Thầy không hay khó có trò giỏi
SEA Games 29, việc U.22 Việt Nam trắng tay có sai lầm của thủ thành Phí Minh Long, trong trận thua U.22 Thái Lan ở vòng bảng. Hồi giữa tuần, lại là sai lầm của thủ môn khiến một đội U.18 của Việt Nam phải trả giá. Y ELi Nie bắt bóng không dính, tạo điều kiện cho tiền đạo U.18 Myanmar ghi bàn, ấn định chiến thắng 2-1 cho đội nhà.
Trước nữa, ở bán kết AFF Cup 2016, việc thủ thành Nguyên Mạnh nhận thẻ đỏ vì lỗi đánh nguội cầu thủ Indonesia, cũng khiến dư luận bức xúc.
Sai lầm đến từ thủ môn các đội tuyển Việt Nam đang khiến người hâm mộ nhân đôi sự thất vọng. Nhưng sai lầm đã qua; thua trận đã rồi. Câu trả lời ở đây phải thuộc về VFF, về các đội bóng, về các hệ thống đào tạo trẻ. Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG hồi còn “se duyên” chỉ tập trung đào tạo hàng tiền vệ, tiền đạo, còn vị trí thủ môn để trống.
Tại sao những năm qua, các trận đánh lớn quan trọng của bóng đá Việt Nam đều không có hệ số an toàn đến từ hàng thủ, đặc biệt là vị trí của người gác đền?
Tiến Dũng chơi hay trong màu áo U.22 Việt Nam nhưng phải chấp nhận dự bị ở V-League trong màu áo FLC Thanh Hóa. Ảnh: NGUYỄN AN
Thủ môn là 50% sức mạnh của đội bóng. Ai đó đã nói như vậy và có lẽ nhận định trên không sai. Thủ môn Dương Hồng Sơn chơi tốt ở AFF Cup 2008, giúp đồng đội tuyến trên không phải ngoái lại phía sau quá nhiều. Nếu hàng thủ chập chờn, tuyến tiền vệ sẽ phân vân giữa việc dâng cao hay lùi xuống. Thủ môn Dương Hồng Sơn cho rằng: “Sai lầm của các em xuất phát từ vấn đề tâm lý. Trận đánh càng lớn, tâm lý thủ môn càng phải ổn định. Muốn làm người mà cả đội tin tưởng, điều đầu tiên thủ môn cần là sự vững vàng. Tôi đánh giá Minh Long, Nguyên Mạnh, Y Eli Nie đều có chuyên môn tốt và từng có những trận đấu hay. Vấn đề của họ chỉ là tâm lý. Lấy Minh Long làm ví dụ, khi tôi ở Hà Nội FC, cậu ấy rất hay bị chuột rút lúc thi đấu. Đó là biểu hiện tâm lý rất nặng. Nguyên Mạnh cũng vậy, chơi rất tốt ở CLB nhưng lúc lên đội tuyển, vào đấu trường lớn, bạn ấy cũng không cởi bỏ được áp lực”.
Nhưng Dương Hồng Sơn cũng để lại điều tiếng khi còn khoác áo Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) cho đến những vụ mất hộ chiếu, quên giấy tờ khác ở đội tuyển quốc gia. Thủ thành xứ Nghệ này có thể chơi hay trên sân nhưng trong vai trò HLV thủ môn ở Hà Nội T&T, Dương Hồng Sơn chưa phải là người thầy có thể truyền cảm hứng tốt cho học trò.
Nhìn xa hơn, công tác đào tạo thủ môn của các đội bóng V-League, giải hạng Nhất thật đáng ngại. Các đội bóng phần do thiếu kinh phí, phần do không có nhân lực nên đa số khuyết hẳn chân HLV thủ môn. Đảm nhiệm công việc này ở các đội bóng thường là thủ môn số 1. Cứ thế số 1 dạy số 2, 3. Sau này khi số 2, số 3 lên số 1 thì lại dạy cho các thủ thành trẻ khác.
Nhận xét về các thủ môn bây giờ, Dương Hồng Sơn cho rằng: “Họ chưa hơn được chúng tôi về kỹ thuật và sự máu lửa”.
Trong khi đó, cựu trợ lý HLV thủ môn đội tuyển Việt Nam Trần Văn Khánh từng khẳng định: “Tôi cho rằng các thủ môn Việt Nam đều không có trường phái rõ ràng nào. Hào quang giả tạo và cuộc sống kim tiền khiến họ không biết mình là ai, rồi đánh mất bản thân”.
Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/thay-khong-hay-kho-co-tro-gioi-517852