Thầy giáo mầm non xây ước mơ vùng biên ải

Gần 10 năm qua chưa khi nào thầy Quân nản lòng vượt 20 km đường rừng tới trường...

Thầy Quân tận tụy trong từng tiết dạy. Ảnh: ĐQ

Thầy Quân tận tụy trong từng tiết dạy. Ảnh: ĐQ

Hằng ngày, để đến trường trước giờ trẻ vào lớp, thầy giáo Đinh Quốc Quân - Trường Mầm non Không Hin phải rời nhà từ 5 giờ 45 phút, vượt 20km đường rừng. Vất vả là thế nhưng gần 10 năm qua chưa khi nào thầy Quân nản lòng.

Xây ước mơ bằng tình yêu

Thầy Đinh Quốc Quân vốn quý và thích chơi với trẻ nhỏ. Từ tình yêu đó, sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết thi vào ngành Sư phạm Mầm non. Năm 2006, chàng trai người Mường quê Phú Thọ nhận được giấy báo đỗ hệ trung cấp Sư phạm Mầm non, Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ).

“Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng cao khó khăn, đỗ được ngành học theo sở thích, nguyện vọng là điều quý giá không gì bằng. Thời gian học ở giảng đường, tôi nỗ lực tiếp thu mọi kiến thức, kỹ năng từ thầy cô”, thầy Quân chia sẻ.

Tốt nghiệp trung cấp mầm non năm 2008, tháng 2/2009, thầy giáo trẻ nhận công tác tại Trường Mầm non Không Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ngày nhận lớp, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi lần đầu tiên thấy giáo viên mầm non là nam giới.

“Nhiều người nghi ngờ liệu tôi có thể chăm sóc con họ được hay không, bởi lâu nay mọi người quá quen với hình ảnh cô nuôi dạy trẻ. Đặc biệt với những tình huống hỗ trợ vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ của trò, các cô sẽ thành thạo hơn thầy giáo trẻ chưa có gia đình”, thầy Quân kể lại.

Để tạo lòng tin với phụ huynh, ngoài chú tâm xây dựng bài giảng đúng yêu cầu chuyên môn, thầy Quân còn cố gắng triển khai nhiều hoạt động trên lớp, ngoài sân thật bổ ích, vui nhộn… qua đó kích thích hứng thú, giúp trẻ muốn đến trường. “Tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của trẻ để hiểu hơn tính cách các con. Qua đó, xây dựng phương pháp chăm sóc, dạy bảo phù hợp nhất với từng trẻ”, thầy Quân chia sẻ.

Trong quá trình học ở trường, trẻ có biểu hiện lười ăn, ngại chơi hay ho hắng… thầy Quân lưu ý, trao đổi với phụ huynh ngay khi đón con về. Mỗi dịp về nhà hay đi công tác xa, thấy đồ dùng học tập phù hợp với trẻ, thầy Quân lại trích một phần lương để mua. Những hành động, việc làm bình dị ấy khiến phụ huynh thêm hiểu và yêu quý thầy hơn.

Gắn bó với vùng cao nhiều năm, thầy Quân hiểu hơn ai hết những thiệt thòi, vất vả mà các em trải qua. Thầy giáo 8X chia sẻ: “Học trò của tôi đa số gia đình khó khăn, bố mẹ làm nương rẫy, 4 - 5 tuổi phải tự trông mình, chăm em; có trò phải địu em nhỏ cùng đến lớp học, thậm chí vào ngày nghỉ phụ bố mẹ chăn bò, nấu cơm…

Chưa kể, nhiều gia đình không ai biết tiếng phổ thông nên kỹ năng giao tiếp của trẻ kém, khó khăn khi giao lưu, trò chuyện với người ngoài và trao đổi với thầy cô. Điều đó dẫn đến tình trạng phổ biến là trẻ rụt rè, tự ti; quá trình chăm sóc, rèn giũa rất vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ...”.

