Thầy làm bạn với trò trên mạng xã hội
Khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều giáo viên đã sử dụng nền tảng TikTok như một cách giao tiếp và kết nối với học sinh.
Đến nay, mạng xã hội này đã trở thành cầu nối cho giáo viên và học sinh.
Trong nghiên cứu mới do GS Crystal Abidin, Đại học Curtin, Australia, phối hợp thực hiện với GS Arantxa Vizcáino-Verdú, Đại học Huelva, Tây Ban Nha, đã chỉ ra và giải thích định nghĩa “TeachTok”, đang phổ biến trong thời gian gần đây.
Theo đó, “TeachTok” là cách giáo viên chia sẻ về công việc giảng dạy trên nền tảng TikTok.
Các video “TeachTok” phổ biến như giáo sư chia sẻ quan điểm, bày tỏ cảm xúc về một tình huống trên trường như khi học sinh đi muộn hay khi học sinh tặng hoa, quà cho thầy cô. Một số giáo viên chia sẻ quy trình chuẩn bị cho một tiết học. Số khác biểu diễn các điệu nhảy vui nhộn cùng học sinh.
Những video trên là cách giáo viên thể hiện sự quan tâm học sinh, xây dựng mối quan hệ gắn bó với lớp học và giúp học sinh hiểu thêm về nghề dạy học. Nhưng “TeachTok” không chỉ là những điệu nhảy.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều giáo viên trên thế giới đã tạo video ngắn trên TikTok, thường không quá 3 phút, để dạy học. Phổ biến nhất là các video dạy học ngôn ngữ.
Nội dung thường ngắn gọn như hướng dẫn cách bắt đầu một cuộc trò chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha hay học các cụm từ tiếng Anh cơ bản. Khi khác, giáo viên chia sẻ các thủ thuật làm phép tính nhanh hoặc học thuộc công thức Toán học chỉ trong một phút.
Giáo viên còn chia sẻ lời khuyên cho phụ huynh để giáo dục con cái tại nhà. Họ gợi ý một số trò chơi tư duy mà bố mẹ và con cái có thể cùng tham gia như tô màu, học từ mới từ đồ vật trong gia đình...
Nhiều người cho rằng việc đăng tải các video lên TikTok là cách giải tỏa căng thẳng, áp lực trong công việc. Một số người đã chia sẻ về những khó khăn hoặc thách thức khi mới đi làm, từ đó, rút ra kinh nghiệm cho những giáo viên trẻ.
Song song với những lợi ích về giáo dục, GS Crystal Abidin cảnh báo các nền tảng mạng xã hội còn nhiều hạn chế. Đơn cử, giáo viên có thể phải nhận những lời bình luận khiếm nhã, chỉ trích từ cộng đồng. Số khác phải trả lời bình luận hoặc tin nhắn của phụ huynh, học sinh liên tục.
Giáo viên khi đăng tải video về trường học lên TikTok cần bảo vệ quyền riêng tư của học sinh, hạn chế chia sẻ quá nhiều hình ảnh một tiết học trên lớp. Việc đăng tải video có hình ảnh của học sinh cũng cần nhận được sự đồng ý từ phía các em và gia đình.
TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội Trung Quốc ra mắt từ năm 2017. Người dùng TikTok có thể chia sẻ các video ngắn, tối đa lên đến 10 phút.
Theo TC
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-lam-ban-voi-tro-tren-mang-xa-hoi-post633276.html