Thầy thuốc nơi đảo xa
Làm nhiệm vụ trên các đảo phía Tây Nam, họ xem nơi này là quê hương thứ hai của mình. Vượt qua những khó khăn, cách trở, họ hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và có mặt kịp thời khi bà con nhân dân cần đến.
Họ là những y sĩ đa khoa trong lực lượng hải quân, trên các đảo tiền tiêu.
1. Có vị trí quan trọng về QP-AN, đảo Hòn Khoai được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Đảo này nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau). Trên đảo có Trạm Ra đa 595 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân. Đại úy Nguyễn Văn Quang (SN 1983, quê ở Hà Nội) gắn bó với trạm ra đa này từ năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Quân y 2.
Anh chia sẻ: “Trên đảo có 2 quân y, một thuộc hải quân, một thuộc biên phòng. Chúng tôi phối hợp làm việc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo, đồng thời trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Quân y khám và điều trị những bệnh thông thường, còn những trường hợp nặng thì sau khi chẩn đoán, chúng tôi báo cáo với cấp trên để đưa bộ đội về tuyến sau điều trị”.
16 năm làm nhiệm vụ quân y trên đảo Hòn Khoai, đại úy Nguyễn Văn Quang đã nhiều lần sơ cứu, cấp cứu ngư dân. Anh cho biết: “Ngư dân đi đánh bắt xa bờ. Gặp lúc biển động, thuyền đánh cá của ngư dân cập đảo Hòn Khoai để trú. Nếu bà con ốm đau bệnh tật thì mình xuống thăm khám, cấp thuốc cho bà con”.
Tháng 2/2023, trong lúc đánh cá ngoài biển, một ngư dân bị dây trên thuyền bật vào, làm rách mí mắt phải. Người đàn ông đó được đưa lên đảo Hòn Khoai. Anh Quang đã sơ cứu, khâu 5 mũi trên mí mắt phải và cấp thuốc cho ngư dân này, đồng thời khuyên ông ấy trở về đất liền. Nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ sau khi được xử trí vết thương, sức khỏe ổn định, ngư dân cảm thấy yên tâm, nhận thuốc và lên tàu tiếp tục hành trình đi đánh cá.
Đó là một trong nhiều trường hợp mà đại úy Quang cấp cứu, sơ cứu. Anh chia sẻ: “Ngư dân đi đánh cá, đồng thời tham gia bảo vệ vùng biển của đất nước mình. Giúp được cho bà con, tôi cảm thấy vui”.
Vợ và 2 con của đại úy Nguyễn Văn Quang sống tại Hà Nội, cách Hòn Khoai hàng nghìn cây số. Vợ anh làm kế toán, 2 con (14 tuổi và 12 tuổi) hiểu chuyện nên bảo ban nhau học hành. Mỗi năm anh Quang về thăm vợ con 2 lần. Anh tâm sự: “Ai cũng muốn sống gần vợ con nhưng nhiệm vụ mà. Tôi đóng quân xa, giờ cũng quen rồi. Vợ con cũng động viên tôi yên tâm công tác”.
2. Nằm gần biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia - nơi có nhiều tuyến giao thông quan trọng giữa hai nước, đảo Hòn Đốc (còn gọi là Hòn Tre lớn, thuộc xã đảo Tiên Hải, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) có vị trí chiến lược về QP-AN. Đây là đảo lớn nhất trong 16 đảo thuộc quần đảo Hải Tặc. Từ thế kỷ trước, Hòn Đốc đã được xác định là một trong những đảo vành đai then chốt của hệ thống các tuyến đảo ven bờ trên vùng biển Tây Nam. Trên đảo Hòn Đốc, ở phía Tây vẫn còn cột mốc chủ quyền được xây dựng vào năm 1958 - một bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Tại Trạm Ra đa 625 trên đảo Hòn Đốc, chăm sóc sức khỏe cán bộ chiến sĩ hải quân là nhiệm vụ của thượng úy Nguyễn Văn Muộn.
16 năm trước, sau khi tốt nghiệp y sĩ đa khoa, anh Muộn nhận lệnh đến trạm ra đa này. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ quân y, anh Muộn còn tích cực tham gia cùng Trạm Y tế xã Tiên Hải chăm sóc sức khỏe cho gần 450 hộ dân với hơn 1.700 người, thực hiện tốt Chương trình kết hợp quân - dân y. Mỗi khi người dân đau ốm và cần là anh kịp thời có mặt, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí.
