Thấy sum vầy là thấy tết
'Lớn rồi, chẳng thấy tết vui như hồi bé nữa mày ạ!', nhỏ bạn sát nhà gọi lên hỏi thăm tôi bao giờ về? Rồi kể lể dưới quê mình bây giờ đang chuẩn bị tết ra sao. Nó còn nói: 'Năm nay khó khăn lắm, đã thế tết đến lại phải lo đủ thứ. Áp lực chồng áp lực'.
Tôi mỉm cười!
Thiệt ra, tết vẫn như thế mà. Vẫn là bánh chưng, bánh tét, là hoa mai, hoa đào, là câu đối đỏ, là họp mặt, là đoàn viên. Mùi vị của tết vẫn như thế, mùi không biết tả nhưng chẳng lẫn vào đâu được, cứ gây thương, gây nhớ, cứ ray rứt lòng người.
Tôi nhớ cái Tết năm 2013, là cái tết đầu tiên nhà vắng cha, không khí trong gia đình năm ấy khác lắm. Trên bàn thờ tổ tiên được đặt thêm một di ảnh, kê thêm một lư hương, nhang khói năm ấy cũng nghi ngút hơn…
Cha là con cả trong đại gia đình rất đông anh chị em nên từ lúc ông bà mất, năm nào cô chú cùng các cháu cũng ùn ùn kéo vào nhà tôi sáng Mùng Một để chúc cả nhà một năm mới sung túc, sức khỏe và bình an. Tết năm đó cũng thế, chỉ có điều trước khi ngồi xuống mâm cỗ, mọi người thay nhau thắp nén hương lên bàn thờ. Ngồi tiếp đón cô chú năm ấy chỉ có mẹ, bên cạnh là ghế cha từng ngồi đã trống chỗ lạnh băng.
Rồi tôi lại nhớ cái Tết năm 2021, năm ấy ba mẹ chồng cho phép vợ chồng tôi đón Giao thừa ở nhà mẹ đẻ. Tôi biết ơn và thấy may mắn lắm vì có ba mẹ chồng tâm lý. Có lúc đã nghĩ, biết đâu trong một kiếp nào đó, ba mẹ chồng đã từng là ba mẹ đẻ của tôi nên đã yêu thương tôi nhiều như vậy.
Tôi háo hức cảnh sum vầy để cùng quây quần đón Giao thừa bên mẹ, anh chị và các cháu là thế! Nhưng năm ấy lại vắng mặt anh ba tôi.
Năm đó, anh phải đi làm ở bên Dubai không về được. Tết ai chẳng muốn đoàn viên, nhưng cũng vì mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Chiều 29 Tết, chị chở cháu lúc ấy mới hơn 3 tuổi về. Cả nhà biết ý nên cũng cố gắng để không khiến chị tủi thân. Cố gắng là thế nhưng sao mà tránh khỏi những lúc mắt rơm rớm nước khi thấy gia đình bác kề cận, khi thấy vợ chồng út cũng đông đủ, nhìn mình thì không thấy chồng đâu.
Muốn gặp nhau, kể lể với nhau cũng chỉ qua màn hình bé xíu của điện thoại. Sáng Mùng Một, nhà cũng rất đông vì có cô chú và các cháu. Mâm cơm ngày tết mọi người cười cười nói nói không ngớt.
Chuông điện thoại reo, là anh ba gọi về.
Anh nói chuyện lần lượt với từng người, rồi mọi người quay cảnh nâng rượu chúc Xuân cho anh thấy. Tôi lén nhìn sang chị, thấy chị buồn! Ở Dubai, chắc anh cũng buồn. Biết đâu khi dập máy mắt anh cũng nhòe ướt. Ai nói đàn ông khóc là yếu đuối, tôi nghĩ đàn ông khóc thật đáng thương, vì họ không dễ dàng rơi nước mắt. Nhưng nước mắt rơi vì nhớ nhà, vì thương vợ xót con có gì đâu đáng phải xấu hổ.
Sáng Mùng 2 Tết năm đó, cả nhà anh lớn đèo nhau đi vào ngoại chúc tết, tôi và chồng cũng chuẩn bị hành lý về bên nội. Còn mỗi chị với cháu ở nhà với mẹ. Sau này nghe mẹ kể, thấy gia đình anh chị sum tụ chở nhau đi, vợ chồng con cũng đi, chị rụt rè vào xin mẹ cho chị về bên ngoại sớm. Chị khóc! Mẹ cũng chẳng cầm lòng được.
Sau đợt đó, chị nói không bao giờ cho anh đi nữa, có làm nhiều tiền hơn ở Việt Nam như thế nào cũng không cho đi nữa. Thiếu một chút thì ăn ít đi chút, ít tiền hơn thì mua sắm ít hơn. Liệu cơm gắp mắm. Còn tết mà trống vắng như năm ấy thì thôi chẳng tiền bạc nào đắp cho vừa.
...Tôi nói với bạn: “Tết vẫn vậy mày ạ, tao không níu áo mẹ nữa nhưng vẫn háo hức một phong bao lì xì, vẫn thích thú lau dọn nhà cửa dù mệt, vẫn thích hít hà mùi nhang thơm trên bàn thờ, vẫn rộn ràng khi nghe nhạc Xuân vang lên khắp xóm. Tết vẫn vậy, chỉ là vì mình đã lớn và mình có nhiều trách nhiệm, nhiều mối bận tâm. Nhưng mày may mắn vì vẫn còn đủ cha lẫn mẹ, vẫn được ở gần anh chị em. Thiệt ra, đi xa rồi mới thấy mới thấm thía hai chữ sum vầy. Tết trong tao đơn giản lắm! Ở đâu có sum vầy và đong đầy tình yêu thương là ở đó có tết".
NGUYỄN THỊ THÚY VÂN
Dĩ An, Bình Dương
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thay-sum-vay-la-thay-tet-post726975.html