Thầy giáo sáng tạo

Trở thành những tấm gương sáng trong học tập và làm theo lời Bác, lan tỏa giá trị tích cực trong cộng đồng, hai thầy giáo trẻ Trịnh Quốc Thanh và Nguyễn Nhật Linh cho rằng, học Bác là việc làm thường xuyên, suốt đời để trở thành người tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn, góp phần phát triển đất nước phồn vinh.

Thầy trò cùng tương tác

Thầy giáo trường làng Nguyễn Nhật Linh (SN 1992), trường Tiểu học Ngan Dừa (ấp Nội Ô, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) 5 năm liên tục được Tập đoàn Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo.

Để có thành quả trên, thầy Linh đã phải nỗ lực không ngừng trong học tập và lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy.

Thời gian qua, anh tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho giáo viên tại đơn vị, địa phương, khu vực về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, các phương pháp dạy học tích cực, những ý tưởng trong thiết kế các hoạt động giáo dục… để giáo viên có thể thích ứng tốt hơn trong công cuộc chuyển đổi số.

“Học tập và làm theo lời Bác là việc làm thường xuyên của bản thân tôi trong suốt cuộc đời này. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, tôi luôn nỗ lực phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong nhiệm vụ của một người thầy, người cán bộ Đoàn và công dân của Việt Nam để trở thành người có “tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn”, góp phần xây dựng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Giảng viên Trịnh Quốc Thanh, Trường ĐH Thủ Dầu Một

Anh Linh là thành viên tích cực của nhóm Cộng đồng giáo viên sáng tạo Mê kông (M2K) trong nhiều năm qua, tổ chức miễn phí các buổi tập huấn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long… Đặc biệt, trong đợt dịch COVID -19, anh là một trong những giáo viên tiên phong ở Bạc Liêu thiết kế các bài giảng điện tử, dạy trực tuyến cho học sinh. Anh Linh được Sở GD&ĐT Bạc Liêu giao nhiệm vụ tạo dựng 30 video bài giảng đưa vào kho học liệu của sở phục vụ việc dạy và học trong đợt dịch.

 Giảng viên Trịnh Quốc Thanh tập huấn kiến thức cho sinh viên Viện Kỹ thuật - Công nghệ, Trường ĐH Thủ Dầu Một

Giảng viên Trịnh Quốc Thanh tập huấn kiến thức cho sinh viên Viện Kỹ thuật - Công nghệ, Trường ĐH Thủ Dầu Một

Thầy giáo Nguyễn Nhật Linh chia sẻ, niềm đam mê tin học và tình yêu trẻ là nguồn động lực lớn lao thôi thúc anh không ngừng học tập, đổi mới sáng tạo để giúp các em có môi trường học tập tích cực nhất, để có thể tự mở cánh cửa tri thức của mình. “Mỗi giờ dạy của tôi, học sinh rất hứng thú, bởi các bài giảng được thiết kế để thầy và trò cùng tương tác với nhau, khơi gợi cho các em tự tìm hiểu, khám phá, giải mã vấn đề”, thầy Linh chia sẻ.

Mới đây, thầy giáo Linh được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu đưa vào cuốn sách “Những tấm gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Bạc Liêu”. “Vừa là vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm cao cả của bản thân. Tôi muốn truyền đạt thông điệp về lòng đam mê, sự nỗ lực, tinh thần học tập và làm theo Bác cho học sinh để hình thành những giá trị đạo đức, tư tưởng tốt đẹp cống hiến nhiều hơn cho đất nước”, thầy Linh chia sẻ.

Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số

Thầy giáo Nguyễn Nhật Linh và đoàn thí sinh tham gia Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2022

Thầy giáo Nguyễn Nhật Linh và đoàn thí sinh tham gia Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2022

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, từ nhỏ, anh Trịnh Quốc Thanh (SN 1994) luôn nung nấu ước mơ trở thành giảng viên, với mong muốn chia sẻ tri thức, kinh nghiệm mà bản thân đã trải nghiệm, giúp sinh viên có thể đi nhanh hơn, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Là thạc sĩ và trở thành giảng viên Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), thầy Trịnh Quốc Thanh yêu nghề, 2 năm liền đạt danh hiệu Giảng viên trẻ tiêu biểu cấp tỉnh.

Trong công tác giảng dạy, anh chú trọng nghiên cứu khoa học, sáng chế các mô hình STEM, game thực tế ảo ứng dụng trong hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên trong trường, từ đó nhân rộng mô hình này, hỗ trợ cho các địa bàn ở Bình Dương và TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang). Hiện anh là chủ nhân của 5 công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố và là tác giả chính, đồng tác giả của 6 bài báo khoa học.

Bên cạnh công tác giảng dạy, nam giảng viên trẻ còn là một cán bộ Đoàn năng động, đam mê các hoạt động tình nguyện. Anh từng là thành viên của ban chỉ huy chiến dịch Mùa hè xanh cấp trường, Xuân tình nguyện; 2 năm liên tục là thành viên đội hình Tri thức Trẻ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho thanh niên và người dân (năm 2022, 2023).

Năm 2023, khi tham gia đội hình Tri thức trẻ cấp Trung ương tại Bến Tre, anh đảm nhận vai trò báo cáo viên chuyên đề Ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp thông minh. Anh đã vận dụng kiến thức chuyên môn trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu tại trường đại học, chia sẻ cách thức, phương pháp ứng dụng các công nghệ hiện đại, IoT (internet vạn vật), ứng dụng số vào trong nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cho bà con tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Cũng trong mùa hè 2023, giảng viên trẻ Trịnh Quốc Thanh được giao nhiệm vụ phụ trách đội hình tình nguyện tại tỉnh Hậu Giang. Với 8 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, anh và các tình nguyện viên đã triển khai nhiều phần việc, như: tập huấn chuyển đổi số, hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng số; tập huấn phương pháp giảng dạy STEM cho giáo viên… Công trình “Mô hình ấp thông minh - chuyển đổi số” của anh đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương.

LƯU TRINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thay-giao-sang-tao-post1572356.tpo