Thay lời tri ân 2024: Gieo hy vọng, niềm tin để tạo dựng tương lai
Tối 17/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình 'Thay lời tri ân' năm 2024, với chủ đề 'Hy vọng'. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Tham dự chương trình có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số ban, ngành Trung ương và hơn 400 thầy cô giáo đại diện cho hơn 1 triệu cán bộ quản lý, giáo viên trên cả nước.
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Đã từ nhiều năm nay, chương trình “Thay lời tri ân” được tổ chức, phát sóng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, là một món quà, là lời cảm ơn gửi đến các nhà giáo cả nước. Mỗi năm chương trình lựa chọn một chủ đề, gửi gắm một thông điệp và chủ đề năm nay là “Hy vọng”.
Theo Bộ trưởng, giáo dục là nghề tạo dựng cho tương lai. Chúng ta hy vọng, tin tưởng vào những kết quả tốt đẹp do giáo dục mang lại cho từng người và cho các thế hệ; tin tưởng vào sự thay đổi ngày càng tốt đẹp hơn của sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà. Người thầy chính là lực lượng quyết định, biến nhiều điều chúng ta hy vọng thành hiện thực.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng bày tỏ niềm tự hào lớn lao về các nhà giáo. “Từ trong chiều sâu của suy nghĩ, từ bề rộng của sự cảm nhận và tự đáy lòng mình, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cô giáo, thầy giáo. Cảm ơn các cô, các thầy đã lựa chọn nghề dạy người, đã yêu người, yêu nghề hết mực. Cảm ơn các cô, các thầy luôn sống vui, sống mạnh mẽ và lạc quan, dẫu còn nhiều khó khăn thách thức, những thách thức khi đất nước còn đang phát triển, khó khăn, thách thức của đổi mới và thách thức của kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo cùng nhiều yếu tố phi truyền thống khác”, Bộ trưởng bày tỏ.
Đất nước đang đứng trước vận mệnh tốt lành và thời cơ của sự phát triển lớn, Bộ trưởng mong toàn thể các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học tiếp tục cùng nhau gắng sức, tiếp tục thể hiện năng lực sáng tạo không giới hạn, tình yêu nghề và khả năng thích ứng, đổi mới của mình.
Qua chương trình, thay mặt cho toàn thể ngành Giáo dục nói chung và các nhà giáo nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị, xã hội đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục và đào tạo, tới những người làm giáo dục. Đồng thời, tri ân toàn thể nhân dân, các bậc phụ huynh vì đã tin tưởng, ủng hộ, đồng hành cùng ngành Giáo dục.
Nhằm mang tới những câu chuyện cụ thể, dung dị mà xúc động, truyền cảm hứng trong “Thay lời tri ân năm” 2024, êkip thực hiện đã tỏa đi nhiều tỉnh, thành phố (Hà Giang, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Gia Lai...) để gặp gỡ nhân vật, thực hiện các phóng sự về các thầy giáo, cô giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, tận tâm, tận tụy với nghề, nỗ lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy học. Cùng với đó, trong phần giao lưu trực tiếp với thầy cô trên sân khấu của chương trình, khán giả cũng được nghe các nhà giáo tâm sự, trải lòng về những năm tháng gắn bó với nghề dạy học, có sự vất vả, khó khăn, thách thức và có những niềm vui, trái ngọt, thành công…
Thầy giáo Vũ Văn Tùng, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp đã gần 5 năm nay trở nên gần gũi, quen thuộc với người dân xã Pờ Tó, huyện Ia Pa (Gia Lai), bởi tuần 3 buổi dậy từ 4h sáng đi 40km đến trường cùng thùng bánh mì cho học trò nghèo. Theo thầy Tùng, muốn các em đến trường học tập đầy đủ thì phải giải quyết cái ăn. Cũng từ ý nghĩa ấy mà quỹ "Tủ bánh mỳ không đồng” ra đời.
Thầy Tùng chia sẻ, quá trình dạy chữ cho học sinh nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Trường đóng chân trên vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 90% là người dân tộc Ba Na. Hằng ngày, thầy phải lên tận rẫy để đón học sinh với hy vọng truyền cho các em niềm đam mê đến với con chữ, vì chỉ khi biết chữ mới mang lại hi vọng sau này cho các em.
Theo thống kê, cùng với việc lo bữa ăn sáng cho khoảng 200 học sinh mỗi tuần, từ năm 2021 đến nay, quỹ “Tủ bánh mỳ không đồng” đã trao 7 con dê sinh sản, 15 con bò sinh sản trị giá hơn 200 triệu đồng cho 18 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp cùng các trường học trên địa bàn huyện Ia Pa, các vùng lân cận. Yêu quý, kính trọng thầy Tùng, già làng đặt tên thầy là “Đinh Tùng” với ý nghĩa người con mang họ của đồng bào Ba Na.
Khán giả cũng xúc động với câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Quang Thọ (sinh năm 1986) và cô giáo Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1991) đã không quản gian khó, bằng tâm huyết với nghề, luôn tận tâm với lớp dạy học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Quãng đường từ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phong Dụ Thượng đến điểm xóa mù chữ (thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái) có hôm mưa kéo dài 4 -5 tiếng đồng hồ không dứt, hay những trận nước ngập làm ướt hết quần áo và phương tiện, những trận sạt lở khiến đất đá lấp ngang đường… nhưng cũng không cản được bước chân của thầy giáo Nguyễn Quang Thọ và cô giáo Nguyễn Thị Dung.
Sau một thời gian dạy học cho bà con thôn Khe Táu, phần lớn mọi người đã biết đọc thông viết thạo và biết tính toán để làm ăn. Có những học viên đã tự mở quán bán hàng làm kinh tế. Nhìn thấy bà con biết buôn bán làm ăn, thầy cô đều thấy rất vui và hạnh phúc khi đóng góp phần nào vào đó.
Mỗi câu chuyện trong chương trình đã tái hiện lại một bức tranh chân thực nhất về những hi sinh, cống hiến thầm lặng của những người chiến sĩ văn hóa trong hành trình “trồng người”, góp phần gieo hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất của nền giáo dục nước nhà.