Thầy giáo làng giúp học sinh nghèo vượt khó
Sinh ra ở vùng đất nghèo khó, nắng hạn quanh năm, thầy Nay Khôn (dân tộc Jrai, sinh năm 1976, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai) vượt lên khó khăn, cố gắng học với mong muốn quay trở về dạy lại cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số nơi mình sinh ra.
Thấu hiểu những khó khăn của học sinh, từ khi ra trường đi dạy đến nay, thầy Khôn đã giúp đỡ rất nhiều học sinh nghèo, vượt khó, vươn lên trong học tập. Thầy Khôn được học sinh yêu mến, đồng nghiệp quý trọng, là tấm gương xứng đáng được lan tỏa trong ngành Giáo dục.
Thầy giáo làng vượt khó
Năm 1995, thầy Nay Khôn tốt nghiệp lớp Trung cấp sư phạm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và được phân công công tác tại một số trường Tiểu học vùng đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pa. Đến năm 2013, cách đây vừa tròn 10 năm, thầy Khôn được điều chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Chư Drăng (nay đổi tên thành Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, huyện Krông Pa). Trong suốt thời gian công tác của mình, thầy Nay Khôn luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà trường giao. Ngoài ra, thầy còn rất yêu thương học sinh những nơi mình giảng dạy và có những hoạt động thiết thực giúp học trò nghèo có được nền tảng kiến thức tốt nhất.
Năm học 2022 - 2023 thầy Nay Khôn được nhà trường phân công giảng dạy tại điểm trường lẻ buôn Ia Jip, cách điểm trường chính 12 km và cách trung tâm huyện Krông Pa 24 km. Đây cũng chính là ngôi trường mà Đoàn thanh niên TTXVN trao tặng tủ sách Đinh Hữu Dư vào năm 2021 với mong muốn giúp học sinh vùng khó khăn tiếp cận nhiều hơn với kiến thức xã hội qua sách, truyện...
Các phòng học tại điểm trường Ia Jip được xây dựng từ năm 2002 nên đã xuống cấp, tuy vậy, hưởng ứng phong trào "Xây dựng phòng học xanh - sạch - đẹp, an toàn" do nhà trường phát động, thầy Khôn quyết tâm cùng học sinh thiết kế lại phòng học. Những mảng tường mốc, bẩn được thầy khéo léo dùng giấy dán tường có in hàng tre, cây xanh hoặc những bảng biểu, tranh ảnh che lại. Thầy còn phát động học sinh mang những nhánh lan rừng, cây hoa, cây xanh tới để trang trí, tạo góc thiên nhiên trong lớp, ngoài ban công của điểm trường.
Vào mùa khô không có nước sinh hoạt, để cây xanh, cây cảnh trong lớp phát triển tốt, thầy còn hướng dẫn học sinh hàng ngày mang những chai nước từ nhà tới chăm sóc cho cây. Chính nhờ sự kiên trì, khắc phục khó khăn của thầy trò mà bất kỳ ai tới thăm lớp thầy chủ nhiệm cũng phải ngỡ ngàng, thán phục trước kết quả xây dựng lớp học Xanh-sạch-đẹp, an toàn của thầy Nay Khôn. Mô hình lớp học nhanh chóng được lan tỏa ra các lớp học khác trong điểm trường khó khăn này, tạo không khí học vui tươi, thoải mái cho cả thầy cô giáo và học trò.
Giúp đỡ học trò nghèo
Ngoài ra, hưởng ứng phong trào thi đua “Duy trì sỹ số học sinh” do nhà trường phát động thầy Khôn thường xuyên tới tận rẫy xa, tuyên truyền phụ huynh cho con em đi học đều. Hiểu được cái khó của học sinh, vì muốn phụ bố mẹ kiếm thêm thu nhập, việc học đành gác lại, nên thầy Khôn đã không quản nắng mưa, lặn lội đi tìm, vận động học sinh đến lớp đầy đủ.
Em H'Met, học sinh lưu ban 2 năm liền vì thường xuyên nghỉ học phụ bố mẹ làm rẫy cho biết, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông anh chị em, bố mẹ làm rẫy cũng không đủ tiền nuôi các con nên em muốn nghỉ học ở nhà để chăn dê, phụ giúp bố mẹ.
