Thầy giáo quân hàm xanh 'gieo chữ' nơi biên cương

Không chỉ cầm súng canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới những người lính đồn biên phòng còn tình nguyện đứng lớp dạy học, mang tri thức đến với những bản làng nơi biên cương. Bằng việc làm thiết thực, mang nặng nghĩa tình, những người lính mang quân hàm xanh, trong đó tiêu biểu có Thiếu tá Viêm Trọng Toàn, Đồn biên phòng A Mú Sung (Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai) đã góp phần ươm mầm và chắp cánh cho những giấc mơ của con em đồng bào dân tộc nơi đây được cắp sách tới trường.

Khu vực vùng núi cao của tỉnh Lào Cai còn nhiều những khó khăn, đời sống của người dân thiếu thốn, vất vả trăm bề, những năm trước đây, không ít học sinh nơi đây phải gác lại con đường học hành để theo gia đình lên nương, rẫy mưu sinh.

Trước mỗi giờ lên lớp Thiếu tá Viêm Trọng Toàn đều soạn giáo án cẩn thận, chu đáo để truyền đạt kiến thức giúp học sinh dễ hiểu.

Trước mỗi giờ lên lớp Thiếu tá Viêm Trọng Toàn đều soạn giáo án cẩn thận, chu đáo để truyền đạt kiến thức giúp học sinh dễ hiểu.

Trong khi đó, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thường có tâm lý mặc cảm, tự ti với bạn bè, chỉ một biến cố nhỏ là các em bỏ học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Do đó bên cạnh việc canh gác, bảo vệ vùng biên, những người lính biên phòng luôn quan tâm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, vận động các em học sinh đến trường…

Trong những năm công tác tại đồn, chứng kiến cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người dân, những người lính như Thiếu tá Viêm Trọng Toàn, nhân viên phòng chống tội phạm ma túy, Đồn biên phòng A Mú Sung luôn có những trăn trở riêng trong lòng là làm sao để giúp đỡ các em học sinh được đến trường, đến lớp, xóa mù chữ cho bà con nơi đây… Từ đó ngoài công việc của người lính biên phòng, anh đảm nhận thêm nhiệm vụ đưa con chữ đến với bà con dân bản.

Chia sẻ về cơ duyên đến với việc dạy chữ Thiếu tá Toàn cho biết, trước đó anh đã có 10 năm làm công tác xóa mù chữ. Trước đây anh dạy ở Đồn biên phòng Trịnh Tường (cũng thuộc tỉnh Lào Cai), từ năm 2016 đến nay, khi chuyển công tác đến Đồn biên phòng A Mú Sung, anh được đơn vị phân công tiếp tục thực hiện công việc này.

“Ban đầu đảm nhiệm công việc này chưa có nhiều kinh nhiệm nhưng được giao nhiệm vụ tôi cũng cố gắng thực hiện. Tôi có tham gia học các lớp tập huấn về nghiệp vụ sư phạm do Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai tổ chức, những lúc đầu đi dạy bảo không thấy khó là không đúng nhưng về sau, nhìn học viên trong lớp dần biết chữ, thỉnh thoảng họ đánh vần các biển hiệu, bảng quảng cáo là tôi thấy rất mừng. Tôi động viên nhân dân là học đi, biết chữ mới làm kinh tế giỏi được, mới tiến bộ được và đến giờ, có nhiều học viên học xong lớp xóa mù đã tiến bộ rất đáng kể”, Thiếu tá Toàn chia sẻ.

Dạy học sinh ở các lớp học phổ thông ở vùng xuôi vốn đã khó thì công việc dạy học cho bà con vùng cao của thầy giáo Toàn càng trở nên khó khăn gấp bội. Để giúp các học sinh dễ hiểu, tiếp thu bài học nhanh hơn, trước mỗi buổi học anh đều soạn bài giảng cẩn thận, chu đáo, chương trình học anh soạn dạy theo cuốn giáo án xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên do đặc thù các học sinh ở những độ tuổi, hoàn cảnh gia đình khác nhau, do đó anh phải tìm hiểu cuộc sống, hiểu từng học sinh để có những cách chỉ dạy phù hợp với mỗi người, giúp họ cảm thấy vui trong giờ học, có sự tiếp thu kiến thức được nhanh hơn.

Cứ vậy, với tình yêu, lòng nhiệt huyết của mình, vượt qua con đường núi đầy những hiểm trở, có những ngày trời mưa lầy lội chẳng thể nhấc bước chân nhưng Thiếu tá Viêm Trọng Toàn vẫn đến lớp cùng người dân. Anh đã quen với từng lối mòn vào trong bản, anh không nhớ hết số lần đi vận động gia đình cho các cháu nhỏ được đi học để xóa mù chữ và những buổi anh lặn lội vượt chặng đường vài chục ki lô mét để vào bản Pho (xã A Mú Sung), Nậm Giang (xã Nậm Chạc) để dạy xóa mùa chữ cho bà con. Địa điểm hai trường cách nhau khoảng 15 đến 20 ki lô mét nên có những hôm dạy khuya, anh ở lại trong bản cùng bà con. Mấy năm gần đây đường xá đi lại đã tốt hơn trước rất nhiều nhưng mùa mưa vẫn còn nhiều vất vả, có hôm đường trơn để đến địa bàn dạy học anh vẫn phải đi bộ cả quãng đường dài mới tới lớp.

