Thầy thật, thầy giả
Một cuộc khảo sát gần đây của công ty phân tích dữ liệu Gallup cho thấy có khoảng 58% người Mỹ tin rằng ma quỷ có thực và 44% tin rằng ma quỷ có thể nhập vào người. Đặt sang một bên câu hỏi vì sao lại có nhiều người sống ở một nước tiên tiến lại tin vào ma quỷ, hiện thực đang cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ tin vào việc nhờ cậy các chức sắc tôn giáo làm lễ trừ tà, và điều này chỉ đang tạo thêm cơ hội cho những kẻ lừa đảo.
Bị quỷ nhập
Cô Louisa Muskovits là một trong nhiều người Mỹ từng bị ma quỷ nhập vào. Bác sỹ tâm lý Amy Harp, người từng điều trị cho Louisa và chứng kiến lại sự việc, kể lại: “Vào khoảng tháng 3/2016, cô ấy đang ngồi trị liệu với tôi thì bất ngờ thở dốc rồi khuôn mặt tím tái. Ban đầu tôi cứ ngỡ rằng cô ấy đang bị hoảng loạn đến mức thất thần nên vội đi gọi y tá tới, nhưng khi chúng tôi quay trở lại văn phòng thì Louisa đã thay đổi hoàn toàn. Cô ấy vừa la hét vừa rứt tóc trên đầu, rồi nhảy loạn xạ khắp phòng trong tư thế chẳng tự nhiên chút nào. Tôi nghe thấy cô ấy rít lên linh tinh gì đó về quỷ và Chúa, rồi còn bảo là “Sẽ chẳng có ai cứu được Louisa”. Nhưng rồi có những giây mà Louisa tạm tỉnh lại, lúc đó thì cô ấy khẩn khoản bảo tôi đọc ngay mấy đoạn Kinh Thánh”.
Bác sỹ Amy làm đúng theo lời của Louisa và kỳ lạ làm sao, người bệnh nhân bắt đầu trở lại bình thường. Thế rồi cô nôn thốc tháo vào thùng rác và phải ngồi xuống bên chân tường. Louisa khi đấy thật sự yếu ớt nhưng đã trở lại làm chủ được mình.
Những trường hợp như của cô Louisa Muskovits không có gì lạ với cha xứ Vincent Lampert, “chuyên gia trừ tà” của tổng giáo phận Indianapolis (bang Indiana). Ông cho biết: “Hằng tuần tôi nhận được khoảng hai, ba chục cuộc gọi hay email từ con chiên yêu cầu nhà thờ phái giám mục đi làm lễ rửa trừ tà cho họ. Tôi tính tổng ra được 1.700 cuộc gọi và email mỗi năm. Nếu không có các tình nguyện viên giúp đỡ thì tôi không thể tự mình giải quyết hết tất cả những cuộc gọi được”.
Tòa Thánh Vatican trong vòng nhiều năm gần đây đã tăng cường huấn luyện các cha xứ chuyên đi “đuổi quỷ”. Giám mục Gary Thomas ở bang California là một trong những người như vậy. Câu chuyện của Gary thậm chí còn trở thành tư liệu cho tiểu thuyết “The Rite” và chuyển thể ra bộ phim cùng tên. Ông giải thích: “Vào năm 2011 khi phim “The Rite” ra rạp, ở trên cả nước Mỹ mới có 14 cha xứ được huấn luyện trừ tà bài bản. Ngày nay con số này đã lên đến hơn 100. Vậy nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Chúng tôi xử lý yêu cầu của con chiên mà còn bận hơn nghệ sĩ “chạy sô” vậy”.
Các tiến bộ khoa học vượt bậc thời cận đại khiến dân chúng phương Tây dần dần bớt tin vào ma quỷ. Vậy mà từ gần một thế kỷ trở lại đây, dân Mỹ lại quay trở lại với những niềm mê tín cũ. Giáo hội Công giáo Roma bị đặt trước câu hỏi phải làm gì trước xu thế này? Câu trả lời họ đưa ra là: “Luôn phải nghi ngờ”.
