Thay thế kịp thời cán bộ, công chức tham nhũng

Yêu cầu trên được Quốc hội đưa ra tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp 8 vừa được thông qua chiều nay (27-11) với sự tán thành của gần như tuyệt đối đại biểu có mặt.

Nêu yêu cầu với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện theo lộ trình việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm trong hệ thống cơ quan nhà nước, làm cơ sở sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách tiền lương.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết

Nghị quyết yêu cầu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, phân loại đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với các nội dung theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, nhất là quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm.

Đặc biệt, theo yêu cầu của Quốc hội, năm 2020 ngành nội vụ thực hiện sơ kết, đánh giá đề án thí điểm thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong công tác cán bộ, xử lý nghiêm các sai phạm, xem xét thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, vi phạm các quy định trong thực thi công vụ, không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Riêng năm 2019, Quốc hội yêu cầu cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục; có phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp và bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức diện dôi dư.

Với lĩnh vực Công thương, Quốc hội yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Ngành công thương cũng được giao hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử, xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Năm 2020, ban hành kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, nghị quyết nêu thời gian cụ thể.

Cũng trong năm 2020, ngành công thương phải hoàn thành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Năm 2021, hoàn thành quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Điện lực, bảo đảm phát triển cân đối nguồn điện giữa các vùng, miền, giữa nguồn và lưới điện.

Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, xử lý những bất cập trong quy hoạch, đầu tư và vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời. Đề xuất cơ chế, giải pháp để sớm đưa vào vận hành các dự án điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 bị chậm tiến độ, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Năm 2020, mở rộng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thí điểm để chủ đầu tư các nhà máy điện gió và điện mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng, tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023.

Trong lĩnh vực thông tin truyền thông, Quốc hội yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Xử lý nghiêm tình trạng trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như cơ quan báo chí; rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về an ninh mạng; chủ động phối hợp, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng dịch vụ, xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin tin xấu, độc, thông tin mạo danh, tin giả...

Ngoài yêu cầu Bộ Thông tin - truyền thông sớm ban hành văn bản quy định về xử lý vấn đề tin giả, về bảo vệ thông tin cá nhân; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm trên không gian mạng, Quốc hội còn giao ngành này khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng.

Thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng truyền thông xã hội trong nước; có chính sách phát triển các doanh nghiệp số Việt Nam... cũng là những nhiệm vụ được Quốc hội đặt ra cho ngành Thông tin truyền thông.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/thay-the-kip-thoi-can-bo-cong-chuc-tham-nhung_83882.html