Thầy Thu

1.Bị chứng tiền đình cấp, tôi phải nhập viện. Ông con trai cao thước bảy tám, dáng đi nhanh nhẹn vững chãi của đương kim cầu thủ đội bóng rổ không chuyên đầu bảng của thành phố hai tay dìu chắc như kìm bên cạnh để đi chụp cắt lớp nhưng tôi vẫn cảm giác như mình đang lò dò trên con thuyền ngược sóng, đầu chỉ chực lao vào tường hành lang.

Minh họa: Linh Chi

Minh họa: Linh Chi

Khi về phòng bệnh, quá chán đời, tôi tự chụp vài kiểu ảnh bằng smartphone, có kèm chú thích bằng câu vè minh họa rồi post lên mạng. Khoảng nửa giờ sau, có một bệnh nhân đi vào phòng, một bên chân giả phát ra những tiếng lộc cộc. Tôi vịn tay ngồi dậy, vì nhận ra thầy hiệu trưởng của tôi ở quê, vội chào hỏi: “Ôi, thầy Thu! Thầy ra chữa bệnh từ bao giờ thế ạ?”. Thầy Thu: “Ra được nửa tháng rồi!”. Tôi vội tự trách: “Em chẳng được tin gì cả! Thế là thầy lại phải đến thăm trò trước rồi”. Thầy Thu cười: “Cậu đừng phải băn khoăn nữa, đều là bệnh nhân cả nhưng người bệnh nhẹ đến thăm người nặng thì cũng đúng chứ sao? Du bị tiền đình à? Đọc mấy câu trên mạng của cậu, xem ra đang buồn nản lắm thì phải?”. “Vâng ạ, đang bao việc, mà cái bệnh này nó quá là nhiêu khê!”. Thầy Thu: “Ờ! Nhưng bị bệnh gì mà chẳng nhiêu khê, đành phải cố mà chữa cho chóng khỏi thôi!”.

Câu nói của thầy Thu khiến tôi như người sực tỉnh. Cũng đã lâu không gặp thầy, tôi gượng bệnh mời thầy cùng ra ngoài, trò chuyện cho thoáng. Thầy nhìn tôi, cái nhìn bao quát rất nhanh rồi đồng ý.

2. Vào đầu năm học, lớp cuối phổ thông, cùng một lúc tôi gặp liền hai số hên. Thứ nhất, tôi được tuyển từ huyện về tỉnh, học ở một trường chuyên, mô hình đào tạo theo chất lượng cao, theo cách lựa chọn bồi dưỡng năng khiếu; và thứ hai, tôi có ông chú ruột, cán bộ xây dựng của xí nghiệp dược phẩm cấp tỉnh mới thành lập. Chỗ xây dựng rất rộng rãi có nhiều việc làm cho lao động phổ thông như san nền, đào móng, chuyển vật liệu để làm một loạt nhà dạng bán kiên cố. Tôi thành một kiểu học sinh vừa học vừa làm, có tháng kiếm được bộn tiền hơn cả suất lương cấp trưởng phòng của ông chú. Nhân đó, tôi kéo thêm mấy đứa bạn cùng cảnh xa quê ăn nhờ ở đậu như mình, tất cả gồm bảy suất, trong đó có hai bạn nữ là Như Thoa và Yến, vào làm công sau giờ học hoặc ngày nghỉ.

Vào một sáng chủ nhật nắng đẹp, bốc xong ba ô tô tải gạch từ Bến Ngưng về xí nghiệp, mỗi đứa chúng tôi được chia đến mười ngàn đồng (mười ngàn đồng hồi đó rất có giá, có thể mua được một cái quần Jean, made in Thai Lan ở chợ tỉnh), ngoài ra số tiền dư được đưa vào quỹ chung. Như Thoa đề xuất đi liên hoan bánh khoái ở phố ăn Chí Thành nổi tiếng, sau đó đi xem phim Biệt động Sài Gòn, tập 3 đang rất hay.

Như Thoa vừa nói xong, tôi gạt đi ngay: “Liên hoan bánh khoái thì được, chứ kéo nhau đi xem phim, bà Thúy Ngạnh và quân của bà ấy trông thấy thì sao? Tớ nói toi là vì ý ấy”. Mọi người lặng đi. Sau đó bạn Như Thoa lại nói: “Kệ bà ấy, tớ nghĩ ra cách rồi”. “Cách gì?”, tôi hỏi. Như Thoa cười tủm, tự tin đáp: “Cách sẽ an toàn tuyệt đối, nói ra trước, sợ chột, ăn bánh khoái mất ngon! Nào, đói rồi, đi thôi!”.

