Thấy gì từ vụ miễn nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương?
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc muốn giữ ổn định hoạt động ngoại giao trong bối cảnh nước này sẽ tham gia nhiều sự kiện quốc tế lớn sắp tới.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (TQ) đã có phiên họp ngày 25-7 và ra quyết định phê chuẩn việc bổ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương Vương Nghị làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong khi ông Tần Cương bị miễn nhiệm chức vụ này. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh ông Tần đã không xuất hiện trước công chúng một thời gian dài, với lần cuối cùng là ông tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Bắc Kinh hồi tháng 6.
Hàm ý cho quan hệ Mỹ - Trung
Phản ứng trước việc TQ thay đổi nhân sự cấp cao, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nhấn mạnh bổ nhiệm ngoại trưởng là công việc nội bộ của TQ và chính sách cơ bản của Washington sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Ông Patel cũng cho biết Ngoại trưởng Blinken đã nhiều lần tiếp xúc với Bộ trưởng Vương và giữa hai người có mối quan hệ cá nhân thân thiện.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Mao Minh cho biết TQ phản đối mọi thông tin cường điệu xung quanh vụ miễn nhiệm ông Tần, đồng thời sẽ công bố kịp thời các thông tin liên quan đến ông Tần trong thời gian sớm nhất.
Trả lời hãng tin Reuters, một số chuyên gia cho rằng sự trở lại của ông Vương Nghị sẽ giúp Bộ Ngoại giao TQ khôi phục hoạt động bình thường sau nhiều tuần ông Tần vắng mặt. Tuy nhiên, ông Vương về lâu dài khó có thể đem tới những thay đổi lớn cho quan hệ hai nước vốn đang ở mức thấp nghiêm trọng, dù ông là nhà ngoại giao TQ có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng đối với Mỹ.
Kể từ khi ông Tần vắng mặt trước công chúng, ông Vương Nghị đã thay ông Tần tham dự nhiều hoạt động ngoại giao gần đây, như gặp cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry tại TQ tuần trước. Ông cũng dự cuộc họp của các cố vấn an ninh quốc gia và đại diện cấp cao về an ninh quốc gia thuộc Nhóm 5 nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Nam Phi tuần này.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng việc tái bổ nhiệm ông Vương Nghị vào chức vụ bộ trưởng Bộ Ngoại giao thể hiện mong muốn của Bắc Kinh giữ ổn định quan hệ với Washington trước khi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề một số hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Một số sự kiện quan trọng có thể kể đến là hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) ở Ấn Độ vào tháng 9 hay hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở California (Mỹ) vào tháng 11.
“Hội nghị này chắc chắn là cơ hội mà lãnh đạo hai bên đều không muốn bỏ lỡ, bởi đó là dịp quan trọng để Mỹ và TQ cho các nền kinh tế khác trong APEC thấy rằng họ có thể quản lý tốt mối quan hệ” - Giám đốc điều hành Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ) Rorry Daniels bình luận.
Vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết
Dù vậy, việc thay đổi nhân sự đột ngột không thể tránh khỏi phát sinh nhiều vấn đề. Tờ South China Morning Post cho rằng việc ông Tần, người được xem là một “ngôi sao đang lên” của Bộ Ngoại giao TQ, đột nhiên mất chức không rõ lý do đã gây ra nhiều đồn đoán cả trong và ngoài nước, đặc biệt là sau khi ông không xuất hiện trước công chúng trong suốt thời gian qua.
PGS Alfred Wu thuộc ĐH Quốc gia Singapore cho rằng nếu TQ không sớm công bố lý do miễn nhiệm ông Tần thì điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh TQ trong mắt các đối tác nước ngoài.
“Nó có thể phần nào thể hiện sự không rõ ràng trong quá trình ra quyết định của giới lãnh đạo TQ” - ông Wu nói, nhấn mạnh rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào tính minh bạch của hệ thống chính trị khi nhân vật chính trong vụ việc là một quan chức cấp cao TQ.
Chưa kể, việc thay đổi nhân sự mới quá nhanh cũng khiến cho cơ quan ngoại giao các nước khác khó thích nghi kịp và có sự điều chỉnh kịp thời. “Ông Tần Cương từ đầu năm đã là bộ mặt của TQ trên trường quốc tế và thật khó để cho rằng điều đó sẽ không tác động tiêu cực đến các cơ quan ngoại giao trên khắp thế giới khi họ phải thay đổi chính sách tiếp cận để quay lại làm việc với ông Vương Nghị” - ông Nicholas Bequelin, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu TQ Paul Tsai thuộc ĐH Yale (Mỹ), cho hay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác như GS Zhiqun Zhu thuộc ĐH Bucknell (Mỹ) lại cho rằng các ảnh hưởng tiêu cựu từ chuyện này, nếu có thì cũng sẽ rất nhỏ.•
Ông Tần Cương từng được kỳ vọng
Ông Tần Cương, 57 tuổi, trở thành bộ trưởng Bộ Ngoại giao trẻ nhất TQ khi được Quốc hội nước này bổ nhiệm hồi tháng 12 năm ngoái, thay thế người tiền nhiệm Vương Nghị. Ông Tần Cương khi đó được kỳ vọng là nhân tố quan trọng giúp giải quyết loạt nhiệm vụ cấp bách trong lĩnh vực ngoại giao, từ quan hệ Mỹ - Trung đến hợp tác giữa TQ và Nga, theo hãng tin Reuters.
Trước đó, ông Tần Cương từng là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao từ năm 2006 đến 2014. Cách trả lời cứng rắn của ông trước những câu hỏi từ truyền thông quốc tế được xem là nét đặc trưng cho chính sách ngoại giao chiến lang của TQ. Tạp chí The Diplomat từng mô tả ông Tần là “một trong những người nổi tiếng đầu tiên của Bộ Ngoại giao TQ” vì những phát biểu như vậy.
Từ năm 2014 đến 2018, ông trở thành vụ trưởng Vụ Lễ tân, thường xuyên tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong các chuyến công du thế giới cũng như trong các cuộc gặp lãnh đạo nước ngoài, được đánh giá là phụ tá đáng tin cậy.
Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao trước khi đảm nhận vai trò đại sứ tại Mỹ vào tháng 7-2021. Khác với nhiều đại sứ TQ tại Mỹ, ông Tần chưa có kinh nghiệm làm việc với Washington và cũng chưa từng được cử đến Mỹ làm nhiệm vụ trước đó. Dù vậy, trong thời gian làm đại sứ, ông Tần luôn duy trì một giọng điệu hòa giải, thường xuyên khẳng định “cánh cửa quan hệ Mỹ - Trung vốn luôn mở, không hề đóng lại”. Trong bài bình luận đăng trên tạp chí The National Interest của Mỹ cuối năm 2022, ông Tần đã đưa ra quan điểm về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, tái khẳng định quan hệ Mỹ - Trung không phải là“trò chơi được mất”.