Thầy giáo Mầm non duy nhất nơi biên cương Tổ quốc
Ở mảnh đất Hà Giang, nơi cao nguyên đá hùng vĩ và những ngọn núi quanh năm mây phủ, có một câu chuyện đặc biệt về người thầy giáo mầm non duy nhất đang ngày đêm cống hiến cho các em nhỏ vùng cao. Câu chuyện về thầy giáo Hoàng Đại Nghĩa, một người thầy trẻ tuổi với khát vọng đưa những đứa trẻ miền núi tiếp cận với ánh sáng tri thức, đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Bước chân khởi nguồn từ tình yêu gíao dục
Hoàng Đại Nghĩa không phải là một người bản địa, nhưng trái tim anh lại gắn bó sâu sắc với mảnh đất Hà Giang. Sinh ra và lớn lên tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, Nghĩa luôn cảm nhận được sự may mắn của mình khi có cơ hội học hành và sống trong môi trường phát triển. Tuy nhiên, từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, anh đã ấp ủ một ước mơ lớn – trở thành giáo viên mầm non để cống hiến cho những em nhỏ nghèo khó, nhất là ở các vùng miền núi xa xôi.
“Từ khi còn là sinh viên, tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục của trẻ em miền núi, đặc biệt là những em nhỏ ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Giang. Điều này thôi thúc tôi làm gì đó, để không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn giúp các em được tiếp xúc với những giá trị văn hóa, học vấn để vươn lên trong cuộc sống”, thầy Nghĩa chia sẻ.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, với niềm đam mê mãnh liệt và mong muốn đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước, thầy quyết định về xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang nghèo khó, nơi trẻ em mầm non vẫn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất và nguồn lực giáo viên.
Hơn 14 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, giúp các em mở rộng cánh cửa tri thức, vươn lên từ những khó khăn của cuộc sống. Với đặc thù của bậc học mầm non, người giáo viên không chỉ dạy học, còn đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây là phần việc đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và thường được giáo viên nữ đảm nhiệm. Tuy vậy, tại thôn Pó Ngần, xã Khâu Vai, thầy Nghĩa vẫn ngày ngày lặng lẽ, miệt mài dành tình yêu thương để chăm sóc, dạy dỗ những lớp trẻ mầm non nơi đây.
Trực tiếp phụ trách giảng dạy tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn cách xa trung tâm xã, tất cả các em học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế. Chính vì vậy, thầy luôn cố gắng tạo ra một môi trường học tập gần gũi, thân thiện để các em cảm thấy yêu thích và hứng thú khi đến trường.
Thầy Hoàng Đại Nghĩa, Trường Mần non xã Khâu Vai, chia sẻ: “Để công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao, bản thân tôi đã không ngừng trau dồi kiến thức, học tiếng dân tộc của các em học sinh, giao tiếp và truyền đạt lại kiến thức cho các em học sinh bằng hình thức song ngữ, tìm hiểu phong tục tập quán của người dân nơi đây rồi xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp với từng lứa tuổi. Qua đó, không chỉ giúp các em hiểu bài hơn, mà còn tạo được thiện cảm cho học trò, các em cũng quý mến tôi hơn”...
Không chỉ dạy các em về chữ cái, con số mà thầy Nghĩa còn ân cần hỏi thăm, quan tâm, xuống từng gia đình nắm tình hình, động viên các em đi học đầy đủ. Với người dân và các em học sinh nơi đây, thầy Nghĩa là hình mẫu của một người thầy hiền hòa, dễ gần và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Dù công việc giảng dạy không dễ dàng, nhưng thầy luôn lạc quan và hết lòng với nghề, từ đó xây dựng được sự tin tưởng và tình yêu thương từ các bậc phụ huynh và cộng đồng dân cư địa phương.
Bà Lý Thị Én, thôn Pó Ngần, xã Khâu Vai, cho biết: “Mặc dù thầy Nghĩa là một thầy giáo dạy trẻ, song qua những năm tháng gắn bó ở đây, thầy luôn thân thiện, yêu nghề mến trẻ, tận tình chăm lo cho các em nhỏ nên phụ huynh chúng tôi rất yên tâm gửi gắm con em mình cho thầy dạy và chăm sóc”.
Công tác giảng dạy tại một vùng miền núi còn nhiều khó khăn như Khâu Vai còn nhiều thử thách chông gai. Những đứa trẻ nơi đây còn đối mặt với các vấn đề thiếu thốn cơ sở vật chất, sự hạn chế về đồ dùng học tập, điều kiện đi lại khó khăn. Tuy nhiên, thầy Nghĩa luôn tìm cách khắc phục những khó khăn đó bằng sự sáng tạo và khả năng thích ứng linh hoạt. Bằng sự hỗ trợ của đồng nghiệp và cộng đồng, thầy luôn cố gắng mang đến cho các em một môi trường học tập đầy đủ và an toàn.
Cô Phạm Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Khâu Vai, nói: “Thầy Nghĩa rất nhiệt tình trong công việc. Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, thầy luôn chủ động phối hợp với cán bộ thôn trong công tác vận động học sinh, nên lớp học của thầy luôn duy trì sĩ số ổn định từ 98% trở lên. Ngoài ra, thầy là giáo viên nam duy nhất của trường nên thường được giao rất nhiều việc trong các phong trào thi đua do ngành và địa phương phát động. Song thầy luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó, thầy cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ đồng chí, đồng nghiệp hoàn thành mọi nhiệm vụ chung của đơn vị”.
Khát vọng về một ngày mai tươi sáng
Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, thầy Nghĩa không bao giờ từ bỏ lý tưởng của mình. Anh hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có nhiều thầy cô giáo mầm non hơn nữa đến với những bản làng xa xôi, để những đứa trẻ vùng cao có cơ hội được học hỏi, khám phá thế giới, và trưởng thành trong một môi trường giáo dục đầy đủ và chất lượng.
Thầy Nghĩa nói: “Tôi hy vọng rằng không chỉ có tôi, mà sẽ có nhiều thầy cô khác nữa, mang theo tình yêu nghề và khát vọng lớn lao, để mang tri thức đến với mọi đứa trẻ, dù chúng ở bất kỳ nơi đâu”...
Từ sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình, chu đáo của thầy Nghĩa, những đứa trẻ con em đồng bào Mông, Dao nơi đây đã nhận biết được chữ cái, con số, biết múa hát và tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Sự tự tin và tiến bộ của lớp lớp học trò chính là động lực lớn lao nhất để thầy Nghĩa tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Tại mỗi lớp học, dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của thầy, những âm thanh trong trẻo từ lời ca, tiếng hát vang lên rộn rã, vui tươi.
Thấp thoáng trong diện mạo mới của trường có bóng dáng một người thầy vẫn lặng lẽ “lái con đò tri thức”, thắp lên niềm tin, hy vọng về một tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ mảnh đất Khâu Vai nói riêng và sự nghiệp trồng người toàn huyện Mèo Vạc nói chung.
Câu chuyện của thầy Hoàng Đại Nghĩa chính là minh chứng sống động cho tình yêu và sự cống hiến không mệt mỏi của những người thầy, những người vẫn âm thầm lặng lẽ gieo mầm tri thức, giúp trẻ em ở những nơi khó khăn vươn lên trong cuộc sống, vượt qua những giới hạn về điều kiện vật chất và xã hội.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thay-giao-mam-non-duy-nhat-noi-bien-cuong-to-quoc-459596.html