Thấy gì từ việc Israel xuống thang, rút hàng nghìn quân khỏi Gaza?

Quyết định cho thấy Israel đang chịu áp lực của Mỹ và quốc tế trong các hoạt động quân sự vốn đã gây ra quá nhiều thương vong cho dân thường Palestine ở Gaza.

Rút quân trong lo lắng và áp lực

Israel đã rút hàng nghìn binh sĩ khỏi Gaza sau áp lực từ Mỹ nhằm chuyển sang giai đoạn có mục tiêu hơn trong cuộc chiến chống lại Hamas. Tuy nhiên, động thái này làm dấy lên lo ngại trong một số quan chức Israel rằng việc rút quân có thể khiến nước này dễ bị tổn thương trước một đợt gia tăng hoạt động quân sự khác.

 Một chiếc xe tăng Israel án ngữ ở khu vực cửa ngõ Gaza. Ảnh: Reuters

Một chiếc xe tăng Israel án ngữ ở khu vực cửa ngõ Gaza. Ảnh: Reuters

Việc rút Sư đoàn 36 mang lại cho Israel nhiều lựa chọn hơn để triển khai lực lượng tới các điểm nóng khác, chẳng hạn như tình trạng bất ổn ở Bờ Tây, đã nổi lên kể từ khi Israel bắt đầu tổ chức chiến dịch tấn công Gaza trên bộ. Tuy nhiên, khi rút lực lượng, Israel có nguy cơ làm suy yếu mục tiêu chiến lược của mình là tiêu diệt Hamas, khiến đất nước này có nguy cơ đối mặt với các cuộc tấn công mới.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington (Mỹ), những lo ngại đó càng được nhấn mạnh vào đầu tuần này khi tên lửa được bắn từ trung tâm Gaza, khu vực mà Sư đoàn 36 đóng quân trước đây.

Giora Eiland, một tướng Israel đã nghỉ hưu, cho biết chiến thuật thay đổi của Israel sẽ tạo điều kiện cho nhiều dân thường và các chiến binh Hamas theo chân họ quay trở lại phía bắc Gaza. Ông nói: “Chúng ta đã phải trả giá rất cao cho một thứ sẽ trở nên vô nghĩa trong thời gian ngắn”.

Việc Israel ném bom dữ dội vào Gaza, kết hợp với các hoạt động trên bộ trên diện rộng, đã dẫn đến thương vong nặng nề cho dân thường Palestine cũng như sự phản đối kịch liệt từ các đồng minh chủ chốt của phương Tây. Vì thế, Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Israel giảm quân ở Gaza và cho phép một phần trong số 90% người dân Gaza phải di dời do chiến tranh trở về nhà của họ.

Không rõ liệu sau này Sư đoàn 36 có được tái triển khai đến Gaza hay không, nhưng động thái được công bố vào đầu tuần này cho thấy mức độ mà Israel cảm thấy phải chịu áp lực quốc tế. Nó cũng phơi bày vấn đề gai góc về điều gì tạo nên một chiến thắng quân sự chiến lược ở một nơi mà Hamas đã hòa mình vào cuộc sống hàng ngày kể từ khi chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn vào năm 2007.

Ahron Bregman, một nhà khoa học chính trị tại King's College ở London (Anh) và là cựu sĩ quan trong quân đội Israel, nói rằng nếu không có được chiến thắng toàn diện trước Hamas, Israel có thể phải tự hài lòng với những mục tiêu ít tham vọng hơn. Ông Bregman nói: “Mặc dù Israel không bao giờ chính thức thừa nhận điều đó, nhưng mục tiêu lật đổ Hamas sẽ không thể đạt được, cả bây giờ lẫn tương lai”.

Áp lực từ nhiều phía

Mỹ đã nhiều lần thúc đẩy tiến hành nhiều hơn các hoạt động tương tự ở Gaza để cho phép phân phối viện trợ nhân đạo tự do hơn cho người dân Gaza và hạn chế số lượng dân thường thiệt mạng trong cuộc xung đột. Theo các cơ quan y tế Palestine, hơn 24.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, phần lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby hôm thứ Ba cho biết dù Hamas vẫn là mối đe dọa đối với Israel nhưng Washington không muốn chứng kiến thêm bất kỳ thường dân nào thiệt mạng.

Ông Kirby nói trong cuộc họp báo: “Chúng tôi đã khuyến khích Israel, đặc biệt là khi nước này chuyển sang giai đoạn mới này, hãy thực hiện các hoạt động của họ một cách khoa học và chính xác nhất có thể để giảm thiểu thương vong”.