Thế là ba cái xe đạp nhằm hướng chợ tỉnh… hành quân. Tôi ngồi sau xe của cậu Va, mắt luôn quan sát và đầu nghĩ đến bà Thúy Ngạnh.

Lớp trưởng chúng tôi là chị Thúy Ngạnh lớn hơn chúng tôi vài tuổi nên cả lớp đều gọi là bà Thúy Ngạnh.

Ngay từ hôm mới bước vào học lớp chuyên, tôi đã nghe nói, chị Thúy Ngạnh là con gái đầu một ông giám đốc sở của tỉnh. Chị Thúy Ngạnh đảm đang tháo vát nhưng tính tình quá nghiêm nghị và học lực kém, kiến thức chắp vá, nhất là các môn tự nhiên.

Chẳng hề giấu dốt, chị luôn tự thú, chỉ mong thi được cái bằng tốt nghiệp cấp 3 là thỏa chí, là sẽ xin đi làm văn thư cho một cơ quan, xí nghiệp nào đó trong thành phố để được ở cùng cha mẹ.

Bù lại những bất cập về lực học, chị xây dựng lớp, xây dựng chi đoàn thành một tập thể quy củ nhất nhì trường… Trong lớp, các bạn trai gái nào tỏ ý thích nhau là chị gặp trực tiếp răn đe cảnh cáo, cấm ngay. Có hai bạn bí mật rủ nhau đi xem phim, chị đến rạp, phục bắt quả tang rồi gặp phụ huynh đôi bên kịp thời chặn đứng.

Tôi đang nghĩ về chị Thúy Ngạnh và cảnh giác nhìn quanh thì hai bạn nữ tụt lại, Yến nói với năm đứa con trai chúng tôi: “Để tiết kiệm lấy tiền ăn kem trước buổi xem phim, không đi bánh khoái nữa mà vào nhà cái Hằng làm món bún riêu cua, rẻ, mà ngon chẳng thua gì bánh khoái”. Chúng tôi đang ngần ngại chuyện phiền hà ở tư gia bạn Hằng thì Yến nói tiếp: “Bố mẹ bạn Hằng về quê đám cưới, mai mới lên”. Thế là cả bọn rẽ vào nhà Hằng gần đó. Hằng đang học nhóm với hai bạn nữ khác. Khi nghe mục đích chuyến viếng thăm của đám khách không mời, Hằng reo lên như bắt được báu vật, nhất là cái khoản đi xem tập 3, bộ phim Biệt động Sài Gòn.

Năm cô gái, kẻ đi chợ, kẻ sắp bún, giã cua, người làm nước chấm; năm chàng trai, người nhặt rau, người sắp hàng chờ sai vặt… chỉ mất chừng hơn tiếng đồng hồ, một tiệc bún riêu cua đã được bày biện trông ngon đến hút con mắt.

“Ngon hơn bánh khoái chợ tỉnh và tiết kiệm được nửa số tiền quỹ chung”, đó là nhận xét của Như Thoa khi rổ bún hết veo. “Nhân sự” đi xem phim được bổ sung thêm ba bạn nữ và hai xe đạp, thế là thành năm đôi nhưng với tinh thần cảnh giác “bà” Thúy Ngạnh, là thủ lĩnh, tôi vẫn phải yêu cầu, nữ đèo nữ, nam đèo nam, đi riêng từng cặp.

Không có “tai mắt” nào bắt gặp bọn tôi cả nhưng khi đến rạp thì hết vé, vì là ngày chủ nhật, phim hót, người ta đặt vé mua tập thể cho cả cơ quan đi xem.

Cả bọn tiu nghỉu, đi ăn kem để giải sầu nhưng rồi bạn Như Thoa bỗng mách, ở nhà văn hóa Hoa Tùng cách trung tâm thành phố bốn cây số đang có đợt chiếu phim tư liệu rất hay bằng băng video, ngồi salon, máy lạnh. Đó là phương án dự phòng bây giờ Thoa mới bật mí.

