Thầy giáo Vĩnh
Trống vô lớp gõ ba tiếng đã lâu, lũ trò lớp 9B vẫn ồn ào nói chuyện riêng. Thầy giáo Vĩnh cầm trên tay cuốn giáo án, mấy lần quét ánh nhìn sang góc trái của lớp, nơi có chỗ ngồi bị trống, chờ đợi một lúc lâu.
- Lớp phó Thùy Dương sao chưa thấy tới?
Một trò nam đứng phắt dậy:
- Thưa thầy, em bạn Thùy Dương bị đau, phải nhập viện ạ!
- Vậy ta vào học! Tôi sẽ đi thăm bạn ấy sau. Hôm nay chúng ta sẽ phân tích truyện ngắn “Người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Dữ. Đây là một học trò xuất sắc của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm vào thế kỷ thứ 16, thời kỳ nhà Lê có quan điểm trọng nam khinh nữ…
Vẫn cậu trò nam lúc nãy đứng dậy:
- Thưa thầy! Cuối buổi học em có thể đưa thầy tới bệnh viện thăm chị em bạn Thùy Dương. Em biết chỗ ạ!
- Cám ơn bạn Hùng! Như vậy đi!
Thầy Vĩnh hai mươi tám tuổi, trẻ nhất trong đội ngũ thầy cô trong trường. Từ ngày về làm giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, lũ học trò lớn coi thầy như bạn. Mấy đứa trò nữ còn nhờ thầy tư vấn về tình yêu. Vốn dĩ là một trẻ mồ côi, thầy Vĩnh rất quan tâm, chia sẻ với những trò nghèo hoặc hoàn cảnh mồ côi như mình.
Trò Kha lớp 8, ba bị tai nạn lao động nằm một chỗ, mẹ quanh năm đi làm mướn, hết bào vỏ mì tới giẫy cỏ mãng cầu cho người ta. Lo tiền cơm thuốc cho cả nhà đã mệt, tiền đâu nộp học cho con. Bà mẹ đã khóc khi năn nỉ Kha nghỉ học, nếu không có thầy Vĩnh kêu gọi các trò khác và phụ huynh góp tiền ủng hộ, thì chuyện nghỉ học đã xảy ra.
Trò Hoa lớp 7 nhà ở tuốt trong Nông trường cao su Suối Ngần kể với thầy Vĩnh rằng đường đi học xa quá, lại phải lội bộ, chứ đâu có xe đạp mà chạy. Từ nhà Hoa tới lớp phải qua một trảng cỏ, một con suối, qua một động mả, rồi một con suối nữa.
Lội suối qua trảng thì nó có thể đi được, nhưng qua động mả thì ớn quá. Giá như có xe đạp thì đi vòng đường lớn, xa một chút mà đỡ sợ. Ngày chủ nhật cuối tháng, trò Hoa đang giúp mẹ phơi đồ, thì thấy thầy Vĩnh bất ngờ tới nhà, đằng sau xe máy chở một chiếc xe đạp mới tinh, màu hồng nhạt.
- Thầy tặng em đó! Ráng năm nay đạt danh hiệu học sinh giỏi nha.
Con nhỏ đứng sững, nhìn chiếc xe đạp, nước mắt lã chã.
Vụ thầy Vĩnh thi thoảng lên “phây” xin tiền giúp học trò nghèo, làm cô giáo Hoàng- trưởng bộ môn Văn phải lên tiếng:
- Thầy làm thiện nguyện là điều tốt, nhưng việc chính bây giờ là giảng dạy môn Văn cho học sinh. Công việc từ thiện là của chung xã hội, còn giảng dạy tốt, là nhiệm vụ riêng của giáo viên.
Năm học đó, thầy Vĩnh trượt “chiến sĩ thi đua”.
Học trò khối 9 đều muốn được học thầy Vĩnh. Thầy giảng bài hấp dẫn và có nhiều ví dụ sinh động, làm các trò dễ hiểu bài. Mỗi lần thầy dẫn đề, các trò đều mở to con mắt, căng vành tai nhỏ, hồi hộp chờ đợi.
- Các em biết không, thân phận người phụ nữ Việt Nam dưới triều đại phong kiến bị coi rẻ, áp đặt, đối xử tàn bạo, thậm chí bị chết oan uổng, mặc dù họ luôn là người dâu hiếu thảo, người vợ thủy chung và người mẹ nhân hậu. Một cái chết oan khuất của người vợ đã làm thức tỉnh quan điểm xã hội. Đó chính là nàng Mỹ Nương, nhân vật trong truyện ngắn “Người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ…
Tan buổi học đó, thầy Vĩnh chở cậu trò nam đến ngay bệnh viện thăm chị em lớp phó Thùy Dương. Em trai Thùy Dương đang học lớp 6, trên đường đi học về bị té xe, ngã gãy xương chân. Thùy Dương buồn rầu kể:
- Em đã dặn nhiều lần, rằng đừng có chạy xe hàng ba, hàng tư mà nó không nghe. Hên là quẹt vô xe đạp diện, chớ tông vô xe tải thì không biết sao nữa.
Giờ thằng nhỏ phải mổ, chốt đinh ống chân gãy, rồi bó bột. Dù có bảo hiểm y tế, mà vẫn cần một số tiền khoảng hai chục triệu đồng. Thầy Vĩnh an ủi:
- Ráng chăm em mấy bữa rồi về đi học. Thầy sẽ nói bạn Hương chép bài cho em. Tiền phẫu thuật để thầy coi lại.
