Thấy gì từ quyết định rút quân mạo hiểm của Tổng thống Biden?

Quyết định của Tổng thống Joe Biden rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan trước ngày tưởng niệm 11/9 sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến kéo dài gần 20 năm ở quốc gia Nam Á đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Binh sĩ Mỹ bước ra ngoài căn cứ tại tỉnh Uruzgan (Afghanistan). Ảnh: Reuters

Binh sĩ Mỹ bước ra ngoài căn cứ tại tỉnh Uruzgan (Afghanistan). Ảnh: Reuters

Theo kênh truyền hình CNN, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden ngày 13/4 cho biết nhà lãnh đạo đã ra lệnh cho khoảng 2.500 binh sĩ còn lại ở nước này bắt đầu rút quân trước ngày 1/5 và mọi chuyện sẽ hoàn tất trước ngày 11/9 năm nay, chấm dứt cuộc chiến của Mỹ sau 20 năm.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền nói rằng Tổng thống Biden tin rằng Mỹ đã đạt được mục tiêu đặt ra khi bắt đầu cuộc chiến từ năm 2001 và giờ họ muốn tập trung để có thể đối phó với "những mối đe dọa và thách thức trong năm 2021”, bao gồm sự cạnh tranh với Trung Quốc, dịch COVID-19 bùng phát và mối đe dọa khủng bố rải rác tại nhiều quốc gia và trong các lĩnh vực mới như không gian mạng.

“Động thái này giúp chúng tôi gấp lại cuốn sách về 20 năm xung đột tại Afghanistan và chuyển hướng sang một chiến lược hiệu quả nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”, vị quan chức lên tiếng.

Tuy nhiên, quyết định chấm dứt dấu ấn quân sự của Mỹ sau gần 2 thập kỷ hiện diện là một quyết định mạo hiểm. Giới phân tích hiện vẫn còn tranh cãi liệu những lợi ích khi chấm dứt cuộc chiến dài hơi này có đủ để đánh đổi sự ổn định của Afghanistan và khu vực.

Theo ông Eliot Cohen – Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins, động thái rút quân khỏi Afghanistan có thể là khúc dạo đầu cho một Mỹ quyết đoán hơn trên trường thế giới và tái tổ chức một số liên minh, đặc biệt là với Pakistan và Ấn Độ.

Trong khi đó, Laurel Miller làm việc tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế lưu ý: “Mỹ sẽ phải trả giá nếu như tiếp tục tham gia vào một cuộc chiến mà không có mục đích chiến lược rõ ràng hay cách thức hợp lý để chấm dứt nó”.

"Mỹ đang xem xét những đánh đổi và rủi ro so với các ưu tiên khác mà họ có trên bàn cờ thế giới và nhận thấy rằng cái giá khi cho quân tiếp tục ở lại Afghanistan sẽ khiến họ không còn tập trung chú ý vào những ưu tiên khác quan trọng hơn”, nữ chuyên gia nhận định.

Nhiều nhà phân tích hoài nghi về hiệu quả từ động thái rút quân của Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều nhà phân tích hoài nghi về hiệu quả từ động thái rút quân của Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Trái ngược với luận điểm trên, một số chuyên gia cho rằng số lượng lính Mỹ còn lại tại Afghanistan không thấm vào đâu so với hàng chục nghìn quân vào thời chiến tranh đỉnh điểm.

Stephen Biddl - một thành viên cấp cao về chính sách quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế - cho hay: “Lập luận chúng ta không thể tập trung đối phó với Trung Quốc hoặc Nga mà không quân rút khỏi Afghanistan hoàn toàn sai lệch so với quy mô thực tế binh sĩ ở Afghanistan. Để quân tại một nước không đồng nghĩa với việc chúng ta không thể phản ứng kịp thời trước Nga tại Ukraine hay giải quyết vấn đề Biển Đông”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định rút quân sẽ không chỉ không chấm dứt xung đột mà còn làm xáo trộn bức tranh chính trị trong nước và quốc tế, tạo ra những rủi ro mới trên cả hai mặt trận.

Một số nhà phân tích chỉ ra nếu chính phủ Afghanistan bị đánh bại hoặc bị lực lượng Taliban thay thế, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ hứng chỉ trích ngay tại quê nhà. Họ cho rằng đến ngay cả khi có quân Mỹ đóng trong nước, một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban còn ít có khả năng diễn ra thì nói gì đến việc giờ đây quân Mỹ rút lui, tình trạng bất ổn sẽ còn nghiêm trọng và có thể lan rộng hơn trong khu vực khi những bên khác tìm cách lấp khoảng trống.

“Không một ai bỏ rơi Afghanistan. Các bên Pakistan, Nga, Trung Quốc, Trung Á và Iran tiếp tục tham gia. Đó không phải là một sự chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan, mà là chấm dứt giai đoạn của Mỹ trong cuộc chiến này”, ông Cohen nói.

Annie Pforzheimer - một nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu đã nghỉ hưu, từng là phó trưởng phái bộ ở Kabul vào năm 2017-2018 - nằm trong số bộ phận giới phân tích cho rằng độn thái rút quân sẽ khó khiến tiến trình hòa bình thành công.

Các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban được chính thức khởi động tại Doha (Qatar) vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tiến trình đàm phán này diễn ra tương đối chậm và không đạt nhiều kết quả như kỳ vọng vì xung đột bạo lực vẫn xảy ra thường xuyên.

"Tôi tin rằng thông báo rút quân sẽ khiến Taliban ít có khả năng đàm phán với chính phủ, từ đó tác động tiêu cực đến nhân quyền của phụ nữ, nhóm dân tộc thiểu số và những người trẻ tại đây’, nhà phân tích Pforzheimer kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thay-gi-tu-quyet-dinh-rut-quan-mao-hiem-cua-tong-thong-biden-20210414103337706.htm