Thầy giáo dạy Hóa bén duyên vọng cổ
Thầy giáo Nguyễn Văn Kiệt (Trường Tiểu học và THCS Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), nghệ danh Song Nguyễn (ảnh), ngoài công việc truyền trao kiến thức, còn là một nghệ sĩ, sáng tác trên 120 bài vọng cổ với những câu hát mượt mà, mộc mạc của miền sông nước phù sa.
Ngoài tình yêu vọng cổ, Song Nguyễn chuyển dần sang đam mê sáng tác, và xem đó như một cái duyên tổ nghiệp ưu ái dành cho mình. Song Nguyễn kể: “Bận nọ, giờ ra chơi, tôi xuống văn phòng trường nghỉ ngơi. Ngó chồng báo Kiên Giang để trên bàn, tôi lật ra xem một bài viết về văn học - nghệ thuật tỉnh nhà. Hàng loạt tên tuổi, tác phẩm được kể ra, nhưng tôi chú ý đến tên bài thơ Ráng chiều Hà Tiên của Tạ Đình Chiến, bởi địa phương này gắn với tôi nhiều kỷ niệm. Tôi đã tìm bài thơ Ráng chiều Hà Tiên để đọc. Bài thơ này khá hay với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, đã giúp tôi ngẫu hứng “mần một bài vọng cổ” mang tứ thơ và cùng tên Ráng chiều Hà Tiên”.
Ba mất sớm, là con út, Song Nguyễn được má yêu thương hết mực. Hình ảnh người phụ nữ ở chốn đồng bưng luôn được anh trân trọng và trở thành đề tài trong hàng loạt sáng tác. Mỗi nhân vật nữ được anh đưa vào bài vọng cổ của mình bằng lối viết tự sự trữ tình, trở thành một câu chuyện kể, khiến người nghe phải rung cảm vì đức tính hy sinh, sự can trường trong chiến đấu, đối mặt với kẻ thù. Song Nguyễn cho biết, anh có sở trường viết vọng cổ theo lối tự sự trữ tình, bởi mỗi bài hát như một cuộc đời thu nhỏ. Qua đó, anh có thể gửi gắm những trở trăn của mình với những sự việc đã xảy ra và ước mơ tươi sáng trong những mối quan hệ tình cảm giữa con người với nhau. Thế nhưng, với một nghệ sĩ trẻ như anh, thể loại này vẫn là một thách thức, đòi hỏi anh phải cố gắng học hỏi không ngừng.
Mỗi lời ca, mỗi giai điệu trong Người thầy trước cổng trường, Thao thức với U Minh, Tiệm tạp hóa của má, Mảnh khăn góa, Mùa trở gió, Đôi đũa tre, Về Lai Châu, Về thăm mẹ… và gần 130 bài vọng cổ của Song Nguyễn viết, là tâm tư, tình cảm đậm chất miền Tây được anh gửi gắm vào đó. Nghệ sĩ Kim Khéo kể: “Được một chị bạn trong giới giới thiệu bài Mảnh khăn góa, mình cứ ngỡ đây sáng tác của người trải nghiệm cuộc đời. Ai mà ngờ đâu, bài vọng cổ lại của thầy giáo dạy Hóa học, thật dễ gần, thật xúc động. Mình học thuộc bài hát chỉ trong mấy giờ đồng hồ trước khi trình diễn…”.
Song Nguyễn luôn nói rằng mình là người tay ngang sáng tác vọng cổ. Dẫu vậy, từ 2015 đến nay, anh nhận “mưa giải thưởng” ở tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… và đặc biệt năm 2017 anh đoạt giải 3 cuộc thi Bài ca vọng cổ ĐBSCL.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thay-giao-day-hoa-ben-duyen-vong-co-769099.html