Thầy hiệu trưởng 'đặc biệt' nơi vùng sơn cước

Bỏ lại những lời dị nghị, dèm pha, với tình yêu nghề, mến trẻ đặc biệt, thầy Trịnh Hồng Quân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước) đã và đang tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp nuôi dạy trẻ nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Thầy giáo Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng trường mầm non xã Thành Sơn, huyện Bá Thước

Cách trung tâm TP Thanh Hóa chừng gần 200 km, băng qua những cánh rừng bạt ngàn, nhiều ngọn đồi, con dốc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được thôn Báng, xã Thành Sơn - nơi thầy Trịnh Hồng Quân (SN 1985) công tác.

Sinh ra trong một gia đình không ai làm trong lĩnh vực giáo dục, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức, từ năm 2006 - 2018 thầy được phân công làm giáo viên Trường Mầm non xã Lương Ngoại và Thiết Ống (Bá Thước). Tháng 5-2020 thầy được điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn.

Thầy Quân chia sẻ, nghề nuôi dạy trẻ đến với thầy như một cơ duyên, và từ mối cơ duyên đó cộng thêm tình yêu thương trẻ nhỏ đã giúp thầy vượt qua những định kiến của xã hội để tiếp tục cống hiến sức mình cho trẻ nhỏ vùng cao. Đó là điều mà không ai cũng có thể làm được.

Có một chi tiết khá đặc biệt, trong khi bạn bè đồng trang lứa đều theo đuổi những hoài bão, mục đích khác, thì thầy Quân lại chọn công viêc cho mình là công tác tại một trường mầm non, nơi người ta biết đến và mặc định rằng chỉ có phụ nữ mới phù hợp.

Khi chúng tôi hỏi tại sao thầy không chọn lĩnh vực khác mà lại chọn ngành mầm non, nơi thường rất ít các thầy chọn lựa, thầy hóm hỉnh trả lời: “Ban đầu khi chọn ngành mầm non công tác, biết là không phù hợp, gia đình phản đối kịch liệt, bạn bè, người ngoài đàm tiếu, lúc đầu tôi cũng hơi băn khoăn, nhưng nghĩ lại dù công tác ở đâu, với vị trí nào miễn sao được cống hiến hết sức mình cho giáo dục là được rồi”.

Những ngày đầu lên đây công tác, không đêm nào thầy Quân yên giấc. Những hoài bão, dự định, kế hoạch luôn lóe lên trong suy nghĩ của thầy giáo trẻ.

Trường Mầm non Thành Sơn hiện có 10 nhóm lớp, với 1 điểm chính, 4 điểm lẻ. Điểm lẻ xa nhất cách điểm chính chừng 12 km, nhà trường chưa có văn phòng, không nhà để xe, công trình nước sạch còn thiếu. Cơ sở vật chất các khu lẻ cũng xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị thiếu thốn…

Trên cương vị người đứng đầu nhà trường, thầy tích cực tham mưu, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, tranh thủ sự ủng hộ của phụ huynh, đến nay ngôi trường ngày một khang trang hơn.

Đặc biệt, thầy luôn nhắc nhở giáo viên quan tâm, chăm sóc sức khỏe của trẻ mới nhập trường, trẻ còi suy dinh dưỡng, chú trọng tới từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ, tạo sự yên tâm cho phụ huynh.

Bên cạnh đó, tích cực chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non mới, nhất là các chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng cũng như xây dựng kỷ cương, nền nếp trong mọi hoạt động. Động viên viên giáo viên giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Sinh hoạt trong môi trường toàn phụ nữ, nhiều lúc thấy ngại ngùng, song vượt qua những trở ngại đó, thầy Quân vẫn không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, từng bước hoàn thiện bản thân.

Nhờ sự nỗ lực đáng khâm phục đó, trong nhiều năm công tác, tập thể nhà trường đã được công nhận “Công đoàn vững mạnh”, nhiều giáo viên được Chủ tịch UBND huyện tăng Giấy khen, công nhận lao động tiên tiến, giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện...

Chia tay thầy Trịnh Hồng Quân, chúng tôi vô cùng xúc động, thêm nể phục về thầy, hy vọng trong những năm học tiếp theo, thầy sẽ dìu dắt thêm nhiều “chồi non” hơn nữa.

Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/thay-hieu-truong-dac-biet-noi-vung-son-cuoc/132650.htm