Không chỉ dạy chữ cho học trò để các con biết đến sách vở mà anh còn làm nhiệm vụ tái, xóa mù chữ cho những người đã lên tuổi cha, tuổi mẹ... Bằng sự tận tụy, nhiệt huyết của anh, lớp học vùng biên ấy tối nào cũng rộn ràng tiếng cười nói của những cô, những bà đã hết giờ lên nương rẫy, cùng gọi nhau vui vẻ đến lớp học chữ. Với bà con nơi đây đến với mỗi buổi học, họ phấn khởi lắm bởi đến với lớp học, mỗi ngày họ sẽ biết thêm những con chữ, con số mà bao nhiêu năm qua họ coi đó là những điều xa xỉ.

Trong suốt quá trình tổ chức lớp học, Thiếu tá Toàn còn đến từng nhà học viên để tuyên truyền, vận động đến lớp, đồng thời là người trực tiếp lên lớp giảng dạy cho bà con. Sau mỗi buổi học, thầy giáo quân hàm xanh còn thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền việc chấp hành mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó anh còn tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học viên.

Nắm tay các em viết từng con chữ, dạy các em đánh vần chính cái tên của mình, rồi từng bài toán từ dễ đến khó, Thiếu tá Toàn xúc động mỗi khi các trò tiến bộ hơn, chăm ngoan hơn. Mỗi tiếng gọi “thầy giáo Toàn” là mỗi lần anh thấy hạnh phúc khó nói hết bằng lời. Nhờ biết đến “con chữ” cuộc sống của bà con nhân dân đã thay đổi nhiều hơn. Họ đã biết đọc các cuốn sách, dạy con học, chăm sóc gia đình, chăn nuôi làm kinh tế… Nhờ những chương trình có ý nghĩa thiết thực ấy, việc biết chữ đã giúp những người dân có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt đi gánh nặng và biết yêu thương, san sẻ cùng nhau.

Thành quả ấy càng đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi bằng sự nhiệt tình, tận tụy bám lớp của các chiến sĩ biên phòng, hiện nay đã có nhiều học viên trong lớp trở thành cán bộ thôn, công an viên thôn bản. Điển hình, học viên Lý A Chả (bản Pho) tham gia lớp học năm 2016, dưới sự chỉ dạy của thầy Toàn đến nay anh Chả làm công an viên thôn bản, tiếp tục cùng các chiến sĩ biên phòng bảo vệ an ninh cho thôn bản và cùng dạy bà con trong bản con chữ để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đó là những động lực để cho thầy giáo Toàn cũng như nhiều chiến sĩ biên phòng tiếp tục vững vàng bảo vệ biên cương, bám dân bản giúp đỡ bà con.

Gắn bó với công tác xóa mù, năm 1999 Thiếu tá Viêm Trọng Toàn vinh dự được Bộ Giáo dục và đào tạo tặng bằng khen trong chương trình thầy giáo quân hàm xanh toàn quốc, đầu năm 2019, anh được công đoàn ngành giáo dục (Bộ Giáo dục và đào tạo) tặng bằng khen. Với nhiều thành tích trong công tác nhưng mỗi khi nhắc đến anh chỉ mỉm cười, với anh sự tiến bộ của mỗi học trò đó là niềm vui chẳng phải ai cũng có được.

“Vừa là người lính, vừa làm người thầy tôi hiểu rằng có ở đây, gắn bó với nhân dân, với các em nhỏ mới hiểu hết được những khó khăn của bà con vùng biên. Chỉ cần một học viên biết chữ là tôi đã vui lắm, những niềm vui gom góp lại giúp tôi gắn bó hơn với biên cương, vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình”, anh Toàn chia sẻ.

Năm 2020, ngoài những công việc chính ở đồn biên phòng, do dịch bệnh Covid-19, anh Toàn cùng các chiến sĩ tham gia trực, cắm chốt tại các điểm phòng chống dịch để kiểm soát, ngăn chặn các đối tượng vượt biên trái phép, do đó anh phải tạm gác lại công việc dạy học. Dù ở bất cứ công việc nào anh cũng đều làm bằng trách nhiệm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Không đến lớp thường xuyên nhưng khi bà con, các em học sinh gặp khó khăn gì anh đều nhiệt tình chỉ bảo, hỗ trợ cho họ./.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thay-giao-quan-ham-xanh-gieo-chu-noi-bien-cuong-115837.html