Thầy giáo 'gàn' dưới chân dãy Ngọc Linh

Tròn 20 năm làm công tác giảng dạy tại nơi rẻo cao huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, với thầy giáo Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam, đây đã là quê hương thứ hai đầy thân thương của anh.

Nhiều quyết định táo bạo, tất cả vì học sinh thân yêu của thầy khi mới đề xuất, ai cũng cho rằng thầy gàn dở, nhưng thực tế thực hiện đã mang lại hiệu quả rất tích cực, góp phần vào sự nghiệp “trồng người” ở mảnh đất dưới chân dãy Ngọc Linh này.

Lên ngàn

Chúng tôi tìm về Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS (PTDTBT TH&THCS) Trà Nam sau trận mưa rừng bất chợt. Con đường từ trung tâm huyện Tắk Pỏ, Nam Trà My lên Trà Nam thêm phần trơn trượt, khó khăn. Sau chừng 30 phút di chuyển, trước mắt chúng tôi là ngôi trường trông khá khang trang nằm ở lưng chừng đồi, giữa bốn bề mây phủ. Trong khuôn viên trường, các em học sinh đang thực hiện các động tác tập thể dục giữa giờ đều đặn dưới sự hướng dẫn của thầy giáo và trong tiếng trống dồn. Niềm nở chào đón chúng tôi, thầy Võ Đăng Chín vừa rót chén nước trà ấm nóng, vừa chia sẻ về quá trình công tác giảng dạy của mình mà theo lời thầy, hành trình gắn bó với nghề giáo của thầy cũng không ít chông gai.

Thầy Võ Đăng Chín (phải) trò chuyện với phóng viên

Thầy Võ Đăng Chín (phải) trò chuyện với phóng viên

Thầy Chín quê xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp ngành Sử Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thầy bôn ba vào TP Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội việc làm. Là người từ tỉnh lẻ vào nơi phồn hoa, đô hội như tại thành phố mang tên Bác, ban đầu thầy Chín còn khá bỡ ngỡ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, với bản tính chịu thương, chịu khó và cần mẫn, thầy Chín đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi đây và tìm kiếm được công việc làm nước tinh khiết cho thu nhập ổn định.

Sau khoảng 1 năm bôn ba tại TP Hồ Chí Minh, dù đã dần quen với mọi thứ nơi này song ước mơ được đứng trên bục giảng, được “gõ đầu trẻ” vẫn không thôi cháy bỏng trong thầy Chín. Vậy là năm 2002, thầy Chín rời TP Hồ Chí Minh để trở về Quảng Nam và nộp đơn thi công chức ngành giáo dục. Với chuyên môn vững vàng, thầy Chín đã dễ dàng vượt qua đợt thi đó. Và sau khi được trúng tuyển công chức, thầy Chín đã xung phong lên công tác tại huyện vùng cao Nam Trà My. “Khi mới lên Nam Trà My, mình được phân công về dạy tại xã Trà Mai. Hồi đó đường sá đi lại còn khó khăn lắm nên cả tháng trời mình mới về quê một lần. Có khi vào mùa mưa lũ, mình ở lại với các em học sinh đến hết cả mùa luôn”, thầy Chín bộc bạch.

Thầy Võ Đăng Chín thường xuyên quan tâm, ân cần dạy dỗ học trò

Thầy Võ Đăng Chín thường xuyên quan tâm, ân cần dạy dỗ học trò

Đến năm 2006, thầy Chín được điều động lên nhận công tác tại Trường THCS bán trú cụm xã Trà Don - Trà Nam - Trà Cang - Trà Linh và được bổ nhiệm chức vụ quyền Hiệu trưởng nhà trường. Tháng 9-2020, thầy Chín được điều động về làm Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam. Do học sinh tại huyện Nam Trà My đa phần đều là người đồng bào Ca Dong, Xơ Đăng địa phương nên dù thay đổi công tác qua nhiều nơi, thầy Chín vẫn thấy rất yêu mến học trò, vì như lời thầy Chín thì “các em chân chất lắm. Nhiều khi vào dịp lễ, Tết hay Ngày Hiến chương nhà giáo 20-11, không giống dưới đồng bằng, các em học sinh trên này tìm nhánh hoa rừng mang đến tặng thầy cô làm chúng tôi rất xúc động”.

