Thầy kêu gọi xây nhà thờ liệt sĩ cho trò

Thấy căn nhà thờ của liệt sĩ là học trò cũ bị bong ngói, dột nát sau bão, thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Ái Lý (84 tuổi, trú xóm 10, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã rong ruổi khắp huyện để vận động, kêu gọi những bạn học cũ của liệt sĩ xây mới gian thờ.

Gian thờ dột nát sau bão

Thấy Lý nhớ lại: "Ngày 27/7/2017, tôi cùng nhiều em học trò đến nhà của liệt sĩ Nguyễn Văn Cương (là học trò cũ) ở xóm 8, xã Nghi Trung để thắp hương cho liệt sĩ cũng như tưởng nhớ, tri ân thân nhân liệt sĩ. Khi đến đây, tất cả chúng tôi đều thẫn thờ khi đứng trước ngôi nhà cấp 4 cũ màu với nhiều mái ngói bị gió thổi bay, thủng lỗ chỗ".

Bàn thờ liệt sĩ và thân nhân được đặt trong một ngôi nhà hai gian nhỏ bé. Một gian dành cho việc thờ tự thân nhân và liệt sĩ nhưng nước mưa đã rơi ướt bàn thờ. Gian còn lại dành cho các con chị Nguyễn Thị Hương (em gái liệt sĩ Cương) ở và sinh hoạt.

Chị Hương ngậm ngùi: "Bố mẹ tôi đã mất từ lâu. 5 chị em gái cũng đã đi lấy chồng, mỗi người ở một nơi. Tôi được các chị giao lại ngôi nhà để thờ tự. Nhưng vừa rồi, bão đi qua khiến ngôi nhà bị bay ngói nhiều, một thân một mình tôi chưa thể gia cố lại được".

Thầy Lý và ông Nguyễn Ngọc Nam (bạn học của liệt sĩ) kể lại việc xây dựng nhà thờ cho liệt sĩ Cương.

Thầy Lý và ông Nguyễn Ngọc Nam (bạn học của liệt sĩ) kể lại việc xây dựng nhà thờ cho liệt sĩ Cương.

Nhìn lên bàn thờ, thầy Lý và các bạn học cũ của liệt sĩ đều bất ngờ khi tấm ảnh thờ không hề giống liệt sĩ vì họa sĩ vẽ lại không đúng. Thấy thầy Lý và các bạn của anh Cương ngạc nhiên, chị Hương kể: "Gia đình cũng biết nhưng không còn tấm ảnh nào của anh Cương để phóng lên cả nên đành dùng tấm ảnh vẽ lại này".

Thắp hương xong, thầy Lý và trò liền bàn với nhau tìm cách lợp lại gian nhà để có nơi thờ tự liệt sĩ Cương. Cũng như tìm lại bức ảnh mà lúc đi liệt sĩ Cương có gửi lại cho thầy Lý.

Thầy Lý còn nhớ như in: "Lúc lên đường vào Nam chiến đấu 1970, liệt sĩ Cương có đến nhà tôi chơi trong bộ đồi quân phục người lính, em đã rút ra một tấm ảnh nhỏ và nói: "Thầy ơi, vài bữa nữa em sẽ xa gia đình, xa thầy vào Nam chiến đấu. Trước khi đi em đến chào thầy và gia đình. Cảm ơn thầy giúp đỡ em trong 3 năm thầy làm chủ nhiệm. Không có gì biếu thầy, em tặng thầy tấm ảnh lỡ khi em không về được xem như em vẫn ở bên thầy". Thấy em Cương mặc quân phục tôi ngạc nhiên lắm vì Cương là con trai độc nhất trong gia đình nhưng vẫn tình nguyện đi bộ đội. Khi vào chiến trường được ba năm thì Cương hi sinh tại núi Hòn Tàu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, thuộc đặc khu ủy Quảng Đà, nay thuộc tỉnh Quảng Nam".

Nhờ tấm ảnh kỷ niệm ấy, thầy Lý đã phục chế được chân dung liệt sĩ Cương. Nhận được tấm ảnh phóng to, thân nhân liệt sĩ ngạc nhiên, reo lên "Cậu Cương đây rồi".

Đạp xe đi vận động để xây gian thờ liệt sĩ

Lợp lại căn nhà không khó nhưng điều băn khoăn của thầy Lý và trò là lợp xong mái ngói thì bão đến, ngói lại bay thì biết làm sao. Hơn nữa, chị Hương lại thuộc hộ nghèo, chồng chết, con cháu đông lại nuôi thêm người con của chị gái bị tàn tật, trăm đường khó khăn.

Thầy Lý nảy ý định bàn với các em là bạn bè của liệt sĩ sẽ kêu gọi quyên góp để làm cho liệt sĩ và thân nhân một gian thờ tách biệt. Thật không ngờ, các bạn của liệt sĩ Cương ủng hộ ngay và bầu thầy Lý làm trưởng ban vận động.

Thầy Lý bên bàn thờ liệt sĩ Cương.

Thầy Lý bên bàn thờ liệt sĩ Cương.

"Khi có Ban vận động gồm 5 người thì chúng tôi chia nhau đi khắp các xã trong huyện có bạn bè của liệt sĩ thời cấp 2,3 để vận động. Riêng tôi và anh Nguyễn Ngọc Nam (chủ tịch Hội người cao tuổi xã Nghi Trung cũng là bạn học của liệt sĩ Cương) đi xe máy xuống TP.Vinh. Còn các xã Nghi Phú, Nghi Trường, Nghi Trung tôi đi xe đạp để gặp gỡ, vận động" – thầy Lý kể.

Sau đó ban vận động nhận được 17 triệu 200 ngàn đồng. Số tiền này được gửi tại ngân hàng và khi rút tiền lãi được 187 ngàn đồng và đưa vào tổng thu của quỹ xây dựng nhà thờ. Một thời gian sau, ban vận động có thêm được 30 triệu đồng thì cả ban họp bàn xây dựng nhà thờ với phương châm có bao nhiêu làm bấy nhiêu nghĩa là tiền nhiều thì làm to, ít làm nhỏ, không để nợ. Việc xây dựng được trao đổi với gia đình liệt sĩ và được ủng hộ nhiệt tình. Được gia đình đồng ý, thầy Lý và các trò báo cáo lên Đảng ủy, UBND xã xin phép xây dựng nhà thờ trong vườn nhà chị Hương.

Thầy Lý và ông Nam trước nhà thờ mới khang trang của liệt sĩ Cương.

Thầy Lý và ông Nam trước nhà thờ mới khang trang của liệt sĩ Cương.

"Với số tiền này, lúc đầu, chúng tôi chỉ dám làm nhà thờ sân láng xi măng. Nhưng trong quá trình xây dựng, số tiền vận động tăng lên từ 45 triệu rồi lên hơn 66 triệu nên chúng tôi quyết định làm gian thờ có mái tôn, lạt gạch để thay cho sân nền xi măng. Có gian thờ mới, chúng tôi yên lòng lắm vì giờ liệt sĩ Cương và thân nhân đã có gian thờ đúng nghĩa" – thầy Lý vui nói.

V. Đồng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thay-keu-goi-xay-nha-tho-liet-si-cho-tro-20190727111816238.htm