Thấy gì từ việc Tổng tư lệnh quân đội Myanmar tự tin tiếp đón 2 đại diện ASEAN?

Các cuộc nói chuyện cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của lãnh đạo quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing bốn tháng sau cuộc đảo chính.

Thượng tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, hôm 4.6 đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei - Dato Erywan Pehin Yusof và người đồng hương Lim Jock Hoi, Tổng thư ký ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar.

Các nguồn tin trong quân đội Myanmar nói với trang Nikkei rằng cuộc họp giữa ông Min Aung Hlaing và hai quan chức ASEAN bắt đầu lúc 14 giờ.

Chi tiết cuộc đàm phán của họ vẫn chưa được công bố, nhưng việc hai quan chức chấp nhận chuyến thăm cho thấy sự tin tưởng ngày càng tăng của ông Min Aung Hlaing vào khả năng quân đội kiểm soát tình hình, bốn tháng sau cuộc đảo chính ngày 1.2, đủ để mở ra đối thoại với quốc tế cộng đồng.

Hai bên dự kiến sẽ thảo luận về 5 điểm đã nhất trí tại hội nghị cấp cao ASEAN bất thường ở thủ đô Jakarta, Indonesia vào cuối tháng 4.2021, bao gồm việc cử đặc phái viên ASEAN và viện trợ nhân đạo tới Myanmar.

Brunei hiện là Chủ tịch ASEAN và hai quan chức đại diện cho ASEAN được cho không gặp các nhóm ủng hộ dân chủ, bao gồm cả nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.

Thượng tướng Min Aung Hlaing có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei - Dato Erywan Pehin Yusof và người đồng hương Lim Jock Hoi, Tổng thư ký ASEAN, tại thủ đô Naypyitaw

Trước chuyến thăm của các phái đoàn Brunei, ông Min Aung Hlaing đã gặp Peter Maurer, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, vào ngày 3.6. Theo một người quen thuộc với cuộc họp, Min Aung Hlaing không từ chối đề nghị từ Peter Maurer về việc nối lại các chuyến thăm của nhân viên Chữ thập đỏ và hỗ trợ nhân đạo nhiều hơn ở các khu vực xung đột.

Lãnh đạo quân đội Myanmar dường như tự tin hơn rằng đã trấn áp các cuộc biểu tình chống đảo chính và củng cố quyền kiểm soát với đất nước, khiến họ cởi mở hơn trong đối thoại với cộng đồng quốc tế.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia, được thành lập bởi các chính trị gia ủng hộ dân chủ, đã bác bỏ tính hợp pháp của quân đội Myanmar cả trong và ngoài nước, còn các cuộc giao tranh giữa quân đội và dân thường có vũ trang hoặc dân quân dân tộc vẫn tiếp tục. Tuy nhiên tại các khu vực thành thị, các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình ôn hòa đã giảm bớt.

Quân đội Myanmar cho biết họ sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử khác sau khi tình trạng khẩn cấp hiện tại được dỡ bỏ. Một kịch bản có thể xảy ra là tổ chức cuộc bầu cử trong những điều kiện thuận lợi cho đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển trực thuộc quân đội, cho phép họ duy trì quyền lực trên thực tế.

Vào ngày 24.5, bà Suu Kyi trực tiếp ra hầu tòa lần đầu tiên, trước đó đã xuất hiện qua cầu truyền hình. Sau phiên điều trần, quân đội Myanmar thông qua các phương tiện truyền thông liên kết với nhà nước đã công bố bức ảnh chụp Suu Kyi đang ngồi che mặt ở ghế bị đơn, nhằm gây ấn tượng với giới quan sát trong nước và quốc tế rằng bà không còn ảnh hưởng đến các vấn đề hiện tại của đất nước.

Vào cuối tháng 5.2021, Ủy ban bầu cử do quân đội chỉ định đã đề xuất tại cuộc họp của đại diện các đảng phái chính trị rằng họ có thể giải tán đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), trong đó bà Suu Kyi là người lãnh đạo. Nó cũng kêu gọi Bộ Nội vụ, cơ quan có thẩm quyền với cảnh sát, điều tra xem có bất kỳ trường hợp đảng phái chính trị nào vi phạm các yêu cầu đăng ký hay không. Nếu bằng chứng như vậy xuất hiện, đăng ký đảng của NLD có thể bị thu hồi. Bà Suu Kyi và NLD ngày càng có nhiều khả năng biến mất khỏi sân khấu chính trị.

Chính quyền quân sự dường như đang chi phối nhịp độ đối thoại với ASEAN. Sau khi trở về từ hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 4, ông Min Aung Hlaing cho biết tại cuộc họp của Hội đồng Hành chính Nhà nước (tên chính thức của chính quyền quân sự) rằng "các chuyến thăm Myanmar do ASEAN đề xuất sẽ được xem xét sau khi ổn định đất nước". Trọng tâm sẽ là thời gian khi nào các đặc phái viên được chấp nhận và liệu họ có thể gặp Suu Kyi hay không. Thế nhưng trong mọi trường hợp, quân đội Myanmar có thể nắm thế chủ động.

Theo Reuters, vào giữa tháng 5.2021, 9 quốc gia ASEAN, ngoại trừ Myanmar, gửi một bức thư tới Lichtenstein, quốc gia đã soạn thảo một nghị quyết tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi cấm vận vũ khí với Myanmar. Bức thư bày tỏ phản đối đề xuất này, cho thấy thực tế là các thành viên ASEAN thể hiện sự cân nhắc thuận lợi cho quân đội Myanmar để thúc đẩy đối thoại.

Trung Quốc và Nga, hai nước nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng đang duy trì sự ủng hộ với quân đội Myanmar. Hiện vẫn chưa rõ liệu các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt có đủ hiệu quả để buộc quân đội Myanmar thay đổi lập trường hay không.

Có nhiều kỳ vọng ASEAN sẽ đóng vai trò trung gian giữa quân đội và các công dân ủng hộ dân chủ. Song ngay cả ASEAN, vốn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, cũng không có ý tưởng cụ thể về cách thức tiến hành các cuộc đàm phán với quân đội Myanmar.

Hơn nữa, ASEAN "không phải là khối" về mặt nội bộ, theo một nguồn tin ngoại giao ASEAN. Ví dụ, Thái Lan và Lào không muốn can dự vào các vấn đề liên quan đến Myanmar, một lập trường rõ ràng khác với Indonesia và Singapore.

Nhân Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thay-gi-tu-viec-tong-tu-lenh-quan-doi-myanmar-tu-tin-tiep-don-2-dai-dien-asean-166480.html