Những quyết định “lạ đời"!

Khi về công tác tại Trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam, nhận thấy nhà trường có 3 điểm trường tại các thôn, trong đó có điểm trường phải đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ đường rừng núi mới đến nơi như điểm trường Loa Mu, thôn 2, xã Trà Nam. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy, học tập cũng như sinh hoạt của các thầy cô giáo bám bản. Do đó, thầy Chín nghĩ ra ý định đưa thầy cô và học sinh tại các điểm trường về trường chính nhằm tạo thuận lợi trong công tác dạy và học. Nghĩ là làm, vào tháng 9-2021, sau khi bàn bạc thống nhất với Ban Giám hiệu nhà trường, thầy Chín đã đến từng nóc, từng thôn để gặp gỡ, lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về việc đưa con em về trường chính tổ chức bán trú và học tập. Sau khi nghe thầy Chín trình bày, 100% phụ huynh đã đồng ý!

Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Trà Nam tập thể dục giữa giờ

Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Trà Nam tập thể dục giữa giờ

Vậy là từ đó, học sinh tại các điểm đường đã về trường chính học tập, sinh hoạt, do đó đã góp phần nâng cao được chất lượng dạy và học của toàn trường. Để tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc chăm sóc học sinh xa nhà, thầy Chín đã bố trí nơi ăn ở cho các phụ huynh theo học sinh ra lớp. “Hàng tuần có khoảng 10 phụ huynh đến ăn ở tại trường để chăm sóc cho con em của họ. Thường thì chiều chủ nhật hay sáng sớm thứ Hai, các phụ huynh sẽ đưa học sinh đến trường rồi đến chiều thứ Sáu thì dẫn các em về nhà. Trong khi ở tại trường, thời gian rảnh rỗi, các phụ huynh này giúp đỡ nhà trường quét dọn vệ sinh hoặc tham gia chuẩn bị bữa ăn cho các em”, thầy Chín nói.

Dẫn chúng tôi xuống khu nhà ăn bán trú của trường, qua quan sát, chúng tôi nhận thấy một số phụ huynh đang giúp các cô cấp dưỡng kê bàn ghế, sắp chén đũa để chuẩn bị bữa trưa có cá thịt khá tươm tất cho học sinh. Trong số này có bà Hồ Thị Nương, năm nay 75 tuổi, là người đồng bào Xơ Đăng trú thôn 1, xã Trà Nam. Bà Nương cho biết bà có 2 cháu ngoại đang học tại trường, do bố mẹ các cháu bận công việc nương rẫy, đồng áng nên bà đến trường để ở và chăm sóc cháu. “Từ nhà bà ra trường mất hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ. Do đó, bà ở lại trường để giúp chăm sóc 2 cháu luôn. Ở đây bà được nhà trường tạo điều kiện ăn ở miễn phí thuận lợi lắm”, bà Nương chia sẻ. Giống như bà Nương, bà Hồ Thị Bốn (51 tuổi, trú thôn 1, xã Trà Nam) cũng ở lại trường để chăm sóc 2 đứa cháu đang theo học lớp 1 và lớp 2. “Ở trường tốt lắm, tôi và các cháu được ăn uống đầy đủ hơn ở nhà nhiều. Tôi vui lắm”. Vừa dứt lời, bà Bốn lại tranh thủ mang các khay đựng đồ ăn từ kệ lên đặt sẵn trên bàn giúp nhà trường chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh.

