Thầy giáo chia sẻ kinh nghiệm dạy học môn Hóa học đạt điểm tuyệt đối
Với nhiều năm trong nghề, thầy giáo Đỗ Thế Minh chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình dạy học môn Hóa để đạt thành tích cao trong thi cử.
LTS: Thầy Đỗ Thế Minh - giáo viên Trường trung học phổ thông Quảng Xương 1, Thanh Hóa đã có 13 năm trong nghề, hiện là Tổ trưởng bộ môn Hóa học tại trường chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong dạy học môn hóa đạt hiệu quả cao.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết tới độc giả.
Tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, lớp 12T1, Trường trung học phổ thông Quảng Xương 1, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa có 42 học sinh theo học các khối A và B.
Riêng môn Hóa học, học sinh có điểm thi trung bình bộ môn đạt 8,03 điểm, trong đó có 7 em đạt từ 9,0 điểm trở lên. Đặc biệt nhà trường có 2 em đạt 9,75 môn Hóa, trong tổng số 3 học sinh của tỉnh Thanh Hóa đạt mức điểm cao nhất này ở môn này.
Thành tích trên đã góp phần làm nên thắng lợi của nhà trường trong kỳ thi vừa qua với 2 em đạt 27 điểm trở lên, trong đó có học sinh Lê Hoàng Tháiđạt 27.65 điểm khối A với với số điểm lần lượt là: Toán 9,4; Lý 8,5; Hóa 9,75. Đây là số điểm cao nhất tỉnh Thanh Hóa trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Với cương vị là Tổ trưởng chuyên môn Hóa học, đã từng có nhiều năm giảng dạy, ôn luyện cho học sinh, tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm giúp học sinh đạt điểm cao ở môn học này.
Thứ nhất: Phát hiện nhân tố trong quá trình giảng dạy. Ngay trong lớp học, giáo viên phải nắm rõ và phát hiện được những em có tố chất bộ môn để có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp với năng lực của các em.
Thứ hai: Giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản. Đặc trưng đề thi môn Hóa có 50% câu hỏi lý thuyết. Để có điểm thi cao, giáo viên cần dạy kỹ lý thuyết, giúp học sinh nắm vững bản chất của vấn đề lý thuyết hóa học và giải các câu hỏi lý thuyết này một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Nhờ đó học sinh có nhiều thời gian để chinh phục các bài toán khó trong đề.
Thứ ba: Phân tích đề giới thiệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm rõ cấu trúc của đề, làm cho học sinh thấy được mức độ kiến thức và kỹ năng cần đạt để có thể giải quyết được 40 câu hỏi trong thời gian 50 phút .
Thứ tư: Chủ động xây dựng chuyên đề nâng cao, viết sáng kiến kinh nghiệm, tìm cách giải các câu hỏi khó phù hợp với hình thức trắc nghiệm. Sau mỗi chuyên đề dạy giáo viên và học sinh tìm tòi các bài tập nâng cao cùng loại đề làm phong phú hơn dạng bài tập vừa ôn tập.
Với những dạng bài tập mới, giáo viên cho học sinh thảo luận và thống nhất cách giải để có được lời giải ngắn nhất, hay nhất.
Thứ năm: Cho học sinh luyện làm đề là một khâu rất quan trọng.
Đề phải có tính phân loại cao và bám sát cấu trúc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra. Sau mỗi đề luyện giáo viên cho học sinh ghi và làm lại những câu sai.
Nếu học sinh không làm được phải trao đổi với bạn hoặc giáo viên để làm lại thật chính xác các câu hỏi đó.
Với các câu khó giáo viên cần lưu lại và biến đổi thành đề bài mới cho đề lần sau để học sinh được va chạm nhiều lần. Cho học sinh luyện nhiều đề và liên tục trước khi thi.
Thứ sáu: Ở giai đoạn cuối giáo viên cần tách riêng học sinh thành các nhóm nhỏ cùng năng lực, cùng mục tiêu (thi đạt bao nhiêu điểm), từ đó có các loại bài tập và đề ôn phù hợp cho từng nhóm đối tượng.
Đối với “lớp 27 điểm” là lớp của những học sinh xuất sắc nhất khóa, khi dạy học, thầy giáo cần có sự chuẩn bị kỹ càng về nội dung bài dạy đó là:
Giáo viên lựa chọn những chuyên đề trọng tâm trong chương trình như: Bài toán sử dụng các định luật bảo toàn và phép quy đổi để luyện cho học sinh. Từ đó giáo viên yêu cầu học sinh áp dụng những bài tập mẫu được giáo viên hướng dẫn để giải các bài tập khó theo con đường mới, theo phương pháp trắc nghiệm.
Từ các bài tập mẫu giáo viên yêu cầu những em có học lực tốt nhất sáng tạo các bài tập tương tự để các em có thêm những kỹ năng để phản xạ với tình huống mới.
Với học sinh ở “lớp 27 điểm” giáo viên cần soạn một hệ thống bài tập nâng cao để giúp các em tự học. Giáo viên chỉ hướng dẫn khi học sinh không tìm ra lời giải hoặc lời giải quá dài.
Giáo viên luôn khuyến khích học sinh tranh luận trực tiếp về các lời giải với giáo viên hoặc với bạn cùng nhóm để giúp các em thêm tự tin và hiểu sâu hơn về cách giải bài tập.
Giai đoạn cuối, giáo viên soạn lại toàn bộ câu hỏi hay đã ôn trước đó và yêu cầu học sinh làm mỗi câu trong thời gian từ 3 đến 4 phút (giáo viên bấm giờ và nếu không làm ra được thì bỏ qua và chuyển sang câu khác, câu bỏ qua chỉ giải lại khi còn thời gian làm bài.
Bên cạnh nỗ lực của giáo viên và học sinh, để đạt được những thành tích trong quá trình dạy, học của nhà trường những năm qua, còn có sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu nhà trường mà đứng đầu là thầy hiệu trưởng –Lê Văn Dỵ với những giải pháp cụ thể trong suốt năm học.