Thầy giáo mong muốn tuổi hưu nam - nữ nên cách biệt 4-5 năm

Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động giữ khoảng cách tuổi nghỉ hưu chênh 4-5 tuổi giữa giáo viên nam - nữ như lâu nay là phù hợp, tạo ra bình đẳng giới hợp lý.

Theo Nghị quyết số 57 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2019 sắp tới.

Trước thềm kỳ họp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Namđã công bố nhiều kiến nghị về các nội dung trong Dự thảo sửa đổi Luật Lao động, nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động trong cả nước, đặc biệt trong đó có nội dung “Tuổi hưu của nữ nên dừng ở 58”.

Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành đặc thù như giáo viên mầm non - tiểu học, công nhân, điều dưỡng, hộ lý… là những ngành nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là nữ 55, nam 60, tương tự như những ngành thuộc danh mục nghề độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc được nghỉ hưu sớm.

Như chúng ta đã biết, tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình phương án tăng tuổi hưu theo hướng: Trong điều kiện lao động bình thường, bắt đầu từ ngày 01/01/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với lao động nam, 4 tháng với lao động nữ, để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028.

Như vậy đến năm 2028 mới có người đàn ông đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, đến năm 2035 mới có người phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 60; chứ không phải ngay từ năm 2021, lao động nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60 và nam 62 như nhiều người đang lầm tưởng.

Việc thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung và thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu, là cần thiết bởi vì độ tuổi nghỉ hưu của nam - nữ là 60 - 55 đã được quy định từ cách đây hơn 60 năm nay, khi đó bình quân tuổi thọ của người Việt Nam mới trên 45 tuổi, còn hiện nay bình quân tuổi thọ của người Việt Nam đã ngót 77 tuổi.

Góp ý đối với Điều 170 – Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 “Quy định về tuổi nghỉ hưu”, đa phần giáo viên các cấp học đang đứng lớp – đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học, đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ giáo viên, vì dạy học là lao động nghề nghiệp có tính chất đặc thù nên trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam thì việc giảng dạy, thực hiện cải cách giáo dục sẽ gặp nhiều khó khăn, hiệu quả công việc không cao; giáo viên khó có thể cống hiến tốt khi tuổi đã cao, vì đặc thù đứng lớp phải giảng nhiều, thuyết trình nhiều.

Không nên áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu chung một cách cứng nhắc đối với giáo viên, vì từ thực tiễn công tác, sau khi đi dạy được khoảng 30 - 40 năm, đến tuổi 55 - 60, chưa kể hầu hết giáo viên đã mắt mờ, chân yếu, tay run… nhiều giáo viên còn mang các bệnh nghề nghiệp như ho mãn tính, viêm xoang mãn, viêm dây thanh quản, hen suyễn,...

Đối với những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, giáo viên cắm bản, miền núi việc tăng tuổi nghỉ hưu khiến các thầy, cô gặp khó khăn, vất vả càng nhiều hơn.

Thêm nữa, hiện nay tuổi thọ bình quân người Việt dù đang tăng nhưng bệnh tật cũng ngày càng nhiều hơn trước. Đồng thời, nước ta đang trong giai đoạn tinh giản biên chế mạnh mẽ, việc giải quyết việc làm cho giáo sinh ra trường đang rất khó khăn.

Đáng quan tâm nhất là nội dung tăng tuổi hưu cho lao động nữ từ 55 lên 60, sẽ gây nhiều khó khăn cho giáo viên mầm non – đối tượng chuyên chăm sóc, dạy dỗ các cháu nhỏ, chịu nhiều áp lực công việc, thời gian làm việc mỗi ngày lên đến 10 - 11 giờ, cường độ lao động cao và đòi hỏi sự năng động, nhanh nhẹn.

Đặc thù ngành nghề giáo viên mầm non, tiểu học ở nước ta không phù hợp với lao động khi tuổi đã cao.

Giáo viên mầm non chăm sóc, giảng dạy cho các cháu học sinh dân tộc Raglai ở một trường Mẫu giáo miền núi (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: tác giả cung cấp.

Giáo viên mầm non chăm sóc, giảng dạy cho các cháu học sinh dân tộc Raglai ở một trường Mẫu giáo miền núi (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: tác giả cung cấp.

Sau 55 tuổi nhất là giáo viên mầm non - các cô giáo khó có thể còn khả năng hát hay, múa dẻo như thời trẻ, không nhanh nhạy cập nhật các phương pháp giáo dục mới.

Thiết nghĩ, những nhà hoạch định chính sách trên cơ sở xem xét đặc thù nghề giáo, tính toán hợp lý,không “cào bằng” khi tăng tuổi nghỉ hưu cho giáo viênnam và nữ, vì đối với giáo viên nam, việc tăng thêm 2 tuổi sẽ không ảnh hưởng mấy, có thể nâng lên 62, nhưng với giáo viên nữ, tăng liền một lúc 5 tuổi sẽ gây nên nhiều sự xáo trộn.

Cho nên, đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Namgiữ khoảng cách tuổi nghỉ hưu chênh lệch 4-5 tuổi giữa giáo viên nam - nữ như lâu nay là phù hợp, vẫn tạo ra bình đẳng giới hợp lý, vì phụ nữ còn có thêm thiên chức làm vợ, làm mẹ; như vậy điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên nữ lên 57-58 tuổi là phù hợp nhất.

Với ngành Giáo dục, đại bộ phận giáo viên cho rằng không nên áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu một cách cứng nhắc, mà nên linh hoạt, ưu tiên, đảm bảo phù hợp với tính chất nghề nghiệp đặc thù, đặc điểm giới để về sau - trên cơ sở đó - giải quyết chế độ hưu trí đối với đội ngũ nhà giáo - nhất là giáo viên mầm non, tiểu học.

Dạy học là một trong những ngành nghề đặc thù, nên đề nghị giáo viên sẽ được quyền nghỉ hưu sớm hơn (không quá 5 năm so với quy định chung) như người lao động các ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, suy giảm (trong danh mục 1.748 lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại) được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn, nhất là đối với những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Còn giáo viên nào có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cho kéo dài thời gian công tác (miễn nhiệm chức vụ quản lý), cũng không quá thời hạn 5 năm so với quy định chung.

Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, liên quan tới hàng chục triệu lao động, tha thiết mong rằng các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc kỹ hơn trước khi thông qua trong kỳ họp sắp tới.

Đỗ Thành Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thay-giao-mong-muon-tuoi-huu-nam--nu-nen-cach-biet-45-nam-post203281.gd