Mở bóp ra, thầy Vĩnh đưa cho Thùy Dương ba triệu đồng, còn để lại hai triệu dành nộp tiền học cho con gái. Cô công chúa nhỏ của thầy đang học lớp lá, năm tới vô lớp một. Với nghề thợ may khi làm, khi nghỉ vì ít khách, vợ thầy chỉ kiếm đủ tiền gạo muối cho gia đình. Tiền học của con gái, một tay thầy Vĩnh lo liệu.
- Em thử liên lạc với mẹ, kêu bả về chăm em được không?
- Dạ không được ạ! Mẹ em bỏ qua Campuchia làm gì, tụi em đâu có hay! Ngày giỗ ba em, bả còn không về!
Buổi học đầu ngày hôm sau. Thầy Vĩnh thông báo tình hình của chị em Thùy Dương cho cả lớp.
- Lớp ta có thể quyên góp ủng hộ bạn Thùy Dương không? Ai có ít cho ít, ai có nhiều cho nhiều. Tùy tâm!
Nhỏ Liên bé nhất lớp, giơ tay rụt rè:
- Em giúp bạn ấy mười ngàn được không ạ?
- Được! Được! Tùy theo khả năng mà!
Cả lớp 32 học sinh, ủng hộ được hai triệu rưỡi.
Thầy Vĩnh ngồi trăn trở trước máy tính, suy nghĩ hồi lâu rồi quyết định mở Facebook. “MỘT HỌC SINH MỒ CÔI CẦN ĐƯỢC GIÚP ĐỠ”. Thầy nói về hoàn cảnh của chị em Thùy Dương, rồi “xin” tiền các nhà hảo tâm, như mọi lần trước.
Sáng hôm sau, cô Hoàng trưởng bộ môn đón thầy ngay trước nhà điều hành:
- Tôi đề nghị thầy gỡ ngay sờ-tây-tút xin tiền!
Thầy Vĩnh nhẹ nhàng:
- Việc đó có vi phạm quy định của ngành Giáo dục hoặc nhà trường không, thưa cô?
- Không! Nhưng nó ảnh hưởng tới chuyên môn của thầy.
- Vậy tôi sẽ cố gắng dạy tốt và xin phép không gỡ bài xuống.
- Tôi sẽ báo cáo Ban giám hiệu.
Thầy Vĩnh bước vào lớp, cố giữ vẻ bình thản, nhưng không giấu được lũ trò tinh quái. Lớp trưởng cho cả lớp đứng lên chào thầy, sau đó nói với vẻ mặt nghiêm nghị:
- Thầy giáo đừng buồn. Chúng em luôn ủng hộ thầy.
- Em nói vậy là sao?
- Dạ! Chúng em nghe được mấy lời cô Hoàng nói với thầy ạ.
Nụ cười rạng rỡ sáng bừng trên môi người thầy giáo trẻ.
- Các em biết không, ca dao tục ngữ có câu “thương người như thể thương thân”. Hành động giúp đỡ người nghèo khó, tàn tật luôn được xã hội coi là vấn đề đạo lý của con người. Việc lớp ta và nhiều người hảo tâm đang giúp đỡ chị em bạn Thùy Dương chính là một trong những nghĩa cử đó. Hôm nay, thầy sẽ hướng dẫn cả lớp cách làm một bài văn nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lý. Mời các em mở vở ra.
Tiếng trống báo giờ ra chơi. Cô tạp vụ đứng trước cửa lớp, thông báo:
- Thầy hiệu trưởng mời thầy Vĩnh lên gặp ở văn phòng ạ.
Thầy Vĩnh nhói trong lòng nỗi lo lắng. Bà trưởng bộ môn đã mang chuyện “xin tiền” tới tai Hiệu trưởng rồi. Trái với dự đoán, Hiệu trưởng mời thầy Vĩnh ngồi, không kịp rót trà mời, đã lo lắng hỏi:
- Trường hợp trò Dương ở lớp thầy sao rồi?
- Dạ, đứa em bị gãy chân, phải mổ cấp cứu ạ. Hoàn cảnh trò Dương rất khó khăn. Ba mất sớm, mẹ bỏ sang Campuchia làm ăn. Hai chị em ở với bà ngoại. Tuy hoàn cảnh gia đình như vậy, nhưng Thùy Dương học giỏi và làm tốt nhiệm vụ lớp phó phụ trách học tập.
Ly nước trà bốc khói, lúc này mới được rót đặt trước mặt thầy Vĩnh.
- Ban giám hiệu xin chia sẻ khó khăn của học trò lớp thầy chủ nhiệm. Mong thầy sẽ giảng dạy tốt và động viên học trò học tốt.
Trống vào học đã điểm. Thầy Vĩnh đứng dậy xin phép về lớp. Thầy Hiệu trưởng trao cho thầy Vĩnh chiếc phong bì.
- Đây là số tiền 8 triệu đồng Ban Chấp hành Công đoàn trường quyên góp được ủng hộ trò Thùy Dương, nhờ thầy chuyển giúp tới hai chị em.
Trên đường về lớp, thầy Vĩnh bước đi lâng lâng, miệng khe khẽ hát:
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ biết nhường phần ai?
Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người…”.
Nắng chan hòa trên rặng cây so đũa ven trường. Những bông hoa trắng muốt nụ cười học trò.
Tháng 11.2023
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thay-giao-vi-nh-a166067.html