Thầy giáo thương binh hạng 1/4: Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo!
Trở về quê hương với thương tật 81%, chàng thương binh trẻ quyết tâm thi đỗ đại học, trở thành thầy giáo để chèo lái con thuyền tri thức, tận tụy cả khi đã về hưu.
Chàng thương binh hạng nặng và quyết tâm thi đỗ đại học
Giữa cái nắng oi ả của trưa Hè tháng Bảy, gian nhà tình nghĩa nhỏ nằm nép mình trong một con phố nhỏ như càng trở nên ngột ngạt với người cựu chiến binh Trần Quang Liệu (sinh năm 1954, trú tại quận Long Biên, Hà Nội), người mang thương tật đến 81%, trở về sau cuộc chiến bảo vệ non sông.
Ngồi tựa lưng trên chiếc ghế gỗ, người cựu chiến binh bắt đầu tâm sự về một thời quá khứ sục sôi nơi chiến trận, về những người đồng đội đã từng sát cánh kề vai, về nhiệt huyết, đam mê tuổi trẻ, và về nguyên nhân khiến một bên mắt trái đã vĩnh viễn gửi lại nơi đạn bom khói lửa, phải lắp mắt giả lên phần nửa khuôn mặt bị khuyết của mình...
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo khó tại tỉnh Hải Hưng xưa (sau được tách thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương), chàng thiếu niên Trần Quang Liệu khi ấy không chỉ nổi tiếng hiếu học, mà còn tỏ ra rất hiểu chuyện. Ngoài giờ học, cậu học trò nghèo tranh thủ vừa quán xuyến việc nhà, vừa phụ bố mẹ cùng lo việc đồng áng.
Tất bật là vậy, song, cậu vẫn học rất giỏi, đặc biệt là môn Toán. Năm học lớp 8, nam sinh Trần Quang Liệu đã giành Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán, năm đó không có giải Nhất.
Năm 1971, vừa học hết phổ thông, chàng trai 17 tuổi gác lại ước mơ đèn sách, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng bao trai tráng lên đường nhập ngũ.
Sau gần nửa năm đóng quân và tham gia huấn luyện tại Trung đoàn 5, Sư đoàn 350, Quân khu Tả Ngạn (nay thuộc Quân khu 3), anh lính trẻ Trần Quang Liệu cùng đơn vị hành quân ròng rã ngày đêm vào chiến trường B1 tỉnh Bình Định, một trong những chiến trường khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 1972, khi miền Bắc phải hứng chịu những đợt rải bom dữ dội của đế quốc Mỹ, cũng là lúc, ở miền Nam là những trận đánh đầy khốc liệt. Sau khi chiến đấu cùng đơn vị giải phóng các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, đến trận Phù Mỹ thì chiến sĩ Trần Quang Liệu bị một mảnh pháo xuyên thẳng vào nửa bên mặt trái, ngất lịm đi.
Khi tỉnh dậy với một nửa bên không còn xương gò má, phẳng lì, khuôn mặt hoàn toàn biến dạng, và mất một bên mắt,... người thương binh ấy tuy lòng đầy đau đớn, nhưng vẫn thầm nhủ, còn sống là đã may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã hy sinh, nằm lại ở chiến trường.
Nhấp một ngụm nước mát, ông Liệu trầm ngâm nhớ lại: “Suốt những ngày sau đó, tôi đã phải dành thời gian học nói, học đi. Nói vậy có lẽ nhiều người sẽ phải hoài nghi, nhưng thực sự, khi mảnh pháo găm vào khuôn mặt, đã làm biến dạng toàn bộ cấu trúc, xương và hàm của tôi rất khó cử động. Thậm chí, những ngày đầu còn không thể mở miệng để ăn, có lúc, tôi tập ăn mì gói mà ăn cả tiếng mới hết được một suất. Vậy nên, với tôi, khi đó, nói chuyện cũng là cả một thử thách. Còn về chuyện đi lại, do chưa quen với việc chỉ còn một bên mắt để quan sát, tôi thường xuyên vấp ngã hoặc va phải cành cây, bởi tầm nhìn bị hạn chế. Đó là quãng thời gian rất khó để quên đối với tôi...”.
Năm 1973, thương binh Trần Quang Liệu được chuyển ra bệnh viện ngoài Bắc và may mắn có cơ duyên gặp được người bác sĩ giúp ông lấy lại được phần nào khuôn mặt tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đó là Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Huy Phan, nhà khoa học chuyên về phẫu thuật tạo hình, chuyên gia nổi tiếng trong ngành Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu thuật ở Việt Nam. Chính vị Giáo sư ấy đã giúp ông Liệu lấy lại được một phần khuôn mặt và lắp ổ đựng mắt giả, cũng là người mà cả đời này ông không quên ơn.
Ông tâm sự: “Giáo sư Nguyễn Huy Phan cho biết có thể thực hiện thêm vài cuộc phẫu thuật nữa, để giúp tôi lấy lại được khuôn mặt hoàn thiện nhất. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, bản thân được như vậy là quá mừng rồi... Tôi muốn dành thời gian để thực hiện ước mơ dang dở và cũng là để viết tiếp tương lai của chính mình. Đó là thi đại học!”.