Biết tin, thầy Nay Khôn đã trích tiền lương của mình, hỗ trợ chị em H'Met trong sinh hoạt cũng như trong học tập. Năm học 2021-2022, thầy Khôn nhận nuôi đỡ đầu em Ksor H’Met và 1 người em trai kế của H'Met đang học lớp 3.
Đều đặn, sau giờ dạy buổi sáng, thầy Khôn mua gạo, thức ăn để nấu bữa trưa tại điểm trường cho chị em H'Met và một số học sinh nghèo để các em có thể tham gia học vào buổi chiều.
Để giúp các em có đủ phương tiện, đồ dùng học tập, cứ đến mùa hè thầy Nay Khôn đều đi xin các nhà tài trợ hỗ trợ đồ dùng học tập, sách vở cho học sinh điểm trường Ia Jip. Năm học 2022-2023, thầy Khôn đã đi xin được 4 chiếc xe đạp cũ về sửa lại để tặng cho các em. Ngoài ra, thầy còn tự lấy tiền lương của mình mua 3 bộ quần áo mới, 2 đôi dép, 2 chiếc cặp và đồ dùng học tập cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp thầy chủ nhiệm.
Ngoài ra, để lôi cuốn các học sinh đọc sách hàng ngày và có thói quen đọc sách, thầy Nay Khôn đã trang trí thư viện góc lớp và tổ chức hoạt động rất hài hòa, thân thiện. Cụ thể, thầy đã chia nhóm đọc, mỗi nhóm từ 4-6 em, những em học tốt sẽ giúp các em đọc chưa tốt, ghi những từ bạn đọc sai, sửa cho bạn và trả lời nội dung câu chuyện mới đọc. Vào thứ sáu hàng tuần các em nhóm trưởng báo cáo kết quả hoạt động của nhóm mình và được thầy tuyên dương, khen thưởng cho các nhóm thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhờ làm tốt hoạt động thư viện góc lớp mà chất lượng đọc và cảm thụ văn học của học sinh lớp 4E do Thầy chủ nhiệm đã được cải thiện tốt, được nhà trường đánh giá cao.
Cô Đoàn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai, nhận xét, là một giáo viên rất tâm huyết với nghề, tận tụy với công việc, cuối năm học 2021 - 2022 lớp thầy Khôn giảng dạy đã đạt các chỉ tiêu nhà trường giao, về duy trì sĩ số 21/21 em, đạt 100%. Kết quả Hội thi học sinh năng khiếu môn tiếng Việt do trường tổ chức, lớp thầy Khôn chủ nhiệm có 1 em giải nhì, 1 em giải khuyết khích và 1 em được công nhận năng khiếu. Ngoài ra, về Hội thi trang trí lớp, lớp của thầy Khôn cũng đạt giải nhì, Hội thi tủ sách em yêu đạt giải ba.
Theo cô Thúy, việc nhận đỡ đầu học sinh Ksor H’Met của thầy Khôn đã giúp học sinh có chỗ dựa để tiếp tục đến trường. Cuối năm học H'Met từ một học sinh đi học thất thường, lực học yếu mà nay em đã trở thành học sinh ngoan, đi học chuyên cần, em được khen thưởng học sinh vượt trội môn mỹ thuật. Kết quả cuối năm trong lớp thầy Khôn chủ nhiệm có 21/21 em hoàn thành chương trình lớp học; lớp được tặng danh hiệu chi đội tiên tiến; bản thân thầy Nay Khôn được UBND huyện Krông Pa tặng Giấy khen Lao động tiên tiến.
"Là một giáo viên người dân tộc thiểu số, giảng dạy ở một điểm trường lẻ xa xôi, đầy khó khăn, những việc làm của thầy Nay Khôn rất đáng được tuyên dương, khen thưởng, được lan tỏa trong toàn ngành. Ở những môi trường giáo dục còn nhiều khó khăn như tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số rất cần những tấm gương sáng như thầy Nay Khôn để đồng nghiệp và học sinh học hỏi, noi theo, gây dựng môi trường giáo dục ngày một phát triển." - cô Thúy cho biết thêm.