Thấy gì từ việc bé trai Singapore ném mèo từ tầng 22 xuống đất
Số lượng trẻ vị thành niên ngược đãi động vật có dấu hiệu gia tăng ở Singapore, cho thấy hành cố ý gây tổn hại và đau đớn, vượt quá sự tò mò thông thường của người trẻ.
Trong tất cả cuộc giải cứu mà Lee Yao Huang từng tham gia trong suốt 15 năm làm việc tại Hiệp hội Phòng chống ngược đãi động vật (SPCA), có một trường hợp khiến ông nhớ mãi.
Một chú chó giống sục lông mượt được tìm thấy đang lang thang ở Clementi trong khi mõm bị bịt kín bằng dây cao su. Lúc đó, sợi dây chun đã cắt tới tận xương, tạo ra vết thương rộng 3 cm quanh mõm chú chó nhỏ, thối rữa và bốc mùi. Đây là một cách tàn nhẫn chỉ để ngăn chó sủa.
“Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi miệng của mình bị khâu hoặc buộc lại. Bạn không thể ăn, uống hay giao tiếp”, ông Lee, người đứng đầu các hoạt động giải cứu của SPCA, nói.
Trong 6 tháng qua, các trường hợp ngược đãi động vật khác cũng gây xôn xao dư luận Singapore, bao gồm một đứa trẻ ném con mèo từ tầng 22 xuống đất và một nhóm đàn ông hành hạ dã man một con trăn ở Boon Lay.
Đáng nói, những trường hợp như vậy không phải hiếm.
Không thể đổ cho bệnh tâm lý
Số liệu do SPCA công bố vào tuần trước cho thấy số vụ ngược đãi động vật năm 2022 ở mức cao nhất kể từ năm 2020. Có 481 vụ vào năm 2020, 324 vụ vào năm 2021 và 511 vụ vào năm ngoái.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, SPCA tiếp nhận 229 trường hợp. Nếu tiếp tục đà này, dự kiến đến cuối năm, SPCA sẽ nhận hơn 800 vụ, theo Giám đốc điều hành tổ chức Aarthi Sankar nói với CNA.
Theo các chuyên gia tâm lý, những hành vi tàn ác này có thể bắt nguồn từ một mong muốn trả đũa hoặc các vấn đề tâm thần phức tạp hơn.
Đối với động lực không liên quan đến các vấn đề tâm thần, nhà tâm lý học lâm sàng Annabelle Chow cho biết việc thiếu nhận thức về việc chăm sóc động vật đúng cách, thái độ văn hóa và xã hội cụ thể, hoặc những cảm xúc tiềm ẩn được kích hoạt bởi một sự kiện có thể góp phần dẫn đến hành vi lạm dụng của một người.
Đối với vấn đề liên quan đến các tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn, các chuyên gia cho biết tính bốc đồng, khả năng điều tiết cảm xúc kém và thiếu sự đồng cảm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi ngược đãi động vật.
Những đặc điểm này thường biểu hiện ở những người mắc bệnh tâm thần, chẳng hạn như rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở người lớn.
Bác sĩ tâm thần Adrian Wang cho biết những người mắc chứng rối loạn này rất hung hăng với người khác và dễ có hành vi bạo lực, dù là thể chất hay lời nói. Họ thường tìm thấy niềm vui khi chứng kiến người khác đau khổ.
“Mặc dù được phân loại là chứng rối loạn tâm thần, điều này không hợp pháp hóa hành vi bạo lực”, bác sĩ nói.
Bác sĩ tâm thần Lim Boon Leng đồng tình rằng những người có đặc điểm chống đối xã hội hoặc tâm thần có ít sự đồng cảm với động vật - vốn là những mục tiêu yếu thế, sẵn có và dễ dàng tiếp cận.
Dựa trên các nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa bạo lực gia đình và ngược đãi động vật, các chuyên gia nhận định rằng chính những kẻ ngược đãi cũng có thể là nạn nhân.
“Những người lạm dụng thường có chung một số đặc điểm, bao gồm tiền sử chấn thương tâm lý từ thời trẻ như bị lạm dụng, bỏ bê, bắt nạt, hay bạo lực gia đình”, bác sĩ Chow chia sẻ.
Sự gia tăng của kẻ ngược đãi "nhí"
Đáng chú ý, ở Singapore, số lượng kẻ ngược đãi là trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng. Trước năm 2022, các trường hợp liên quan đến thanh thiếu niên và trẻ em rất hiếm xảy ra. Trong khi đó, SPCA nhận được 7 báo cáo năm ngoái và 2 báo cáo chỉ trong vài tháng đầu năm.
“Điều đáng sợ hơn cả là bản chất cả những vụ việc này. Không chỉ liên quan đến trẻ vị thành niên, các trường hợp ngược đãi cho thấy sự cố ý gây tổn hại và đau đớn, vượt quá sự tò mò thông thường của người trẻ”, Thenuga Vijakumar, Chủ tịch Hiệp hội phúc lợi mèo (CWS), chia sẻ.
Bà cho rằng hiện tượng này một phần do ảnh hưởng từ mạng xã hội. Trẻ em đang sao chép những gì chúng thấy trên không gian mạng, chẳng hạn các video chơi khăm thú cưng, để giải trí hoặc tiêu khiển.
Các chuyên gia khác nói rằng trẻ em có thể hành động thiếu hiểu biết vì chúng không nhận thức được hậu quả của hành vi của mình. Theo bác sĩ Lim, sự non nớt ở trẻ em có thể khiến chúng không phân biệt được đúng - sai và hành động một cách nhẫn tâm.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ em có thể bị rối loạn hành vi. Đó có thể là sự kết hợp giữa di truyền và các yếu tố khác, chẳng hạn lớn lên trong một gia đình rối loạn chức năng, nơi bạo lực được bình thường hóa.
Đối với trẻ em bị mắc chứng rối loạn hành vi, sự can thiệp sớm của gia đình sẽ hữu ích. Chúng có thể giảm bớt hành vi lệch lạc thông qua trị liệu cùng cha mẹ.
Các chuyên gia đồng tình rằng việc giam giữ có thể là giải pháp duy nhất trong trường hợp kẻ ngược đãi có xu hướng lặp lại hành vi và việc tư vấn tâm lý không thành công. Một án tù cũng sẽ gửi thông điệp đến những người có khả năng lạm dụng rằng hành vi ngược đãi sẽ không được dung thứ.
Bên cạnh đó, SPCA và Hiệp hội Giáo dục và Nghiên cứu Mối quan tâm về Động vật (ACRES) nhấn mạnh rằng gia đình và xã hội nên hình thành thái độ đúng đối với động vật cho trẻ em từ khi còn nhỏ, thông qua giáo dục và tương tác tích cực với động vật.