Thời điểm ấy, chuyện một người lính, đặc biệt lại là một thương binh hạng nặng trở về giữa lằn ranh sinh tử như tôi, đi thi đại học là một điều hiếm hoi. Đâu đó xung quanh lại có những lời xì xầm bàn tán về gương mặt biến dạng và một bên mắt khuyết của ông, với hàm ý: “Liệu có thi nổi không mà còn cố?”...
Nhưng cũng chính khao khát cháy bỏng đối với giảng đường đại học đã thôi thúc chàng thương binh hạng 1/4 vùi đầu vào sách vở, học ngày học đêm, miệt mài quên ăn quên ngủ. Chỉ sau hơn một tháng “bật chế độ ôn thi nước rút”, ông đã vượt qua kỳ thi đầy thử thách với một số điểm cao. Mặc dù, điều kiện ngoại cảnh đã khiến ông vuột mất giấc mơ được ra nước ngoài học, nhưng đã trao lại cho ông một sự may mắn thứ hai: Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc cách cho ông được chọn ngành, chọn trường.
Với niềm yêu thích Toán từ những ngày thơ bé, người cựu binh năm đó đã không ngần ngại lựa chọn khoa Toán (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Sự nỗ lực không ngừng và lòng ham học hỏi đã giúp ông hoàn thành tốt khóa học, có năm còn được nhận Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tấm gương người thầy “thức tỉnh” học trò
Tốt nghiệp, thầy giáo trẻ được phân công giảng dạy môn Toán tại nhiều nhà trường khác nhau, rồi dừng chân tại Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) và gắn bó đến lúc nghỉ hưu.
Ở môi trường công tác nào, thầy giáo Trần Quang Liệu cũng tận tụy, tâm huyết, hết lòng thương yêu học trò. Mặc dù chỉ còn một bên mắt, lại thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau do di chứng vết thương cũ để lại, nhưng người thầy giáo thương binh vẫn luôn cố gắng truyền đạt trọn vẹn kiến thức, đưa học trò đến gần hơn với những kiến thức tưởng chừng như “khó nhằn” nhất của môn Toán.
Bí quyết của thầy Liệu được bật mí: “Là người thầy, cho dù ở bất kỳ thế hệ nào, cũng phải luôn cập nhật, tự trau dồi, bồi dưỡng, không để “tụt hậu” trước kho tàng kiến thức được bổ sung mới mẻ mỗi ngày. Có như vậy, mới có thể đứng trên bục giảng, chứ nếu quanh năm ngày tháng chỉ “giậm chân tại chỗ”, giảng đi giảng lại một kiểu, chỉ càng làm học sinh chán học hơn”.
Trong suốt quãng thời gian gắn bó với Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh, hình ảnh người thầy giáo thương binh Trần Quang Liệu luôn được nhắc đến như một tấm gương tiêu biểu và sinh động nhất.
Mỗi khi có những học sinh học hành chểnh mảng, hình ảnh chàng thương binh trẻ với khát khao và quyết tâm đỗ đại học năm nào lại được Ban Giám hiệu chia sẻ: “Thầy Liệu bị thương như vậy mà vẫn luôn cố gắng, nỗ lực để thực hiện ước mơ. Vậy tại sao các em đã may mắn hơn rất nhiều, mà lại không học hỏi được ý chí của thầy?”. Đó là cách để học sinh nhà trường cùng cố gắng, nỗ lực hơn.
Nhắc đến chuyện uốn nắn học sinh, thầy Liệu cũng không ngần ngại giãi bày: “Học sinh thời nào cũng có em ngoan, em chưa ngoan. Khi tôi mới về trường, có người ái ngại thay tôi, vì học sinh cấp II thường là tinh quái nhất, khi ở cái “tuổi nổi loạn”, thường dễ sinh ra những trò nghịch ngợm, mọi người lo tôi không quản được học sinh, sợ tôi bị các em trêu chọc ngược lại... Tất nhiên, tôi không thể lúc nào cũng dùng biện pháp mềm mỏng được, cũng có lúc phải thiết quân luật để răn đe... Nhưng cũng có những lúc, tôi chỉ cần dành thời gian, chia sẻ về những câu chuyện thực tế chiến đấu năm xưa, về sự khốc liệt của đạn bom và những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước... là đã có không ít học trò phải “cúi đầu”. Tôi cho rằng, đó cũng là một trong những cách “thức tỉnh” học trò khá hiệu quả”.
Sau khi nghỉ hưu, thầy Liệu tiếp tục nhận kèm học sinh ngay tại gian nhà nhỏ. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Liễu (sinh năm 1954), một cán bộ quân nhu thuộc Tổng cục Hậu cần đã nghỉ hưu, ngồi bên cạnh, chia sẻ: “Nghỉ hưu hơn chục năm, nhưng dường như, ông ấy chưa có ngày nào ngơi nghỉ. Trong xóm, có cháu nào không hiểu bài toán nào, đều chạy qua nhờ ông giải giúp. Có bữa, đang ăn trưa, một cháu bé mang bài tập toán sang hỏi, ông ấy bỏ lửng bát cơm, quay ra ngồi giảng và giải toán cho cậu bé”.