Cha Vincent Lampert giải thích: “Câu hỏi đầu tiên mà tôi đặt ra cho những người đi tìm mình để trừ tà là: “Thế anh đã đi khám bác sỹ tâm lý chưa?”. Nhiều người có cử chỉ, hành động bất thường thực ra chỉ bị mắc bệnh hoang tưởng hoặc chứng rối loạn đa nhân cách. Sau khi họ đưa ra được hồ sơ bệnh án thì tôi mới xem xét liệu quỷ sứ đã thực sự nhập vào họ hay chưa... Một số dấu hiệu được nhà thờ cho rằng là do quỷ nhập gồm có: Người nói bằng một thứ tiếng mà không biết, biết được chi tiết những việc xảy ra trước khi họ sinh ra, khỏe đến mức bất thường, và mỗi khi nhìn thấy cây thánh giá hay chạm vào nước thánh là có hành vi cuồng nộ”.
Nhằm bảo đảm sức khỏe của con chiên và uy tín của nhà thờ, các cha xứ Công Giáo được huấn luyện rằng phải tính đến mọi khả năng trước khi nghĩ đến việc trừ tà. Vì vậy mà ngay cả vị giáo chức có kinh nghiệm nhất cũng chỉ từng làm lễ đuổi quỷ cho sáu, bảy người. Không phải con chiên nào cũng thích cách xử lý thận trọng của các vị linh mục, và đây chính là cơ hội để những ông “thầy giả” nhảy vào.
Những ông thầy “trời ơi đất hỡi”
Ở thành phố Phoenix, bang Arizona ai cũng biết đến mục sư Bob Larson. Ông là lãnh đạo của một giáo đoàn độc lập tên Spiritual Freedom, nhưng người dân biết đến Larson nhiều hơn với tư cách một thầy trừ tà. Thời còn trẻ đức cha hay thuyết giáo rằng nhạc rock là thứ “nhạc của quỷ”, ai nghe rock là sẽ bị quỷ nhập. Thế rồi vào thập niên 1980, Larson bắt đầu “trình diễn” những nghi lễ đuổi quỷ ngay trên sóng truyền hình. Bây giờ vị mục sư chủ yếu chỉ dẫn chương trình phát thanh trên sóng radio địa phương, còn việc đuổi quỷ chủ yếu do người con gái Brynne Larson của ông thực hiện.
Brynne Larson trả lời phóng viên đài truyền hình CBS: “Chúng ta đang hằng ngày sống trên chiến trường mà không biết... Quỷ Satan căm ghét chúng ta, nhưng chúng ta biết hắn là ai, biết hắn muốn làm hại ai, và biết phải làm gì để đẩy lui hắn”. Còn theo lời mục sư Bob Larson thì: “Khoảng 50% dân số Mỹ đang chịu ảnh hưởng của quỷ dữ”.
Một buổi lễ trừ tà được tổ chức bởi Brynne Larson và một vài người phụ nữ khác là “học trò” của cha cô. Họ rắc nước thánh lên người nạn nhân trong khi chủ tế quỳ xuống mà đọc Kinh Thánh. Sau khi đọc kinh xong, chủ tế hét gọi con quỷ và yêu cầu hắn phải tuân theo một số quy định nhất định như “Phải đọc tên khi được gọi” hay “Phải rời khỏi người nạn nhân khi được yêu cầu”. Theo đức tin của người theo đạo Thiên Chúa thì kể cả quỷ dữ cũng phải nghe theo lệnh Chúa được người làm lễ truyền đạt lại.
