Thầy Giong
Một ông lão ở tuổi xưa nay hiếm, dáng người nhỏ bé, khắc khổ, phục trang đơn giản, tay chống chiếc gậy gỗ đơn bạc lững thững bước về hướng bến xe bus... Hình ảnh ấy tuy xa lạ với người qua đường, nhưng với ai đã hiểu, đã biết ông thì đều nhận ngay ra sự đặc biệt đằng sau nét giản dị quen thuộc ấy, là một hành trình tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.
Ông là lão thành cách mạng, Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu, là thầy Giong của những khóa học đặc biệt.
Mặc dù con cái đều khá giả, bản thân cũng có thu nhập ổn định từ lương hưu và trợ cấp theo chế độ của Nhà nước, có điều kiện thay đổi chỗ ở mới khang trang hơn, nhưng Đại tá Nguyễn Bội Giong vẫn muốn có một cuộc sống đơn giản. Gần nửa thế kỷ qua, ông vẫn sinh sống trong căn gác nhỏ rộng 24m2 nằm trên phố Điện Biên Phủ (Hà Nội) do Nhà nước cho "thuê" từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông bảo: “Gắn bó với nơi này đã thành quen, chuyển đi đâu có khi tôi ốm ngay không biết chừng. Vả lại căn gác này nằm ở khu trung tâm thành phố, bến xe bus ngay trước ngõ, tiện đủ đường. Nhất là tôi có thể “hóa trang” để tìm thấy những người thật sự cần mình giúp đỡ mà không lo... bị lừa”. Ẩn ý sau chia sẻ đó, phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, khi đã được ông và các bạn trẻ ông cưu mang coi như người nhà, chúng tôi mới biết...
Từ lời căn dặn của Bác
Ông Nguyễn Bội Giong sinh năm 1926 trong một gia đình nền nếp, sống ở làng Giáp Tứ, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Ông nội là nhà nho, từng là tri phủ huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Tây trước đây), sau được triều đình nhà Nguyễn phong làm đốc học, phụ trách hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Cha ông là cụ Nguyễn Trọng Dục, một nhà buôn sắt thép đầu tiên ở Hà Nội, kinh doanh cửa hàng có tiếng tại số 18 phố Lò Rèn. Rất tiếc do cụ ông mất sớm vào năm 1935, nhà lại đông con (11 người) nên kinh tế gia đình không duy trì được như trước. Tuy vậy, anh em ông vẫn được học hành đến nơi đến chốn. Nguyễn Bội Giong học giỏi, thi đỗ vào Trường Bưởi, giành học bổng bán phần, rồi toàn phần. Ông được chính anh trai mình là Nguyễn Hồng Giám (tức Minh Đăng, liệt sĩ) giác ngộ khi đồng chí là cán bộ do thành bộ Việt Minh cử về huyện Thanh Trì gây dựng phong trào cách mạng. Ngày 11-3-1945, Nguyễn Bội Giong được giao là tổ trưởng tổ thanh niên cứu quốc tại vùng Sét (khu vực thuộc Giáp Tứ, Giáp Lục và Giáp Bát hiện nay), đã cùng nhân dân địa phương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong Lễ tuyên ngôn độc lập 2-9, Nguyễn Bội Giong nhận nhiệm vụ dẫn đầu đội tự vệ chiến đấu gồm 21 người bảo vệ khu vực phía Tây Quảng trường Ba Đình. Rồi khi toàn quốc kháng chiến, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, ông vận động người thân trong nhà là em gái Nguyễn Kim Tuyến, em trai Nguyễn Bác Văn và Nguyễn Thịnh Đạt... gia nhập Quyết tử quân, bất chấp khó khăn gian khổ và hy sinh ở lại bảo vệ Thủ đô cho đến khi được lệnh rút lên chiến khu. Tại đây, Nguyễn Bội Giong được cử đi học tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 3. Khi đối đầu với cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc của thực dân Pháp vào Thu-Đông 1947, tuy bị thương khá nặng vào chân nhưng ông vẫn cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, để sau đó vượt qua thương tật, tiếp tục đi qua các mùa chiến dịch, trên cương vị là Bí thư quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, rồi phái viên của Bộ tổng tư lệnh trong các chiến dịch quan trọng như: Biên giới, Điện Biên Phủ...
