Thấy gì từ việc NATO gửi vũ khí hỗ trợ Ukraine?

Được xem là một trong những nguyên nhân khiến Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, NATO đang có lựa chọn tất yếu để phản ứng trước cuộc tấn công này của Nga. Mặc dù bàn đàm phán đã mở ra nhưng chiến sự vẫn chưa hạ nhiệt.

Việc Ukraine mong muốn gia nhập NATO và việc Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương này không tuân thủ thỏa thuận lịch sử khi áp sát biên giới Ngavlà hai trong số nhiều nguyên nhân được nhận định là đã gây ra cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay. Ngay sau khi chiến dịch quân sự của Nga nổ ra, lãnh đạo các nước thành viên NATO họp trực tuyến ngày 25-2 để thể hiện sự đoàn kết trong liên minh nhưng quyết định không can thiệp trực tiếp. Trong cuộc họp, Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, cho rằng hành động của Nga đã “chấm dứt hòa bình” trên lục địa châu Âu, là một “hành động có chủ ý, lạnh lùng và được lên kế hoạch từ trước”.

Tuy nhiên, theo tạp chí Times, NATO được cho là liên minh quân sự mạnh nhất hành tinh không có ý định can thiệp quân sự vào Ukraine trừ khi Nga tấn công một trong những nước thành viên của NATO. Ukraine không phải là thành viên của khối và là nguyên nhân dẫn đến cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây từ gần 10 năm qua.

Lính Ukraine vác tên lửa chống tăng NLAW trong cuộc tập trận ở vùng Donetsk, 15-2-2022

Lính Ukraine vác tên lửa chống tăng NLAW trong cuộc tập trận ở vùng Donetsk, 15-2-2022

Hiện NATO đã tiến hành hai hành động.Thứ nhất, liên minh đã quyết địch kích hoạt kế hoạch phòng thủ. Khối quân sự này đã bắt đầu triển khai lực lượng phản ứng nhanh để tăng cường hệ thống phòng thủ và sẵn sàng phản ứng nhanh chóng với mọi tình huống sau chiến dịch của Nga. Lực lượng phản ứng nhanh của NATO bao gồm 40.000 quân, trong đó có một số đơn vị có thể được triển khai chỉ trong vòng 2 hoặc 3 ngày. Riêng nước Pháp sẽ triển khai 500 binh lính ở Rumani trong khuôn khổ khối NATO, theo thông báo của tướng Thierry Burkhard, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp. Tướng Burkhard cũng cho biết là sự hiện diện quân sự của Pháp trong khối NATO ở Estonia, quốc gia có biên giới chung với Nga, sẽ được kéo dài quá thời hạn dự trù là tháng 3.

Lực lượng quân sự đã hiện diện ở Đông Âu sẽ được tăng cường thêm.Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden xác nhận sẽ không điều binh sĩ tới Ukraine.Hiện khoảng 90.000 lính Mỹ đã có mặt ở châu Âu, đa số tập trung ở Đức. Lầu Năm Góc cũng tuyên bố gửi thêm 7.000 lính đến Đức trong tuần này. Trước cuộc tấn công trên diện rộng của Nga, một số quốc gia lân cận Ukraine và là thành viên NATO như Litva, Estonia, Ba Lan cảnh giác cao độ và yêu cầu tham vấn Điều 4 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, tức là tiến hành trao đổi, thảo luận trong trường hợp an ninh của một số quốc gia bị đe dọa.

Do không thể trực tiếp đưa quân tới Ukraine, NATO đang tiến hành cung cấp vũ khí cho Kiev. Ngày 26-2, Chính phủ Đức cho biết sẽ chuyển giao cho Ukraine “càng sớm càng tốt” 1.000 tên lửa chống tăng và 500 tên lửa phòng không loại Stinger, cùng với 9 giàn đại pháo di động để giúp nước này đối mặt với quân đội Nga. Đức cũng thông báo chuyển cho Ukraine 14 xe bọc thép và 10.000 tấn nhiên liệu. Các biện pháp hỗ trợ khác hiện đang được nghiên cứu.Berlin gần đây bị chính quyền Kiev chỉ trích nặng nề vì đã từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Chính phủ Đức luôn biện minh cho mình bằng chính sách hạn chế mà họ đã tuân theo kể từ thời hậu chiến, cấm xuất khẩu thiết bị “sát thương” đến các khu vực có xung đột. Ngay sau Đức, Pháp đã thông báo quyết định chuyển giao thêm thiết bị phòng thủ và hỗ trợ nhiên liệu cho Ukraine.Theo Đại sứ Ukraine tại Paris, Kiev rất cần đến các “phương tiện phòng không” và thiết bị kỹ thuật số. Trước đó, ngày 25-2, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cung cấp bổ sung 350 triệu USD vũ khí cho Ukraine, lấy từ kho vũ khí của Mỹ. Trong thời gian qua, Ukraine đã đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí chống tăng Javelin và tên lửa Stinger. Mỹ đã trích kho vũ khí của mình để cung cấp cho Ukraine vào mùa thu năm 2021 và sau đó một lần nữa vào tháng 12. Trong năm qua, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 1 tỷ USD cho Ukraine.

