Thầy giáo U90 nặng lòng với giáo dục
Dù sắp bước sang tuổi 90, thầy giáo Đặng Thiêm luôn trăn trở và có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp giáo dục tại quê nhà.
Học theo lời dạy Bác Hồ
Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của thầy Đặng Thiêm (SN 1936), nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Nội). Sinh ra trên mảnh đất thôn Hoàng Xá thuộc thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa), thầy Thiêm đã gắn bó trọn cuộc đời với bảng đen, phấn trắng và dìu dắt biết bao thế hệ học trò trưởng thành, trong đó có nhiều em là học sinh giỏi các cấp…
Ngoài việc đọc sách, thầy vẫn cần mẫn chăm sóc cho vườn cây trước hiên nhà như một thói quen để rèn luyện sức khỏe hằng ngày. Dù ở tuổi xưa nay hiếm, thầy giáo già giữ phong thái điềm đạm, cách nói chuyện dí dỏm và trí tuệ tinh anh.
Từ nhỏ, cậu học trò Đặng Thiêm học rất thông minh nhưng vì hoàn cảnh, năm 13 tuổi phải học thêm nghề may để kiếm cơm. Ông chủ tiệm may là người thích đọc sách, thường sai Thiêm đi thuê sách nhiều thể loại như kiếm hiệp, trinh thám… Nhờ vậy, cậu bé Thiêm được đọc ké và sinh ra mê văn.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, Nhà nước có chủ trương khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa và kêu gọi “ai có chữ thì đi dạy học”. Chàng thanh niên Đặng Thiêm đã thi vào Trường Sư phạm sơ cấp Liên khu 3 (từ tháng 3/1955 - 5/1956). Tốt nghiệp, anh xung phong lên Việt Bắc với tâm nguyện đền ơn đáp nghĩa cho đồng bào ở cái nôi cách mạng. Anh được điều về dạy học tại xã Việt Long, huyện Đa Phúc - vùng quê nghèo tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau 5 năm dạy cấp I, thầy Thiêm được cử đi học Trường Trung cấp Sư phạm ở Bắc Giang, ra trường về dạy ở Trường Sư phạm sơ cấp Vĩnh Phúc. Trường chỉ mở được một khóa năm học 1962 - 1963 rồi giải tán, thầy được điều về Trường cấp II Lạc Long, huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Từ năm 1965, thầy về dạy ở quê hương huyện Ứng Hòa. Sau 42 năm đứng lớp và làm quản lý, thầy Thiêm nghỉ chế độ từ năm 1998.
“Suốt cuộc đời làm nghề giáo, tôi tâm đắc với việc nhìn học trò mà dạy, tăng cường thảo luận nhóm để học sinh trao đổi ý kiến, tìm hiểu xây dựng bài học đạt hiệu quả. Trong một lần được vinh dự gặp Bác Hồ vào năm 1958, Bác có dặn chúng tôi rằng, nhiệm vụ của các thầy cô là phải làm cho học sinh dễ hiểu, nhớ lâu, tiến bộ mau. Tôi coi lời huấn thị đó của Bác là phương châm làm việc và thực hiện đúng như vậy”, thầy Đặng Thiêm nhớ lại.
Theo đó, những phương pháp giáo dục “đi trước thời đại” thầy Thiêm sử dụng từ nhiều năm trước đã phát huy tác dụng trong việc giúp học sinh hiểu bài, cũng như áp dụng vào thực tế nhờ kích thích được tính sáng tạo, khả năng tư duy của các em. Ngày nay, một số nguyên lý khi triển khai Chương trình GDPT 2018 so với những cách làm của thầy Thiêm đã có sự giao thoa, bổ trợ cho nhau để giúp học sinh ngày càng tiến bộ trong học tập.
Duyên nghiệp với nghề giáo
Từ thực tế nhiều năm giảng dạy, “cụ giáo” Thiêm cho rằng, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Ví dụ, trong giờ học văn nếu thầy cô đặt nhiều câu hỏi sẽ giúp khai thác trí tuệ học trò nhưng lại mất thời gian, mạch cảm xúc của bài văn bị ngắt quãng, không liền mạch và mất tính hoàn chỉnh. Do đó, giáo viên phải khéo léo kết hợp giữa hỏi và nói, trực quan và trình bày… để học sinh dễ hiểu.
Là người gắn bó cùng công tác đào tạo học sinh mũi nhọn của huyện Ứng Hòa từ lúc “phôi thai” với tên gọi “Trung tâm đào tạo học sinh năng khiếu” nay là Trường THCS Nguyễn Thượng Hiền, thầy Đặng Thiêm thường xuyên theo dõi, hỗ trợ giáo viên nhà trường về phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn. Nhiều ý kiến đánh giá, góp ý về cách trình bày, giảng văn của giáo viên được thầy Thiêm đưa ra để cùng trao đổi, thảo luận và rút kinh nghiệm.
“Chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ và xây dựng giáo án cẩn thận. Sau mỗi giờ dạy, tôi thường ghi lại bản rút kinh nghiệm xem thành công ở điểm nào, tại sao có chỗ không như ý, nguyên nhân do đâu. Gắn bó với ngành Giáo dục lâu nên tình yêu nghề đã thấm vào huyết quản, còn sống ngày nào tôi vẫn nghiên cứu và đóng góp cho giáo dục ngày đó”, thầy Thiêm tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thượng Hiền (Ứng Hòa, Hà Nội) trao đổi: Nhà trường vô cùng vui và khâm phục tinh thần tự học cũng như tình yêu nghề của nhà giáo Đặng Thiêm. Dù tuổi cao, thầy vẫn bố trí thời gian ra trường để dạy, dự một số tiết chuyên đề Ngữ văn và đưa ra nhiều góp ý quan trọng cho giáo viên về cách thức giảng dạy sao cho hiệu quả.
Theo cô Hòa, với Chương trình GDPT 2018, giáo viên muốn dạy tốt môn Ngữ văn cần áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực, biết tận dụng lợi thế của công nghệ, kết nối thực tế hay kích thích sự sáng tạo cho học trò. Ngoài ra, thầy cô phải tạo được môi trường học tập thoải mái, đánh giá đúng mức để khích lệ học sinh tiến bộ; không ngừng học hỏi những đồng nghiệp đi trước để bổ khuyết những kỹ năng còn thiếu cho bản thân.
“Trải qua nhiều đơn vị công tác, đa số là trường còn khó khăn, thầy Đặng Thiêm luôn vững vàng trong quản lý, say sưa về chuyên môn và được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh ghi nhận, đánh giá cao. Sự nghiệp giáo dục dẫu còn nhiều gian nan, vất vả nhưng có được những người thầy tận tâm, tận hiến với nghề như thầy Thiêm sẽ truyền lửa đam mê để chúng tôi tiếp tục cống hiến vì tương lai của học trò”, cô Hòa bày tỏ.
Thầy Đặng Thiêm có nhiều năm làm cộng tác viên của Báo Giáo dục và Thời đại cùng nhiều cơ quan báo chí khác. Từ khi nghỉ hưu, thầy cũng là chủ biên và tham gia viết nhiều cuốn sách về dạy văn. Trong đó có thể kể tới một số đầu sách về giáo dục như: Cùng học sinh khám phá giờ Văn, Giải đáp Tiếng Việt cấp tiểu học, Hỏi đáp Văn cấp THCS, Sổ tay từ Hán - Việt…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-giao-u90-nang-long-voi-giao-duc-post715965.html