'Thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào'

Đó là trào lưu đang diễn ra ở Hong Kong và Philippines, 'thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào' nhưng nay nó đã đi vào... thoái trào.

Chuyện VĐV đấu kiếm Vivian Kong (Giang Mân Huệ) của Hong Kong và VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) Carlos Yulo của Philippines đoạt HCV Olympic Paris 2024 lập tức lên cơn sốt.

Tuy nhiên ở Hong Kong, sau cơn sốt là sự thoái trào nhanh đến không thể ngờ. “Thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào”...đang là câu chuyện thời sự.

 Vivian Kong đoạt HCV của một nội dung đấu kiếm tại Olympic Paris 2024, cô trở thành triệu phú ở Hong Kong. Ảnh:SCMP

Vivian Kong đoạt HCV của một nội dung đấu kiếm tại Olympic Paris 2024, cô trở thành triệu phú ở Hong Kong. Ảnh:SCMP

VĐV đấu kiếm Vivian Kong của Hong Kong vừa xinh đẹp, vừa giỏi “cầm, kỳ, thi, họa” thế là khi cô đoạt được tấm HCV Olympic Paris 2024 vừa qua, cả Hong Kong nóng chuyện phụ huynh đăng ký cho con mình vào học các lớp đấu kiếm, mỗi ngày một CLB đấu kiếm của Hong Kong tiếp nhận cả trăm hồ sơ xin vào học là những em nhỏ do phụ huynh dẫn đến. Một người Hàn Quốc mở học viện đấu kiếm tại Hong Kong năm 1989, mỗi năm chỉ tiếp nhận vài chục học viên, nhưng sau khi Vivian Kong đoạt tấm HCV Olympic Paris 2024, lập tức học viện của ông mỗi ngày tiếp nhận đến cả trăm hồ sơ các phụ huynh dẫn con đến xin vào học.

 "Chàng trai vàng" Carlos Yulo cũng trở thành triệu phú và sở hữu các bất động sản được tặng. Ảnh:Inq

"Chàng trai vàng" Carlos Yulo cũng trở thành triệu phú và sở hữu các bất động sản được tặng. Ảnh:Inq

Tuy nhiên cho đến nay, khi Olympic Paris khép lại chưa lâu thì cái phong trào ấy nó đã trở nên thoái trào, nhiều phụ huynh dẫn con em đến các học viện đấu kiếm ở Hong Kong xin rút hồ sơ và xin lại tiền học phí. Các trung tâm này cũng giải quyết cho một số trường hợp đặc biệt, còn lại họ từ chối không trả lại tiền học phí nếu học viên bỏ cuộc vì lý do không chính đáng.

Trong khi đó, cô gái vàng Vivian Kong xinh đẹp là sinh viên Luật năm thứ ba của ĐH Trung Hoa - Hong Kong. Ngoài đấu kiếm, Vivian Kong còn giỏi hội họa, piano, đàn tranh, rõ là một cô gái giỏi “cầm-kỳ-thi-họa”. Chính hình ảnh cô gái này đăng quang Olympic Paris 2024 đã thăng hoa cảm xúc và hàng trăm phụ huynh ở Hong Kong muốn con em mình cũng là nhà vô địch Olympic nên cho con mình theo học.

Mặt khác Hong Kong đứng đầu tại Olympic Paris 2024 về số tiền thưởng cho VĐV mang về thành tích HCV. Một chiếc HCV Olympic, Hong Kong thưởng đến 768.500 USD. Với Vivian Kong cùng tấm HCV đấu kiếm, cô đã trở thành triệu phú, vì ngoài khoản thưởng, các nhà tài trợ, các nhãn hàng, thương hiệu đến hợp tác với cô rất nhiều.

Tuy nhiên việc học bao giờ cũng rất gian truân, khổ luyện mới thành tài. Mà trở thành nhà vô địch Olympic thì hoàn toàn không thể đơn giản. Nó cần sự khổ luyện trong một thời gian dài, năng khiếu, thậm chí là sự may mắn của một VĐV. Nhiều em nhỏ vào học viện vài buổi đến vài tuần là chán ngấy cái công việc mệt mỏi này.

Tại Philippines cũng xảy ra câu chuyện tương tự. Sau khi “chàng trai vàng" Carlos Yulo mang về hai tấm HCV TDDC ở Olympic Paris 2024, lập tức cả quốc gia này lên cơn sốt, các trung tâm dạy TDDC mở ra và số người đăng ký trên quy mô toàn quốc cả ngàn em nhỏ vào mỗi ngày.

Cách đây không lâu nhà vô địch Olympic Paris 2024 Carlos Yulo phát biểu: “Tôi rất lấy làm hạnh phúc vì thành tích của tôi đã thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ Philippines noi theo. Các em nhỏ đã đến với TDDC rất nhiều".

Tuy nhiên TDDC lại là một môn thể thao rất thách thức, nguy hiểm trong tập luyện và đau đớn về mặt thể xác. Một VĐV phải khổ luyện trong chuỗi thời gian nhiều năm trời mới thành tài. Chưa kể từ 5,6 tuổi khi xương còn mềm, một VĐV phải tập luyện môn này theo cách khổ luyện liên tục.

Nhìn hình ảnh một nhà vô địch trở thành triệu phú, thế là bao nhiêu bậc phụ huynh “thấy người ta ăn khoai mình vác mai đi đào”. Trào lưu đưa con nhỏ đến học TDDC tại các trung tâm, học viện ở Philippines cũng đang thoái trào vì hầu như không có em nhỏ nào chịu được. Mặt khác sự an toàn và đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu của môn thể thao nghiệt ngã này nhiều nơi không đáp ứng được.

Nhiều phụ huynh cũng đến các trung tâm, học viện “xin lại tiền” học phí đóng cho con mà nghỉ giữa chừng. “Thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào” nhưng đâu phải dễ...

DUY ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-nguoi-ta-an-khoai-minh-vac-mai-di-dao-post807712.html