Nghề giáo là sự lựa chọn đúng đắn
Vốn là thầy giáo dạy Toán, nhiều người có lẽ không ngờ tới đam mê và khả năng viết thơ của thầy giáo Trần Quang Liệu. Một trong những gia tài đồ sộ nhất hiện tại của ông chính là một quyển sổ lưu lại những bài thơ ông sáng tác về kỷ niệm thầy cô, học trò gắn với mái trường và về thời chiến.
Ông gật gù: “Có những tứ thơ cứ “chảy” mãi trong đầu tôi từ những ngày còn lăn xả nơi chiến trường với mưa bom bão đạn. Thế nhưng, ngót nghét gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn nhớ từng vần từng điệu, cầm bút lên là có thể viết lại nguyên bài, vẫn vẹn nguyên hơi thở như khi “tức cảnh sinh tình” năm xưa”.
Cũng vì biết thầy giáo có biệt tài ấy, mà nhiều lớp học trò vẫn thường năn nỉ thầy Liệu đọc thơ cho nghe trong giờ Toán. Thầy kể, những lúc ấy, thầy phải làm mặt nghiêm, bởi “giờ nào việc nấy”, rồi khi hết giờ, sẽ kỷ niệm cho học trò những vẫn thơ đong đầy ý nghĩa.
Năm 2009, khi vừa kết thúc “chuyến đưa đò” của một khóa học sinh, thầy giáo Trần Quang Liệu chính thức nghỉ chế độ. Nhớ học trò, nhớ mái trường, đồng nghiệp, thầy Liệu đã gửi tặng nhà trường một bài thơ:
Mái trường thân yêu:
Tôi viết bài thơ mến tặng trường
Sáng xuân nhè nhẹ cất màn sương
Quanh bàn, giáo án rung rinh nắng
Trước lớp hàng thông ngát ngát hương
Tiếng trẻ hồn quê tràn ước vọng
Dáng thầy muôn dặm lắng yêu thương
Mái chèo nhẹ lướt thuyền sang bến
Những cánh chim bay khắp bốn phương”.
Đọc lại bài thơ, giọng thầy Liệu như không giấu nổi nỗi bồi hồi: “Tôi chỉ viết dựa trên những cảm xúc thật của mình. Hình ảnh Dáng thầy mà tôi viết trong bài chính là thầy tôi năm xưa. Trước ngày nhập ngũ, chúng tôi đến trường chào thầy giáo cũ, chúng tôi hỏi thầy, đại ý rằng, sau này chúng em đi thấy xa, liệu thầy có còn nhớ? Thầy đáp: Dù các em có đi đến tận chân trời nào, thầy vẫn luôn nhớ các em. Đó là tình cảm thầy trò, sâu lắm... Câu nói ấy của thầy thực sự khiến tôi rất xúc động. Có lẽ, đó chính là một phần nguyên nhân khiến tôi lựa chọn nghề giáo”.
Sau giây lát hồi tưởng, ông như muốn bật cười: “Đến giờ nghĩ lại, tôi thấy cái duyên nghề giáo với tôi quả thật không sai! Nếu được chọn lại, tôi vẫn không hối tiếc.
Đối với tôi, làm thầy giáo, không nhất thiết phải có nhiều học trò đỗ đạt cao, gặt hái thành tích này, giải thưởng nọ, mà đơn giản chỉ là nhìn những học trò từ xa lạ và không hiểu gì về Toán, đến biết, thích và đam mê học Toán... Chứng kiến từng lớp học trò trưởng thành, tôi mừng không kể xiết.
Đặc biệt, nghề giáo đã mang lại cho tôi những món quà rất bất ngờ. Có học trò đã rời mái trường nơi tôi dạy nhiều năm, thậm chí đã đi làm, còn tìm đến, nắm tay, ôm tôi đầy xúc động, nói như muốn khóc: “Em cảm ơn thầy! Nếu ngày xưa không có sự chỉ bảo của thầy, không có câu nói của thầy, em sẽ không có ngày hôm nay...”. Hoặc lâu lâu lại có học trò cũ ghé đến thăm hỏi, chào thầy một tiếng, đó là niềm vui có lẽ không chỉ riêng tôi, khi đã lựa chọn và gắn bó với nghề. Quả đúng là, nghề dạy học có những hạnh phúc mà mình không thể biết được”.
Vượt lên nghịch cảnh, dành trọn tâm huyết với sự nghiệp trồng người, thầy giáo thương binh Trần Quang Liệu đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng (năm 1983), Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm 2007), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2019)...
Dù cuộc sống còn khó khăn, vết thương đau nhức khi “trái gió trở trời”, nhưng thầy giáo thương binh Trần Quang Liệu vẫn luôn cống hiến hết mình cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Người thầy giáo thương binh với nghị lực phi thường ấy đã góp phần lan tỏa hình ảnh cao đẹp của người lính giữa đời thường.