Đến nơi, phòng chiếu đã đông nghịt. Chúng tôi được lùa vào luôn với tiền thu trực tiếp, mỗi người một ngàn đồng. Không có salon, máy lạnh gì cả mà ngồi ghế băng sít sìn sịt nhưng bộ phim Cuốn theo chiều gió đang chiếu rất hay. Phim hết, chờ cho mọi người ra thật vãn cả nhóm mới rời phòng chiếu. Như Thoa bám lấy một bên cánh tay tôi, đi một cách hồn nhiên. Các bạn nữ khác cũng thể hiện giống như cô (chắc là vừa học được cách thân mật và tự tin của người Tây trong bộ phim vừa xem xong).

Nhưng khi ra đến giữa sân phòng chiếu thì hỡi ơi, bà Thúy Ngạnh cùng bố mẹ các bạn gái đã đón sẵn với ánh mắt nghiêm khắc cùng những cái lắc đầu…

Sự vụ này không còn là việc của nội bộ lớp nữa mà là chuyện của trường vì phụ huynh học sinh đã có đơn đến ban giám hiệu.

Hiệu bộ và đoàn trường chỉ đạo cho lớp và chi đoàn họp kiểm điểm, truy tìm kẻ đầu têu. Thầy Tiến chủ nhiệm giao cho lớp trưởng Thúy Ngạnh họp xử lý. Họp một buổi không xong, họp tiếp buổi thứ hai cho đến khi tôi liều mình tự nhận là tên đầu têu mới thôi. Sau họp một hôm, chị Thúy Ngạnh gặp riêng nhóm chúng tôi. Với chất giọng vùng biển nằng nặng và nghiêm khắc, chị nhìn thẳng vào mặt tôi, nói: “Vụ việc này đã ngoài tầm tay của lớp rồi. Biên bản đã được trình lên thầy hiệu trưởng rồi! Trước mắt, dù bị triệu tập đến cấp nào thì cậu Du đầu têu và các cậu đừng có ngoan cố chống chế với hội đồng nhà trường làm gì. Phải thành thật khai báo cho rõ động cơ, phải biết nhận ra lỗi lầm ăn chơi vô lối ở tuổi học trò, nếu không thì công sức học hành lâu này là vô ích, đổ sông đổ bể hết. Các cậu đã làm hại phong trào chung quá thể; học kỳ này chắc chắn lớp mình sẽ đội sổ toàn trường!”. Nói xong, chị Thúy Ngạnh bỏ đi. Lũ bạn mặt tái mét cả lượt cũng bỏ đi.

Tôi ngồi một mình, nhớ lại cảnh mẹ san đôi số gạo của cả nhà trong tháng, đong vào cái ruột tượng cho tôi đi học trường tỉnh hồi đầu năm mà bật khóc…

Đang khi ấy thì thầy Tiến chủ nhiệm đi tới, bảo, tôi là thủ lĩnh thì phải dám làm dám chịu, thử liều xin gặp thầy hiệu trưởng, thành khẩn nhận hết mọi lỗi lầm xem có hy vọng gì không? Nói thế rồi, thầy dặn thêm: “Thầy Thu nghiêm và rất tinh đời. Dối trá thì đừng hòng mà qua được mắt thầy ấy!”.

Nghe lời thầy Tiến, rồi trong đầu dù đang rối như canh hẹ, tôi bỗng nghĩ ra một kế, thực ra chỉ là lời nói dối. Nhưng biết làm sao được, tôi quyết phải thoát được đại nạn này.

Ôm một bầu “huyết liều”, tôi xông vào phòng thầy hiệu trưởng Lê Vũ Thu mà không biết thời gian lúc đó là mười hai giờ trưa.

Tôi sững người vì thấy thầy Thu đang nằm nghỉ trên cái ghế dài, bên cạnh là một chiếc chân giả bị tháo ra, có cái vòng đai da to sà xuống.

Thầy Thu chống tay ngồi dậy, không trách cứ gì việc tôi đường đột vào phòng. Thầy cẩn thận cho phần cái ống chân thương binh cụt đến gần gối vào ống chân giả và hỏi: “Du, 12B phải không? Tôi đang muốn nghe cậu đây!”. Thầy chỉ chỗ cho tôi và ngồi vào ghế sau bàn làm việc.