Ngay từ khi Brynne Larson còn đang học cấp 3, cô đã đi theo phụ giúp cha mình làm lễ đuổi quỷ. Họ thậm chí còn từng đến Ukraine vào năm 2013 rồi đi khắp các ngôi làng khác nhau để trừ tà miễn phí. Những người đồng hương của cha xứ Larson thì không được hưởng cái sự “lương thiện” đấy. Mỗi buổi lễ trừ tà ông ta thu 250 USD, chưa kể khoản chủ nhà “tùy tâm đóng góp”. Đấy là làm lễ trực tiếp, còn đuổi quỷ qua Skype hay Zoom thì mức phí là 295 USD. Chưa hết, Bob Larson còn sẵn sàng mở các lớp học dạy trừ tà. Một tờ báo địa phương từng đặt cho vị mục sư câu hỏi liệu ông có quyền tấn phong người khác trở thành giáo sĩ không, trong khi giáo đoàn của ông ta không liên quan đến bất kỳ thể chế tôn giáo nào như Tòa Thánh Vatican. Larson đã không trả lời được câu hỏi và thay vì thế chỉ tìm cách lẩn tránh nó.
Những trường hợp “thầy trừ tà” hoạt động tự do ở Mỹ không phải là hiếm, thậm chí còn diễn ra với quy mô lớn ở ngay giữa ban ngày. Tại nhà thờ Đức mẹ Guadalupe, bang California có một vị tu sỹ tên Miguel đã làm việc trừ tà hơn 15 năm. Ông không bao giờ đến nhà bệnh nhân làm lễ mà chỉ làm ở nhà thờ, kết hợp luôn với những buổi cầu nguyện ngày cuối tuần. Một buổi lễ mất khoảng ba tiếng rưỡi và gồm có việc các con chiên đọc kinh, hát thánh ca và cầu nguyện bài thần chú đuổi quỷ. Trong khi đó người nhà bệnh nhân đem dâng lên bàn thờ Chúa lễ vật gồm có chai nước, muối, dầu oliu và nến. Những thứ này được bán ngay ở ngoài cửa nhà thờ.
Những con chiên đi nhà thờ Đức mẹ Guadalupe đã có phen bị sốc khi sự thật về cha xứ Miguel được tiết lộ. Hóa ra ông ta không phải một vị chức sắc được tấn phong. Cách đây nhiều năm “đức cha” Miguel là một sinh viên chủng viện ở trường dòng Seminario Hispano De Santa Maria De Guadalupe, thành phố Mexico. Chẳng biết vì lý gì mà anh sinh viên Miguel bỏ học giữa chừng, đi làm những công việc khác nhau rồi lưu lạc đến Mỹ. Ở đây Miguel đã làm giả giấy tờ và nói dối về thân phận của bản thân để được nhận vào phục vụ tại nhà thờ Đức mẹ Guadalupe, rồi từ đó tiến dần lên chức lãnh đạo. Ngay cả những buổi lễ trừ tà cũng do ông ta tự “sáng tác” từ những thứ chắp nhặt được trong sách vở và phương tiện truyền thông.
Kiểu cầu nguyện tập thể để đuổi quỷ như cách “cha xứ” Migue làm được gọi chung là “nghi lễ giải thoát”. Kiểu nghi lễ này khá phổ biến ở các nước Trung và Nam Mỹ, nơi mà Thiên Chúa giáo có sự giao thoa nhất định với các tín ngưỡng, nghi lễ địa phương. Từ hơn nửa thế kỷ trở lại đây, nghi lễ giải thoát theo chân các cộng đồng người di cư đi vào Mỹ, và bây giờ ngay cả những giáo đoàn gồm chủ yếu là người da trắng cũng thực hiện nó. Một ví dụ điển hình là giáo đoàn độc lập Hardcore Christianity ở Phoenix, bang Arizona. Người lãnh đạo Hardcore Christianity là linh mục Mike Smith, tuy nhiên Mike không nhận mình là cha xứ và thích được mọi người gọi là “đàn anh” hơn.
Những người chủ trì nghi lễ giải thoát như Smith tin rằng nghèo đói, bệnh tật, tệ nạn, v.v... hay thậm chí ngay cả quỷ nhập cũng là do đức tin vào Chúa của nạn nhân quá yếu. Khi họ tham gia buổi lễ giải thoát, đức tin của họ sẽ được củng cố, thế là bất hạnh cũng tự biến mất. Mike Smith không bao giờ lấy tiền của người đi lễ mà chỉ yêu cầu họ mang sẵn một cái xô để đề phòng trường hợp nôn mửa.