Hiện nay, toàn Trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam có 23 cán bộ, giáo viên, 5 cấp dưỡng là người địa phương và 323 học sinh, trong đó có 184 học sinh cấp Tiểu học và 139 học sinh THCS. 100% học sinh của trường là người đồng bào Xơ Đăng địa phương. Thông thường, học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa rất dễ bỏ học vào những ngày sau Tết hoặc khi gia đình vào mùa thu hoạch lúa rẫy. Hiểu được điều này nên để đảm bảo sĩ số học sinh ra lớp, thầy Chín đã làm việc với Đảng ủy, UBND xã và Ban Dân chính các thôn tuyên truyền, vận động phụ huynh không để học sinh nghỉ học, ở nhà phụ giúp việc gia đình.

Đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi,… Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo Chi đoàn trường quan tâm, giúp đỡ các em trong học tập. Nhờ đó mà dù là trường ở vùng cao nhưng tỷ lệ học sinh khá giỏi của Trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam đạt hơn 30%.

Vững vàng trong dịch bệnh

Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, nhiều trường học tại Quảng Nam nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng đã có nhiều người bị dương tính với COVID-19 trong trường, gây gián đoạn việc học trực tiếp. Tuy nhiên, tại Trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam, từ đầu mùa dịch đến nay, trong trường không có ca dương tính nào. Có được kết quả đó là nhờ vào việc Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Dân chính các thôn đã giám sát chặt chẽ học sinh khi về nhà, đồng thời vận động giáo viên ở lại trường, không về nhà mỗi khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, tạo môi trường dạy - học khép kín, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Bà Hồ Thị Bốn ở lại trường giúp chuẩn bị các bữa cơm cho học sinh và chăm sóc cháu ngoại đang theo học tại đây

Bà Hồ Thị Bốn ở lại trường giúp chuẩn bị các bữa cơm cho học sinh và chăm sóc cháu ngoại đang theo học tại đây

Thầy Chín bộc bạch rằng, trải qua 20 năm công tác tại huyện vùng cao Nam Trà My, thấu hiểu những khó khăn của học sinh nơi đây nên qua công tác vận động, thầy Chín đã tranh thủ được sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh có thêm điều kiện để viết tiếp giấc mơ con chữ của mình, nhất là với các em vượt khó học giỏi. Đến nay, thầy Chín đã kêu gọi giúp đỡ được 6 em học sinh tại xã Trà Don, huyện Nam Trà My vào đại học và 1 em học sinh xã Trà Nam hiện đang học lớp 10 tại Làng SOS Đà Nẵng.

Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết, Trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Trà Nam và Trường THCS Trà Nam từ tháng 9-2020. Trong những ngày đầu sáp nhập, nhà trường cũng gặp một số khó khăn nhất định, song với sự nỗ lực, đoàn kết của Ban Giám hiệu nhà trường, trong đó có cá nhân thầy Hiệu trưởng Võ Đăng Chín, nhà trường đã nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai hiệu quả công tác dạy và học. Đối với việc nhà trường đưa học sinh tại các điểm trường về trường chính để bán trú, học tập đã mang lại hiệu quả tốt, được phụ huynh rất ủng hộ.

Đặc biệt, thầy Chín không cho thầy cô nhà trường xuống bản, xuống nóc vận động học sinh đến trường vì “dễ tạo tâm lý ỷ lại. Khi thầy cô xuống nhà vận động, phụ huynh và học sinh dễ nảy sinh tâm lý cho rằng việc học là của thầy cô, thầy cô cần học sinh chứ học sinh thì không cần nên tôi tuyệt đối không để thầy cô đi vận động học sinh ra lớp. Chỉ trường hợp nào học sinh vắng học đột xuất thì giáo viên chủ nhiệm sẽ liên hệ ngay với lãnh đạo thôn, nóc để nắm thông tin. Nếu vì lý do đau ốm hay bất khả kháng nào đó thì giáo viên sẽ đến nhà thăm hỏi, động viên, còn không thì nhờ lãnh đạo thôn, nóc đến vận động”. Nhờ cách làm hay như vậy mà học sinh của Trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam hầu như không nghỉ học ngày nào, điều này đã tác dụng tích cực đến kết quả học tập của các em.

Ngọc Thi

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/thay-giao-gan-duoi-chan-day-ngoc-linh--i650320/