Thầy Siệu

Một ngày đầu hạ, khi tiếng ve râm ran trên những tán phượng, tôi ngược núi đến thôn Tả Chải, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) để gặp một người thầy đặc biệt.

Ông là Nghệ nhân Ưu tú Tẩn Vần Siệu, dân tộc Dao. Dù chưa một ngày theo học ngành sư phạm, cũng không thuộc biên chế của ngôi trường nào, nhưng khi nhắc tới ông, rất nhiều người vẫn dành sự yêu mến và kính trọng gọi là “thầy Siệu”.

Người thầy “khuyết” và những vần nôm Dao tròn

Con dốc nhỏ từ tuyến đường bê tông của thôn dẫn vào nhà thầy Siệu sau cơn mưa đêm qua trở nên trơn trượt và khó đi hơn. Từ đầu ngõ, tôi đã nghe tiếng trẻ đọc bài thật vui tai. Bên trong ngôi nhà gỗ rộng chừng 200 m2, thầy Siệu kê 5 chiếc bàn cho gần 40 học sinh ngồi quây tròn. Do đến vào giữa giờ học nên tôi lặng lẽ ngồi tại khu bàn uống nước bên hiên để không ảnh hưởng đến tiết học của các em.

Trong lớp học, sau nhịp thước gõ của thầy, đám trò nhỏ đồng thanh đọc rõ ràng từng câu tiếng nôm. “Gián chi song mỹ, hủy chi lưỡng thương, tán thán phúc sinh, tác phẫn ác sinh/Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh, tích ác chi gia, tất hữu dư ương/Hữu tranh nhàn khí, nhật hữu bình tây/Lai chi bất thiện, khứ chi dị hĩ” (Sau nhờ thầy dịch: Khuyên can người đôi bên đều lợi, chê bai người cùng thiệt cả hai/Tích đức nhiều phúc, tích ác lắm họa/Đừng tức chuyện không đâu, trời có lúc xế bóng/Của đến bất nghĩa, ra đi dễ dàng).

Giờ giải lao, tôi ngồi trò chuyện cùng thầy Siệu. Nhấp ngụm nước lá rừng, thầy Siệu trầm buồn nhớ lại: Năm 19 tuổi, tôi gặp một tai nạn và mất một mắt, một bàn tay. Lúc đó, tôi rất bi quan, bởi 15 năm theo học lớp nôm Dao cổ, đang chuẩn bị được làm lễ cấp đèn làm thầy. Nhiều ngày liên tiếp sau tai nạn, tôi tự nhốt mình trong nhà vì quá buồn. Nhưng rồi tôi nghĩ, không thể bỏ phí nhiều năm theo học, mình phải có trách nhiệm gìn giữ vốn văn hóa truyền thống, phải truyền đạt lại những gì đã được học cho thế hệ trẻ.

Thầy Tẩn Vần Siệu luôn tận tình chỉ bảo cho học sinh những câu nôm Dao cổ.

Thầy Tẩn Vần Siệu luôn tận tình chỉ bảo cho học sinh những câu nôm Dao cổ.

Nghĩ là làm, thầy Siệu bàn việc mở lớp dạy chữ nôm Dao miễn học phí nhưng nhiều người trong gia đình phản đối bởi khi đó đời sống khó khăn quá, bữa ăn ngày mai còn phải lo từ tối hôm nay thì nuôi sao nổi học trò. Nhưng rồi nhờ kiên trì thuyết phục, tâm nguyện mở lớp học nôm Dao cổ của thầy Siệu đã trở thành hiện thực.

Nhìn về phía đám trò nhỏ, thầy Siệu bảo, một học trò để đọc thông, viết thạo phải theo học 3 năm liên tục, 2 năm đầu học chữ và cách đọc thuộc lòng, nhận thức về đạo lý làm người. Đến năm thứ 3, các trò được dạy các bài cúng, bài hát dân tộc Dao và cách thức tổ chức các nghi lễ như lễ cấp sắc, lễ cúng ngày tết, ngày rằm...

Giờ ra chơi, khuôn viên nhà thầy Siệu trở nên vui nhộn bởi tiếng nô đùa của các học trò. Ở một góc sân, dăm ba bạn nhỏ chụm đầu cùng nhau đọc lại những câu dân ca cổ vừa học, thi thoảng một bạn cầm sách chạy lại hỏi thầy những từ chưa rõ nghĩa. Tôi đặc biệt chú ý đến hai bé trai đang ngồi đọc bài dưới tán cây bên hiên nhà. Lý Láo Tả, thôn Tả Chải đang ngồi hướng dẫn bạn học Tẩn Láo Lở, thôn Lâm Sinh, xã Liêm Phú (huyện Văn Bàn) những từ chưa hiểu. Tả năm nay 10 tuổi, đã theo học lớp thầy Siệu 5 năm nên em đã có thể đọc thạo và nhớ nhiều mặt chữ. Lở thì mới theo học được gần 10 buổi nên tranh thủ những giờ giải lao, em lại nhờ anh Tả giảng lại bài. Mỗi lần Lở đọc đúng, Tả lại nhìn em cười khích lệ, những tiếng cười vui trong trẻo theo đó cứ lan xa, khiến bầu trời mùa hạ của xứ sở sương mù hôm nay cũng trong veo thật lạ.

Bước qua hủ tục

Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Dao có quan niệm, con gái thì không được đi học lớp chữ nôm Dao. Họ cho rằng, nếu lớp học có sự xuất hiện của giới nữ thì các bài học về lễ cúng sẽ không còn linh nghiệm, điều đó khiến phụ nữ Dao chịu nhiều thiệt thòi. Là người có uy tín, lại đau đáu giữ gìn văn hóa truyền thống nên mong muốn xóa bỏ hủ tục để con gái người Dao có thể theo học các lớp nôm Dao cổ cứ cháy lên trong lòng thầy Siệu.