Tôi thưa lại với thầy sự việc mà tôi tự nhận mình là kẻ đầu têu, sau đó tôi thêm vào lời nói dối, cái kế mới nghĩ ra cách đó ít phút, rằng ở núi Hoa Tùng có đền thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật là vị tướng văn võ song toàn thời Trần, chúng tôi đi thắp hương cho ngài để cầu xin may mắn cho kỳ thi tốt nghiệp, tiện thể thấy có quảng cáo phim tư liệu thì vào xem… “Còn gì nữa không?”, thầy Thu ngắt lời tôi, hỏi. “Dạ thưa thầy, em là đứa đầu têu mọi sự, thầy kỷ luật mức nào em cũng xin chịu nhưng đừng đuổi học em. Cả làng em, chỉ mỗi em học trường chuyên của thầy”. Tôi ngọng ngiụ không nói tiếp được nữa.

“Hết chưa?”

Tôi vội nói: “Thưa thầy! Các bạn nữ là Như Thoa, Yến, Hằng và các bạn khác đều nghe em rủ rê mà bị mắc lỗi. Em xin thầy tha cho các bạn ấy. Mọi người cũng hoàn cảnh lắm thầy ạ!”.

Thầy Thu hỏi tiếp: “Đến đền thờ ngài Chiêu Văn vương có thấy chữ gì không?”.

Vì nói dối nên tôi cứng lưỡi.

Thầy hiệu trưởng vẫn hỏi tiếp: “Chữ THẦN trong đền to thế, sao không nhìn thấy?”.

Đường cùng, tôi càng thêm cứng lưỡi, đến muốn ú ớ cũng không thể ú ớ được.

Bỗng thầy Thu độ lượng nói: “Đây là lần đầu và cũng là lần cuối cùng đấy nhé, tôi đã điều tra kỹ, thấy có yếu tố lãng mạn tuổi học trò nên mới tha cho lũ các cậu! Về học bài cho nghiêm túc vào! Sắp thi cử đến nơi rồi”.

Tôi thở phào, vội vàng khúm núm chào thầy hiệu trưởng rồi thay đổi bộ mặt đang vàng như nghệ, hoan hỉ đi ra.…

3. Hai năm sau, tôi gặp lại thầy Thu ở Campuchia. Thầy trong đoàn chuyên gia sang giúp nước bạn về giáo dục đào tạo, tôi lính chiến làm nghĩa vụ quốc tế bảo vệ Nhân dân nước này khỏi nạn diệt chủng. Thầy trò mừng vui khôn tả. Khi tôi nhắc lại chuyện cũ và thú nhận, tôi đã nói dối việc vào đền Chiêu Văn vương xin chữ, cầu vượt vũ môn, thầy Thu tủm tỉm cười bảo, thầy biết nhưng thấy chẳng phương hại đến ai nên không để bụng. Thầy làm quản lý ở một ngôi trường, nơi tập hợp, rèn đúc những năng khiếu mới chớm nở, luôn phải giải quyết không biết bao là vụ việc chí quái, chí dị từ lũ học trò thông minh nên thầy hiểu, cuộc phiêu lưu rủ nhau từng đôi đi xem phim tư liệu của chúng tôi cũng là một thứ quái quỷ nhưng với tuổi mới lớn đầy lơ ngơ lãng mạn thì có thể thông cảm được. Và cái quan trọng nữa là trong khó khăn đã biết cất cái tinh thần lên để nghĩ kế, kể cả kế nói dối vô hại...

4. Tôi rời mạch hồi cố khi thầy Thu ra hiệu cho tôi cùng ngồi xuống một ghế đá dưới tán cây bóng mát. Tưởng là thầy mỏi chân phải dừng nhưng không, thầy Thu bảo tôi ngồi yên và thả lỏng toàn thân. Lọc cọc bước cái chân giả, thầy vòng ra phía sau ghế đá, dùng mười đầu ngón tay vuốt ngược tóc tôi đều đều, lúc đầu nhè nhẹ, sau, miết vào da đầu mạnh hơn, dày hơn. Thầy dặn, sáng dậy cứ vuốt ngược đều như thế này đúng một trăm lẻ tám cái là cách chữa bệnh tiền đình rất tốt. Tôi vội hỏi: “Thưa thầy, sao lại phải đúng là một trăm lẻ tám ạ?”. “Có lẽ nó ứng với một trăm lẻ tám vị tinh tú đấy! Chữa bệnh dân gian nhiều khi kinh nghiệm lại thành ứng nghiệm, rất diệu kỳ”. Nói thế rồi thầy tiếp tục vuốt tóc cho đứa học trò của mình đến đủ con số một trăm lẻ tám.

Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/thay-thu/28113.htm