Bộ Ngoại giao Israel cho biết hai con tin, Yossi Sharabi và Itay Svirsky, đã bị Hamas giết chết, điều này nhấn mạnh sự cấp thiết phải đảm bảo thả 120 con tin mà các quan chức Israel ước tính vẫn bị nhóm phiến quân ở Gaza bắt giữ.

 Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo tới Rafah, phía nam Dải Gaza. Việc giảm bớt cường độ chiến sự sẽ giúp viện trợ được phân phối dễ dàng hơn tới người dân - Ảnh: Reuters

Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo tới Rafah, phía nam Dải Gaza. Việc giảm bớt cường độ chiến sự sẽ giúp viện trợ được phân phối dễ dàng hơn tới người dân - Ảnh: Reuters

Việc rút quân diễn ra khi Israel phải đối mặt với áp lực mới ở những nơi khác, bao gồm cả ở Bờ Tây, nơi xảy ra ba cuộc đột kích của Israel vào sáng sớm thứ Tư, khiến ít nhất ba người Palestine thiệt mạng mà Israel cho rằng là một phần của một nhóm chiến binh đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công trong tương lai.

Kể từ khi Israel bắt đầu cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza, căng thẳng đã gia tăng tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nơi người Palestine phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng sau khi Israel cấm nhập cảnh đối với người lao động từ Bờ Tây.

Eiland, một vị tướng của quân đội Israel đã nghỉ hưu, nói rằng trong khi Israel tích cực tìm cách ngăn chặn việc mở mặt trận quân sự ở Bờ Tây, nước này có thể không có khả năng ngăn chặn một cuộc nổi dậy quy mô lớn khác theo kiểu Phong trào Intifada trước đây.

Ông nói: “Về mặt chiến thuật, chúng tôi rất thành công ở Bờ Tây nhưng tôi không nghĩ Israel có thể ngăn chặn một cuộc nổi dậy của quần chúng nếu để các điều kiện hình thành nó chín muồi”.

Giải pháp nào cho Gaza?

Hiện tại, câu hỏi ai sẽ quản lý Gaza trong trường hợp Israel rút quân hoàn toàn vẫn đang để ngỏ. Các phương án đều có những hạn chế và nhìn chung sớm bị bác bỏ, chẳng hạn như đề xuất Ai Cập tiếp quản dải đất này đã lập tức nhận được cái lắc đầu dứt khoát từ Cairo.

Ý tưởng về một lực lượng quốc tế, với quân đội từ các đồng minh Ả Rập láng giềng, sẽ tiến vào quản lý Gaza cũng vẫn treo lơ lửng, khi hầu hết các quốc gia Ả Rập đều không mặn mà.

Mỹ và các nước châu Âu thì phản đối việc di dời hẳn người Palestine khỏi Dải Gaza và cũng phản đối việc Israel tái chiếm khu vực này. Nhưng họ cũng không đồng tình với việc Hamas quay trở lại Gaza theo cách tiếp tục là mối đe dọa với Israel.

Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ Tư nhắc lại quan điểm trao quyền quản lý Gaza cho Chính quyền Palestine, tổ chức chính trị trên danh nghĩa đang quản lý Bờ Tây. Theo ông Blinken, việc thành lập một nhà nước Palestine hợp nhất giữa Bờ Tây và Gaza sẽ là trọng tâm để chấm dứt xung đột ở Trung Đông.

Ông Blinken nói rằng trong quá khứ, người Palestine và thế giới Ả Rập rộng lớn hơn đã bị chỉ trích vì không chấp nhận ý tưởng này. Nhưng thách thức bây giờ là liệu các nhà lãnh đạo Israel có sẵn sàng chấp nhận ý tưởng đó sau vụ tấn công của Hamas ngày 7 tháng 10 hay không?

“Liệu xã hội Israel có sẵn sàng tham gia vào những câu hỏi đó không?” ông Blinken cho biết tại Davos, Thụy Sĩ, vào thứ Tư. “Đã chuẩn bị sẵn sàng để có tư duy đó chưa? Đó là một thử thách”.

Và chừng nào các bên vẫn chưa sẵn sàng, dù đó là Israel hay người Palestine, cho ý tưởng chung sống hòa bình, thì Gaza vẫn cứ là điểm nóng nhức nhối với an ninh của Israel và là “nhà tù ngoài trời” đối với hơn 2 triệu người Palestine đang trú ngụ nơi đây.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thay-gi-tu-viec-israel-xuong-thang-rut-hang-nghin-quan-khoi-gaza-post281424.html