Do cơ duyên nghề nghiệp, chúng tôi đã gặp nhiều tướng lĩnh, cựu chiến binh thời ấy. Họ đều có chung nhận xét, Nguyễn Bội Giong là một con người đặc biệt với trí tuệ và khả năng tư duy khoa học, hiếm có. Ông được các thủ trưởng tin tưởng, giữ lại bên cạnh nên ít có cơ hội thể hiện năng lực trong thực tế chiến đấu. Nhưng, như chia sẻ của Đại tá Nguyễn Bội Giong, tất cả những điều đó là nhiệm vụ mà mỗi người lính khi tổ chức đã phân công đều thi hành “tận tâm, tận lực”, nhiệm vụ nào cũng vinh quang và đáng tự hào cả. Và chính khoảng thời gian được ở bên các thủ trưởng, ông đã có cơ hội được gặp Bác Hồ, và có một buổi tối nhớ mãi. Ông kể: "Đó là một buổi tối cuối tháng 10-1953, hội nghị thảo luận về một chiến cuộc quyết định cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược do Bác trực tiếp chủ trì kết thúc, Bác yêu cầu anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) để tôi là bí thư của anh ở lại vì Người muốn hỏi thêm về tình hình địch. Lúc công việc đã xong, vẫn còn sớm nên hai bác cháu tiếp tục trò chuyện. Khi biết tôi là học sinh Trường Bưởi, Bác đã hỏi thêm tôi về chương trình, phương pháp dạy và học ở Trường Bưởi hồi đó. Nghe xong, Bác nói, đại ý: Những giáo sư ở Trường Bưởi, cả người Pháp và người Việt đều là những người có học vấn cao, cách tổ chức dạy học của họ phải nói là tốt. Sau này có lúc nào rảnh rỗi, cháu nên viết lại về những điều đó và đăng vào tạp chí của Bộ Giáo dục đang ban hành ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Nếu có điều kiện, cháu truyền thụ lại cho mọi người”.
Và hành trình trao truyền của người lính già
Từ một học sinh Trường Bưởi rất giỏi tiếng Pháp, quá trình công tác do tiếp xúc với các cố vấn người Trung Quốc và các chuyên gia Liên Xô, ông đã tự học thêm hai ngôn ngữ nữa là tiếng Nga, tiếng Trung. Tuy không thông thạo như tiếng Pháp nhưng cũng đủ để khi sang học tập 5 năm tại Học viện Quân sự Chính trị Trung ương Trung Quốc (1955-1960) và gần một năm tại Đại học Frunze (Liên Xô) ông đều đạt kết quả tốt. Trong tâm trí, ông luôn nhớ tới lời căn dặn của Bác về việc nên đem tri thức của mình truyền lại cho người khác. Năm 1989, nghỉ công tác khi đã ở tuổi 63, ông tham gia xây dựng Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh hơn 10 năm rồi trở ra Hà Nội. Lúc này, ông mới có thời gian nghĩ đến việc thực hiện lời căn dặn của Bác. Và, ông có cách làm rất đặc biệt, giống như tính cách của ông vậy: Dạy ngoại ngữ miễn phí và sẵn sàng đón nhận các sinh viên quê xa, có hoàn cảnh khó khăn về ở cùng không lấy tiền trọ và hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho đến khi có thể độc lập được. Hàng trăm bạn trẻ đã được ông giúp đỡ như thế. “Nhiều người trong số họ đã trưởng thành, là bác sĩ, giáo viên, doanh nhân thành đạt... Còn tôi, cháu nào đến xin học, ở nhờ là sẵn sàng nhận thôi”-ông nói.