Đặc biệt, để thuận tiện trao đổi, chăm sóc trẻ, thầy Quân học thêm 2 - 3 tiếng dân tộc. Nhờ đó, thầy - trò hiểu nhau hơn. Mặt khác, thầy có thể nói chuyện với phụ huynh để nắm bắt tính cách, khả năng, hướng dẫn cách chăm sóc, dạy bảo trẻ tại nhà.

Thầy Đinh Quốc Quân luôn cố gắng nỗ lực để nuôi dạy học trò tốt nhất. Ảnh: ĐQ

Thầy Đinh Quốc Quân luôn cố gắng nỗ lực để nuôi dạy học trò tốt nhất. Ảnh: ĐQ

Không có khái niệm ngày 20/11

10 năm gắn bó với vùng cao, như bao đồng nghiệp khác, thầy Quân chưa năm nào nhận được lời chúc từ học trò hay phụ huynh dịp 20/11. Thế nhưng, thầy Quân không lấy đó làm buồn hay chạnh lòng.

Thầy Quân tâm sự: “Đa số học trò vùng cao đi học còn mang theo bụng đói, phụ huynh chạy ăn từng bữa nên các ngày lễ trong năm chẳng ai nhớ tới cũng là điều dễ hiểu. Ngày Nhà giáo Việt Nam với họ cũng như bao ngày khác.

Còn tôi, sống quen trong điều kiện, hoàn cảnh đó nên ngày này đến chỉ tự nhắc mình đã gắn bó với nghề giáo vùng cao phải luôn truyền năng lượng tích cực đến trẻ; mong các em khỏe mạnh và đi học đầy đủ; tích cực tham gia các hoạt động trong tiết học… là tôi vui lắm rồi”.

Chia sẻ về đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Không Hin kể: “Trước khi về trường nhận công tác quản lý, tôi được đồng nghiệp kể, trường có giáo viên nam. Tôi khá tò mò, nhưng khi tiếp xúc đã bất ngờ bởi cách thầy bố trí tiết học để tạo hứng thú, tăng tương tác cho trò.

Dù là nam giới nhưng thầy Quân luôn hòa đồng, chịu khó, không ngần ngại học hỏi đồng nghiệp để có thể hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức, khắc phục điểm yếu của mình trong giảng dạy. Với sự chỉn chu, say nghề, thầy Quân được nhiều phụ huynh tin tưởng khi gửi gắm con em. Trẻ cũng yêu quý, hứng thú tới lớp”.

Năm học này, thầy Quân được phân công dạy ở điểm trường Huổi Máu (cách 20 km - xa nhất trong số các điểm lẻ của trường), với 17 trẻ. Đường đi lại khó khăn, nhiều đoạn hai xe máy phải nhường nhau mới đi được… Với đặc thù công tác ở huyện miền núi, ban giám hiệu luôn động viên thầy Quân cùng các đồng nghiệp nỗ lực vượt khó, coi trẻ như con em để nuôi dạy thật tốt; cha mẹ và các em thấy được giá trị của việc tới trường, ra lớp.

“Học sinh vùng cao rất thiệt thòi về điều kiện, hoàn cảnh sống, nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con. Nếu thầy cô không thấu hiểu, đồng hành, truyền cảm hứng… thì ai sẽ cùng các em đặt những viên gạch xây dựng ước mơ”, cô Nguyễn Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Không Hin bày tỏ.

“Tôi nhớ mãi món quà đầu tiên nhận được từ phụ huynh, học sinh là củ khoai, bắp ngô, quả dưa. Những tình cảm mộc mạc, chân thành đó giúp tôi và nhiều đồng nghiệp vững tin, ấm lòng hơn khi chọn nghiệp “gieo chữ trồng người” vùng biên ải”. - Thầy Đinh Quốc Quân - giáo viên Trường Mầm non Không Hin

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-giao-mam-non-xay-uoc-mo-vung-bien-ai-post660838.html