883 tỷ đồng.
Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Tổng tài sản biến động giảm, một số nghiệp vụ tạm ứng chưa được phê duyệt phù hợp
Đơn vị kiểm toán lưu ý, Tập đoàn Hòa Bình đã thực hiện một số nghiệp vụ tạm ứng khi chưa có đủ phê duyệt phù hợp. Các nghiệp vụ này sau đó đã được HĐQT Tập đoàn thông qua ngày 20/5/2023.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của HBC giảm gần 1.000 tỷ xuống còn 15.594 tỷ đồng, đặc biệt giảm tới 1.331 tỷ đồng so với báo cáo tự lập (16.925 tỷ đồng). Trong đó có sự chênh lệch ở khoản mục Phải thu dài hạn khác khi tăng từ 72 tỷ lên gần 340 tỷ đồng (gấp 4,7 lần).
Ngược lại, Các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh 1.438 tỷ xuống còn 10.672 tỷ đồng do tăng Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi từ 774 tỷ ở báo cáo tự lập lên 2.059 tỷ đồng, trong khi Trả trước cho người bán ngắn hạn giảm 18% về mức 493 tỷ đồng.
Trong 1.871 tỷ đồng phải thu ngắn hạn kỳ này có phát sinh khoản tiền 120 tỷ đồng tạm ứng cho Chủ tịch HĐQT. HBC cho biết, đây là khoản tạm ứng để mua quyền sử dụng đất tại phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TPHCM. Quyền sử dụng đất này hiện đang được thế chấp tại BIDV.
Còn khoản tạm ứng cho nhân viên 622 tỷ đồng, trong đó 266 tỷ đồng để giải chấp 45 triệu cổ phiếu của gia đình Chủ tịch HĐQT tại một số công ty chứng khoán. Số cổ phiếu này sau đó được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay của HBC tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).
Đồng thời, HBC còn tạm ứng 99 tỷ đồng để mua 5 triệu cổ phiếu của HBC nhằm đảm bảo cho việc thực hiện thỏa thuận phát hành cổ phiếu giữa Sanei Architecture Planning với HBC. Sau khi thực hiện xong thỏa thuận với Sanei Architecture Planning, HBC giao cho Chủ tịch HBC xem xét, theo dõi giá cổ phiếu và quyết định thời điểm bán 5 triệu cổ phiếu để hoàn ứng cho HBC. Giao dịch này chưa có đủ phê duyệt phù hợp và đã được HĐQT thông qua ngày 20/5/2023.
Ngoài ra, HBC còn khoản tạm ứng 138 tỷ đồng cho mục đích thực hiện hoạt động đầu tư của HBC.
Ngoài ra còn ghi nhận phải thu từ thanh lý khoản đầu tư 206 tỷ đồng, bao gồm trong số phải thu từ thanh lý các khoản đầu tư là 193 tỷ đồng phải thu từ Chủ tịch HĐQT cho việc thoái vốn khỏi CTCP Hòa Bình Oseven để nhận chuyển nhượng 25% phần vốn góp theo vốn điều lệ của Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân. Ngày 26/6/2023, Chủ tịch HĐQT HBC đã hoàn tất việc chuyển nhượng này cho CTCP Nhà Hòa Bình, một công ty con của HBC.
Hơn 5.100 tỷ vay nợ tài chính ngắn hạn, HBC tái cấu trúc và gia hạn thế nào?
Trước nhận định của đơn vị kiểm toán, HBC cho biết đã lập dự báo dòng tiền, trong đó có việc phát hành thêm 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với giá không thấp hơn 12.000 đồng/cp và không thấp hơn thị giá tại thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư.
Đồng thời, HBC cũng tái cấu trúc và gia hạn thời gian thanh toán các khoản nợ vay, tại ngày phát hành báo cáo tài chính này, HBC đã thanh toán được 2.047 tỷ đồng số dư nợ gốc và gần 170 tỷ đồng lãi vay phải trả.
Đối với số dư nợ còn lại đã quá hạn hoặc có thời gian đáo hạn trong vòng 12 tháng tới, HBC đang trong quá trình đàm phán với ngân hàng để gia hạn lịch trả nợ.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả của HBC tăng 15% so đầu kỳ, lên 14.375 tỷ đồng. Trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 5.104 tỷ đồng và dài hạn 1.026 tỷ đồng.
HBC đang vay ngắn hạn BIDV số tiền 2.246 tỷ đồng, VietinBank 1.269 tỷ đồng, MSB 302 tỷ đồng, NCB 246 tỷ đồng, HSBC Việt Nam 192 tỷ đồng, VPBank 171 tỷ đồng, ABBank 149 tỷ đồng, MBB 140 tỷ đồng, SeBank 64 tỷ đồng, Vietcombank 63 tỷ đồng... Còn 961 tỷ đồng trái phiếu, các trái chủ của HBC là MSB, Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI, Quỹ đầu tư Hạ tầng PVI, Chứng khoán VietinBank.
Theo HBC, với khoản vay Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), số dư nợ cuối năm 2022 là 64,5 tỷ đồng đã được đồng ý gia hạn đến ngày 1/2/2024 và ngày 3/2/2024; Khoản vay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với số dư nợ đến hạn thanh toán tại ngày 22/5/2023 là 55,5 tỷ đồng đã được đồng ý gia hạn đến tháng 5, 6 và 7/2024; Khoản vay Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) với số dư nợ đến hạn thanh toán tại ngày 5/5/2023 là 53 tỷ đồng đã được gia hạn đến 1/11/2023, đồng thời, NCB cũng đã đồng ý điều chỉnh kỳ hạn trả lãi đối với các khoản nợ của HBC.
Khoản vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được chấp thuận chủ trương thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và gữ nguyên nhóm nợ; Khoản vay Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã được thông báo đang trong quá trình thực hiện trình phê duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ và việc tái cấp giới hạn tín dụng năm 2023-2024 cho HBC.
Tại ngày phát hành báo cáo này, HBC vẫn đang tiếp tục đàm phán với các ngân hàng để gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay còn lại có thời gian đáo hạn trong vòng 12 tháng tới.
Ngoài ra, HBC cũng dự kiến thu được 1.064 tỷ đồng từ việc thanh lý một số máy móc và thiết bị cho một đối tác theo hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký kết ngày 28/6/2023.
Theo HBC, dựa trên các thông tin phù hợp, không bị giới hạn trong các giả định nêu trên, Ban Giám đốc tin rằng HBC sẽ có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có dòng tiền đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày của báo cáo tài chính hợp nhất này.
Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất được lập trên cơ sở hoạt động liên tục. Báo cáo hợp nhất chưa bao gồm các điều chỉnh có thể cần được thực hiện đối với tài sản và nợ phải trả của HBC trong trường hợp HBC khong có khả năng hoạt động liên tục.