Thầy giáo mầm non 12 năm bám bản hết lòng vì đàn em thơ
Làm cô giáo mầm non đã vất vả, vậy mà thầy Lê Văn Thắng lại còn là thầy giáo mầm non. Nhưng với tình yêu vô hạn, thầy Thắng đã bám bản, bám trường, vượt qua bao trở ngại hết lòng vì đàn em thơ.
Thầy giáo mầm non và những trải nghiệm “đặc biệt”
Khi nói tới giáo viên mầm non, thường ta sẽ hình dung về hình ảnh các cô giáo tươi trẻ hát hay, múa dẻo, khéo léo với các con. Thế nhưng, bao năm nay, thầy Lê Văn Thắng, hiện là giáo viên tại điểm trường thôn Lếch Mông B (điểm trường lẻ của Trường Mầm non Thanh Kim, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã vừa là người thầy, người cha, người mẹ dạy dỗ, chăm sóc các em nhỏ vùng cao.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, thầy Nguyễn Văn Thắng cho biết, thầy sinh ra và lớn lên ở thôn Tân Việt (nay là thôn Việt Hưng), xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành Sư phạm Tiểu học, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), thầy có mong ước được làm đúng ngành nghề mình học, cũng là tình yêu ấp ủ của thầy.
Việc trở thành thầy giáo mầm non của thầy Thắng vốn không định trước. Tháng 9/2011, thầy Thắng nộp hồ sơ xin việc tại tỉnh Lào Cai và được phân công về huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa). Tuy nhiên, lúc đó, Sa Pa thiếu nhiều giáo viên mầm non nên thầy được phân công về dạy mầm non tại Trường Mầm non Thanh Kim.
“Thời điểm đó, tôi có phần hẫng hụt và cả lo lắng nữa, vì tôi vốn không phải là một người đào tạo ngành giáo viên mầm non, nhưng rồi, tôi vẫn quyết định nhận công việc mới”, thầy Thắng chia sẻ.
Dạy trẻ mầm non có nhiều khó khăn, bởi phải vừa dạy, vừa “dỗ”, người giáo viên đồng thời phải như người mẹ của các em ở nhà, với giáo viên nam, đây là một thử thách. Nhiều giai đoạn một mình phụ trách điểm trường với hơn chục học sinh, thầy Thắng tự tay chăm sóc các bé từng bữa ăn, giấc ngủ, bế bồng, dỗ dành khi em bé khóc, tự làm đồ chơi cho các em…
“Ngại nhất là phần múa hát. Dù cố gắng, nhưng có cảm giác nam giới vẫn không thể mềm dẻo, khéo léo được như các cô giáo. Thế nhưng, bù lại tôi lại được các em rất yêu quý, dường như không có khoảng cách giữa thầy và trò, kể cả với các em chỉ mới 2 tuổi”, thầy Thắng tâm sự.
Có được điều đó, là bởi trong thầy có một tình yêu vô hạn với các em, thầy Thắng đã coi các em như những đứa con của mình. Lúc mới lên dạy các em, thầy Thắng mới chỉ biết nói tiếng Kinh, trong khi nhiều em nhỏ vẫn nói tiếng Mông, Dao, Tày… chưa nói được tiếng phổ thông. Thầy Thắng đã phải học tiếng của đồng bào để giao tiếp tốt hơn với các em.
Nhiều lúc thầy đã hóa thân, đóng vai chơi với các em. Thậm chí, với những bé ở tuổi đi nhà trẻ chưa hiểu được tiếng của thầy, nhưng qua những cách thức diễn đạt khác nhau, thầy Thắng vẫn khiến trẻ hiểu được điều thầy muốn nói.
Lớp học của thầy Thắng đủ cung bậc cảm xúc, có cả tiếng khóc của trẻ khi chưa quen lớp, nhưng cũng rộn rã biết bao tiếng cười. Học sinh, phụ huynh đều yêu quý người thầy giáo nhiệt tình, tận tâm với nghề. Từ lúc đến với nghề thầy giáo mầm non là do “số phận đưa đẩy”, thì giờ, thầy đã gắn bó, yêu công việc của mình.
Năm 2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa có thông báo thi chuyển ngạch giáo viên tiểu học đang dạy ở mầm non về đúng vị trí công tác, thế nhưng, thầy Thắng đã từ chối cơ hội này. Gắn bó lâu với các em mầm non, chứng kiến những vất vả, khó khăn của bà con, thầy không nỡ và không thể rời xa.
Quyết định gắn bó với nghề, năm 2017, thầy Thắng đã học trung cấp Sư phạm mầm non, Khoa Sư phạm mầm non, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) phân hiệu tại Lào Cai. Sau khi tốt nghiệp, thầy đã tiếp tục học lên trình độ đại học, và đã tốt nghiệp vào tháng 10 vừa rồi.