Về phần Cộng hòa Séc, Bộ Quốc phòng nước này vừa thông báo sẽ tặng cho Ukraine các vũ khí trị giá tổng cộng 7,6 triệu euro. Theo hãng tin AFP, Hà Lan cũng đã thông báo ý định cung cấp các tên lửa và các thiết bị quân sự cho Ukraine. Ngày 27-2, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Anderson tuyên bố sẽ viện trợ quân sự cho Ukraine.Một quyết định mang tính lịch sử đối với Thụy Điển.Cho đến nay, Thụy Điển không cung cấp vũ khí cho một nước đang có chiến tranh. Thế nhưng, giờ đây, Thụy Điển sẽ chuyển giao cho quân đội Ukraine 5.000 súng phóng tên lửa chống tăng, cùng 5.000 mũ bảo hiểm và áo chống đạn, 135.000 khẩu phần ăn, với tổng chi phí là 50 triệu euro. Về phần mình, Liên minh châu Âu thông báo sẽ tài trợ, mua và cung cấp vũ khí sát thương với số tiền lên tới 450 triệu euro cho Ukraine. Đối với giới quan sát, đây là một quyết định lịch sử, vì từ khi thành lập đến nay, EU chưa bao giờ chuyển giao vũ khí cho một nước đang có chiến tranh.

Câu hỏi đặt ra là, những thông báo cung cấp vũ khí trên cho Ukraine phải chăng là đã quá muộn và không đủ sức ngăn chặn một quân đội mạnh như Nga? Samantha de Bendern, nhà nghiên cứu người Anh tại bộ phận Nga-Âu-Á của Viện Các vấn đề quốc tế Hoàng gia (Chatham House, London), nhận xét: “Nếu Ukraine mất quyền kiểm soát các sân bay của mình thì sẽ rất khó giao vũ khí. Sân bay Kiev và miền Tây Ukraine vẫn nằm trong tay người Ukraine, vì vậy việc giao hàng trên mặt đất vẫn có thể thực hiện được. Nhưng, mỗi ngày trôi qua, nó trở nên phức tạp hơn”.

Đàm phán Nga - Ukraine ở Belarus đã kết thúc.

Đàm phán Nga - Ukraine ở Belarus đã kết thúc.

Ngoài ra, kể cả khi Ukraine nhận được viện trợ, một vấn đề khác nổi lên là liệu quân đội nước này biết cách sử dụng tất cả các thiết bị nhận được hay không. Chưa kể liệu các nước chi viện có đủ vũ khí trong kho của mình để chuyển sang cho Ukraine ngay bây giờ hay không. Ngoài ra, còn có vấn đề tính tương thích và năng lực kỹ thuật của người Ukraine trong việc sử dụng các loại vũ khí mới.Hiện tại, các con đường tiếp cận duy nhất đến lãnh thổ Ukraine là bằng đường bộ.

Sau cùng, đối mặt với một đội quân hùng mạnh như quân đội Nga, liệu những khoản viện trợ này có thể giúp Ukraine tạo ra sự khác biệt hay không. Theo bà de Bendern, Ukraine không thể thắng Nga về mặt quân sự trong dài hạn nhưng việc hỗ trợ vũ trang cho Ukraine cho phép phương Tây gửi đến Nga một tín hiệu, để Nga hiểu rằng việc chinh phục một quốc gia mà phương Tây có quan hệ tốt sẽ rất khó khăn. Việc viện trợ vũ khí sát thương bất chấp nguyên tắc và ứng xử truyền thống này khiến cho người ta nghĩ rằng phương Tây có vẻ như đang muốn duy trì cuộc chiến ở Ukraine nhiều hơn là muốn chấm dứt nó!

Cuộc đàm phán ở gần biên giới chung Ukraine - Belarus được thông báo đã kết thúc. Điện Kremlin từ chối đưa ra bình luận về mục tiêu tại cuộc đàm phán, song trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky khẳng định Moscow muốn đạt được thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thay-gi-tu-viec-nato-gui-vu-khi-ho-tro-ukraine--i645640/