Điều này lý giải vì sao mỗi lần chúng tôi tới nhà, lại gặp những bạn trẻ khác nhau, cũ có, mới có và không ở một giờ cố định nào. Lớp học ông tổ chức không bảng đen, phấn trắng, chỉ có mấy chiếc ghế nhỏ cũ kỹ, ông cháu ngồi quây quần bên nhau bắt đầu bài học. Tài liệu mà thầy Giong dùng để dạy học là những cuốn sách bằng tiếng Pháp, có cuốn xuất bản từ cuối thế kỷ 19 nhưng được giữ gìn cẩn thận nên còn khá nguyên vẹn. Từ sự háo hức của các bạn trẻ, đủ mọi lứa tuổi, lớp này đến lớp khác chờ đến giờ học, chúng tôi cũng phần nào nhận thấy hiệu quả từ phương pháp truyền dạy đặc biệt của ông. Tô Như Hạnh-nữ sinh đầu tiên được ông dạy tiếng Pháp cách đây 10 năm, khi mới 20 tuổi và đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Dược Hà Nội, giờ đây đã có bằng chứng nhận “Bác sĩ châu Âu”, làm việc tại Pháp đã 3 năm nay, thỉnh thoảng vẫn tham gia “trực tuyến” với lớp học của ông. Cô là một trong những “hạt giống” trưởng thành từ sự ươm mầm của thầy Giong. Quê cô ở Phú Thọ, nhà nghèo nhưng học giỏi nên cô thi đỗ vào Trường Đại học Dược Hà Nội với số điểm cao. Nhưng học ngành này, ngoài tiếng Anh cần phải biết thêm tiếng Pháp, mà bố mẹ không thể hỗ trợ kinh phí. Đang lo lắng không biết ra sao thì Hạnh gặp ông Nguyễn Bội Giong trên một chuyến xe bus. Ông cháu trò chuyện vu vơ, chẳng ngờ cô tìm được thầy dạy học. Vậy là suốt 5 năm học đại học, đều đặn 3 buổi/tuần, cô đến nhà để được ông dạy học tiếng Pháp miễn phí. Sau đó, Hạnh giới thiệu thêm Tú Anh (hiện đang làm việc tại Bệnh viện K Hà Nội) đến học. Cứ thế các sinh viên truyền tai nhau, tìm đến nhờ ông dạy học tiếng Pháp, tiếng Trung.
Một trường hợp khác là hai chị em Trịnh Thị Mùa, Trịnh Thị Mơ ở làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cũng được ông giúp đỡ. Không họ hàng thân thích, nhưng ông đã cho hai chị em ở nhờ trong suốt thời gian học đại học. Trịnh Thị Mùa đã tốt nghiệp được 3 năm và có việc làm ổn định. Còn Mơ vẫn đang ở cùng ông để học nốt năm cuối. Mới đây, gặp chúng tôi, ông ngậm ngùi: “Giá con bé Mơ nói thật với tôi rằng, nó không có tiền nộp học phí thì đâu phải bảo lưu một năm học để vào Nam làm việc. Nó bảo tôi là đi thực tế, ai dè... Biết chuyện, tôi đã gọi cháu về, nói là cho vay học phí, khi nào có trả tôi cũng được để con bé nhận, nếu không lại lỡ dở thêm năm nữa. Rõ khổ, bố cháu lại vừa mới phát bệnh ung thư...”.
Đại tá Nguyễn Bội Giong là người như thế. Nhà ông lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Bà Trần Thị Liên, Tổ phó Tổ dân phố 2 nói: “Nhà ông ấy là lớp học văn hóa đấy”. Còn các chú công an của phường Điện Biên đóng quân ngay dưới căn gác của ông thì quá quen với cảnh có người lạ lên gác lại bảo nhau: “Khách của ông Giong đấy, không cần lo lắng đâu”. Và ông, khi tuổi bách niên đã gần kề, ông vẫn miệt mài kể chuyện lịch sử cho người trẻ, dạy ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên và dang rộng vòng tay bao bọc những hoàn cảnh khó khăn. Những việc ông làm, con cái ông rất ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ nếu ông gọi. Ngày 24-2 vừa qua, sinh nhật lần thứ 95 của ông, nhiều bạn trẻ từng được ông giúp đỡ vẫn nhớ và tìm về chúc mừng ông. Khi thổi nến, ông ước “được như Anh Cả” rồi giải thích: "Không phải tôi mong sống thọ đâu, mà là mong còn thời gian để còn giúp đỡ thêm được ai thì giúp. Những kiến thức của mình có mang đi được đâu. Truyền lại cho các cháu, biết đâu tương lai cần!”.