Mỗi buổi lễ bắt đầu với việc các tín đồ ngồi thành vòng tròn để nghe “đàn anh” Smith thuyết giảng. Smith liệt kê đủ thứ vấn đề mà anh cho là có nguồn gốc từ đức tin, từ một số tâm lý tiêu cực như tuyệt vọng, mất lòng tin, hoảng sợ vô lý, v.v... đến bệnh ung thư, nghèo đói, v.v... Người nghe trước hết phải đặt 100% lòng tin vào Smith thì nghi lễ mới có tác dụng.
Vậy khi nào họ biết là có tác dụng? Đó là khi họ cảm thấy người nôn nao. Sẽ có tình nguyện viên đưa tín đồ vào một căn phòng riêng dành cho việc đuổi quỷ. Tình nguyện viên sẽ liên tục đọc thần chú và hét đuổi con quỷ đi. Một số người từng trải qua việc này cho biết họ mất kiểm soát cơ thể và bắt đầu ăn nói linh tinh, sau đó thì nôn thốc tháo vào cái xô mình đem theo trong khi tình nguyện viên kể “tội” của họ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha. Họ nôn xong cũng có nghĩa là đuổi được con quỷ.
Không ai thực sự rõ về tác dụng từ phương pháp đuổi quỷ của Mike Smith. Tại trụ sở của Hardcore Christianity có một chiếc tủ kính đựng hiện vật của những người đã được trừ tà thành công, từ chai rượu rỗng của một người nghiện rượu đến bức ảnh chụp vợ chồng của một người đàn ông từng đi ngoại tình. Vậy nhưng cũng không thiếu những trường hợp hoàn toàn thất bại. Bà Lily Blackwater là một ví dụ. Sau hơn một năm điều trị bệnh ung thư mà không có khả quan, bà Lily bèn cùng chồng là ông Don đi làm lễ ở Hardcore Christianity. Khoảng 5 tháng sau bà Lily mất ở bệnh viện.
Ông Don kể lại: “Mấy ngày trước khi chết cô ấy gặp ai cũng nói là đừng có tìm đến Hardocre Christianity làm gì, họ chỉ toàn là lừa đảo. Thế rồi khi tôi mời được cha xứ ở giáo phận chúng tôi vào bệnh viện để cầu chúc cho Lily, vợ tôi bèn khóc và nói là cô ấy hối hận chuyện bỏ nhà thờ này đi nhà thờ khác lắm”.
Sau khi bà Lily mất, gia đình bà lấy hết nhà cửa, xe cộ, để ông Don sống vất vơ ngoài vỉa hè. Một số người quen biết Don hối thúc ông quay trở lại Hardcore Christianity để tìm sự giúp đỡ, nhưng ông chẳng hề muốn vậy: “Nếu họ quả thật là người của Chúa thì chẳng cần tôi đến, họ cũng đã biết được nỗi đau của tôi và hậu quả của việc họ làm”.
Hoàn cảnh của ông Don Blackwater trái ngược hẳn với sự phồn thịnh của “ngành công nghiệp” trừ tà tại Mỹ. Theo ước tính của tờ New Yorker thì tổng giá trị những hợp đồng xuất bản sách, sản xuất chương trình truyền hình và quảng cáo sản phẩm kèm theo có liên quan đến trừ tà ở Mỹ đã lên đến 220 triệu USD. Con số chưa chính thức về những vị “giáo chức” người Mỹ chuyên về đuổi quỷ rơi vào khoảng 1.440-1.470 người. Chừng nào mà các tư tưởng sai lệch về bệnh tật, nghèo đói, v.v... còn phổ biến ở Mỹ thì những ông thầy “đuổi quỷ” lừa đảo sẽ vẫn có việc làm.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/thay-that-thay-gia-i720399/