Phải thay đổi thói quen, những gì là lạc hậu. Với quyết tâm như thế, thầy Siệu “khăn gói quả mướp” đến các địa phương trong và ngoài tỉnh tìm gặp trưởng các dòng họ người Dao để thuyết phục. Ban đầu, điều thầy Siệu nhận về là những ánh mắt ngạc nhiên, những lời từ chối phũ phàng. Không nản chí, thầy Siệu kiên trì thuyết phục, có những trưởng dòng họ, thầy phải gặp 4 - 5 lần. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần thầy nhận được sự đồng tình của các trưởng dòng họ. Từ năm 2003 đến năm 2014, suốt thời gian mở lớp không có học sinh nữ, phải đến năm 2015 mới có nữ học sinh đầu tiên.

Cô bé Tẩn Mẩy Chiệp, 10 tuổi, nhà ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, đã theo học lớp nôm Dao cổ của thầy Siệu được 5 mùa hè. Chiệp bảo, nhờ thầy mà em được học những điều hay, lẽ phải, biết giúp bố mẹ mỗi khi lễ, tết để thêm yêu và trân trọng văn hóa dân tộc mình. Nói rồi, Chiệp đọc cho tôi nghe những vần nôm Dao cổ rất rành mạch: “Đán hành hảo sự, mạc vẫn tiền trình/Dữ nhân phương tiện, tự kỳ phương tiện” (dịch: Việc cứ làm cho tốt, đừng tính chuyện mai sau/Làm lợi cho người, mình khắc có lợi).

Vừa làm thầy, vừa làm cha

Lớp học của thầy Siệu không chỉ có học sinh trên địa bàn thị xã Sa Pa, mà còn có cả những huyện khác trong tỉnh, vào dịp tết Nguyên đán, có thêm những học trò đến từ một số tỉnh lân cận. Mỗi năm, lớp học chỉ diễn ra trong thời gian nghỉ hè và nghỉ Tết. Vào dịp Tết, học sinh các nơi kéo về lớp học rất đông, bởi đồng bào Dao quan niệm, ngày Tết, tổ tiên cũng được nghỉ và sẽ về chứng kiến việc con cháu học hành chăm chỉ tiếp nối truyền thống dân tộc và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Thời gian truyền dạy thường kéo dài 30 - 45 ngày liên tục nên các trò nhà xa sẽ ở lại cùng gia đình thầy. Vì thế, ngoài những giờ lên lớp với vai trò người thầy, ông còn gánh trọng trách làm cha, chăm sóc các con từ bữa ăn, giấc ngủ đến những ngày trái gió trở trời, dạy học trò đạo lý, kỹ năng như việc chăm sóc bản thân, nấu ăn, giặt đồ…

Vừa kết thúc năm học 2021 - 2022, em Lý San Mẩy, thôn Lâm Sinh, xã Liêm Phú được bố mẹ đưa đến lớp học chữ nôm Dao của thầy Siệu. Cô bé thôn quê 14 tuổi lần đầu xa nhà đến sống tập trung tại môi trường hoàn toàn mới khiến Mẩy không ít lần nhớ nhà khóc đòi về. Những lúc như thế, thầy gọi tất cả các bạn đến rồi ngồi quây quần kể chuyện vui. “Thầy Siệu dạy: Các con phải tập để trưởng thành, bố mẹ đã gửi đến lớp là mong các con học hành chu đáo. Nếu không học văn hóa truyền thống, sẽ không biết được những đạo lý tốt đẹp, sẽ trở thành những kẻ bạo cường, không giúp được gì cho quốc gia, dân tộc, gia đình. Nhờ những lời khuyên bảo của thầy, giờ em không khóc mỗi khi nhớ nhà”, Lý San Mẩy kể.

Giữ văn hóa truyền thống

Ngay từ khi còn trẻ, thầy Siệu đã luôn trăn trở làm thế nào để bảo tồn, giữ gìn chữ viết cổ, phong tục, tập quán của người Dao. Để thực hiện điều đó, thầy kỳ công chép các câu dân ca bằng chữ viết cổ và dịch sang tiếng phổ thông, việc làm này kéo dài suốt từ năm 1981 đến nay. Tiêu biểu như cuốn sách “Thông sâu” do thầy Siệu biên tập nói về tri thức dân gian, phong tục trong ma chay, cưới hỏi, xem ngày tốt, ngày xấu...; hoặc cuốn “Nghi lễ cấp sắc” ghi lại các nghi lễ và các điều cấm kỵ, giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu và giới thiệu văn hóa đồng bào Dao.

Không chỉ dạy học, viết sách, thầy Siệu còn nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ các thầy chữ nho khác, cung cấp giáo trình dạy học để họ cùng lưu giữ, bảo tồn chữ viết cổ và phong tục, tập quán của người Dao. Thầy tâm sự: Khi còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục duy trì các lớp truyền dạy chữ viết Dao cổ tại địa phương, mở rộng các lớp truyền dạy tại các địa phương khác và nghiên cứu, biên soạn tài liệu về các giá trị văn hóa dân tộc Dao.

Tạm biệt thầy Siệu và những học trò dễ thương, tôi ra về mà bên tai vẫn văng vẳng những câu nôm Dao cổ đậm thanh âm văn hóa truyền thống.

Nội dung: Thu Ngọc

Trình bày: Ngọc Luyến

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357694-thay-sieu