Thấy gì về Ukraine từ những rối loạn chính trị ở Mỹ?
Tổng thống Joe Biden và các quan chức khác của Mỹ nhiều lần cam kết 'dành sự hỗ trợ không ngừng' cho Ukraine. Quan chức đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đầu tuần này cũng tái khẳng định 'sự ủng hộ không ngừng' của khối đối với Ukraine, thông qua viện trợ quân sự và nhân đạo cũng như nỗ lực của Kiev trở thành thành viên của EU.
Nhưng có vẻ sự “hỗ trợ vững chắc” đó đang dao động.
“Có thể là như vậy. Mọi người đã mệt mỏi với xung đột, họ mệt mỏi với những tin tức xấu và phản ứng đó là hợp lý”, Mary Kate Schneider, giám đốc nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Loyola Maryland, đánh giá.
Steven Myers, một cựu chiến binh không quân từng phục vụ trong Ủy ban Cố vấn về chính sách kinh tế quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng cuộc xung đột này không bao giờ có thể thắng được và chiến lược của Nga đang hiệu quả.
Myers cho rằng cuối cùng Mỹ sẽ chỉ còn cung cấp một số hỗ trợ khiêm tốn, như đào tạo phi công F-16 cho Ukraine để họ đóng vai trò phòng thủ "giả vờ" ở miền tây Ukraine, trong khi Nga tiếp tục tiến về phía đông.
"Thế giới sẽ chi bao nhiêu tiền bạc và ý chí chính trị cho một mục đích phi lý ngay từ đầu? Hành động của Quốc hội là tín hiệu cho thế giới thấy rằng chúng ta đã làm khá nhiều”, Myers nói với USA Today.
Trong cuộc họp báo ngắn đầu tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết, phần lớn nguồn tài trợ hiện có của Ukraine đã hết do gói viện trợ đã bị loại khỏi luật ngân sách tạm thời vừa được Quốc hội phê chuẩn.
Lầu Năm Góc cho biết trong một lá thư gửi Quốc hội rằng họ chỉ còn 1,6 tỷ USD trong số 25,9 tỷ USD để bổ sung cho kho dự trữ quân sự.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng việc tiếp tục tranh luận về ngân sách sẽ không gây ra vấn đề nghiêm trọng cho Ukraine trong ngắn hạn.
Schneider gọi đây là một trở ngại chính trị, nhưng cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine trong tương lai gần, vì Ukraine vẫn cực kỳ quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ.
Tuy nhiên, về lâu dài, Ukraine có thể bị lôi kéo vào cuộc đấu đá nội bộ đảng phái trong Quốc hội Mỹ và trở thành "một vấn đề chia rẽ nữa" đối với phe cực hữu, Jeff Levine, cựu đại sứ Mỹ tại Estonia, nhận định.
Theo ông Levine, chính sách của đảng Cộng hòa về ủng hộ nền quốc phòng mạnh mẽ và sẵn sàng đối đầu với Nga đã thay đổi dưới thời Donald Trump.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ và những người Cộng hòa ủng hộ Ukraine vẫn có đủ số phiếu cần thiết để tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
“Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn. Các đồng minh, đối thủ của chúng ta và thế giới sẽ theo dõi," ông Miller nói.
Tuy nhiên, Myers nói rằng những tuyên bố của Tổng thống Joe Biden và các quan chức khác rằng hầu hết người Mỹ ủng hộ quan điểm của Mỹ về Ukraine là "hoàn toàn vô nghĩa". Ông cho rằng người Mỹ quan tâm nhiều hơn đến lạm phát, thị trường chứng khoán bơ phờ và chi phí nhiên liệu, thực phẩm cao khiến thu nhập thực tế của các gia đình giảm.