“Lúc trước, trạm y tế chưa có bác sĩ. Trạm nhờ tôi hỗ trợ trong công tác khám chữa bệnh mỗi khi y sĩ đi học; sau này, tôi hỗ trợ trạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19”, anh Muộn cho biết. Có nhiều đóng góp trong Chương trình kết hợp quân - dân y, anh Muộn được địa phương khen thưởng. Giấy khen mới nhất mà anh nhận của UBND xã Tiên Hải là vào năm 2023.
Yêu nghề, thượng úy quân y quê ở Quảng Ninh không ngừng tìm tòi học hỏi và tham gia các khóa đào tạo để nâng cao nghiệp vụ, trong đó có khóa đào tạo cấp cứu diễn ra trong 6 tháng tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Anh Muộn rất quan tâm đến việc kết hợp Đông - Tây y trong điều trị các bệnh thông thường. Anh chăm chút, phát triển vườn thuốc nam của trạm ra đa. Vườn có 8 nhóm thuốc nam, chữa các bệnh xương khớp, hô hấp, thận - tiết niệu, giải độc… “Mình tìm được cây thuốc thì mang về trồng. Trong vườn có trồng cả cây xạ đen, cây an xoa...”, thượng úy quân y khoe.
Nơi đảo xa, anh Muộn có một kỷ niệm khi chữa bệnh cho dân. Người này bị bỏng, da bong ra, mua thuốc về tự điều trị nên sau một tuần, tình trạng càng trầm trọng. Người nhà chạy đến trạm nhờ anh Muộn xuống khám giúp. Anh đã xử trí những chỗ da bị hoại tử và điều trị cho bệnh nhân.
16 năm gắn bó với Hòn Đốc, anh Muộn xem đảo là quê hương thứ hai của mình. Năm 2019, anh kết hôn với một cô gái quê Bến Tre. Họ có một cậu con trai. Vợ con anh đã chuyển ra Hòn Đốc sinh sống.
3. Trong số các đảo trên vùng biển Tây Nam, Nam Du là quần đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Quần đảo này thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Quần đảo Nam Du gồm 21 hòn đảo, trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống, với 2 đơn vị hành chính là xã An Sơn và xã Nam Du.
Trên đảo có Trạm Ra đa 600 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân, là đơn vị mà thượng úy quân y Phạm Văn Cường gắn bó.
Anh Cường sinh năm 1982, quê ở Hải Dương. Yêu thích nghề y, anh ấp ủ ước mơ vào Học viện Quân y nhưng không thành. Sau đó, anh tình nguyện nhập ngũ. Trong quân ngũ, anh vẫn không từ bỏ ước mơ trở thành thầy thuốc. Tốt nghiệp trung cấp quân y, anh nhận nhiệm vụ tại Trạm Ra đa 600.
Anh Cường cho hay: “Trên đảo có người dân sinh sống nên ngoài việc chăm sóc sức khỏe cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, tôi tham gia chăm sóc sức khỏe bà con nhân dân. Mỗi tuần hai buổi, quân y của trạm ra đa phối hợp với Trạm Y tế xã An Sơn thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho bà con trên xã đảo. Đây là hoạt động định kỳ. Ngoài khám và điều trị bệnh, chúng tôi còn tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Giao thông giữa đảo với đất liền không thuận lợi, tàu bè không hoạt động thường xuyên. Có những trường hợp bệnh nặng, phải đưa vào đất liền cấp cứu ngay trong đêm. Khi đó, quân y cùng nhân viên y tế tìm mọi cách để đưa bệnh nhân vào đất liền cấp cứu”.
Năm 2009, con của một thầy giáo ở Trường tiểu học An Sơn bị co giật. Hay tin lúc nửa đêm, anh Cường lập tức đến nơi. Thấy cháu bé bị động kinh, trạm y tế xã lại hết thuốc, anh Cường vội vã quay xe chạy ngược lên trạm ra đa lấy thuốc xuống cấp cứu cháu bé. Sau đó, người nhà thuê một chiếc thuyền đưa bệnh nhi vào đất liền ngay trong đêm khuya. Từ đảo vào đất liền mất 8 tiếng đồng hồ, cháu bé được điều trị kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. “Từ đó, thầy giáo cha cháu bé nhận tôi làm em nuôi”, anh Cường kể.
16 năm làm thầy thuốc hải quân, thượng úy Phạm Văn Cường nói rằng anh rất tự hào và hạnh phúc với nghề.
Nơi đảo xa, công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội được các đơn vị rất quan tâm. Anh em quân y đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, nâng cao chuyên môn, chủ động chăm sóc sức khỏe bộ đội, bảo đảm cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Bên cạnh đó, quân y hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con và tham gia cứu hộ cứu nạn. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của các đơn vị, thực hiện Chương trình kết hợp quân - dân y trên từng địa bàn.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Chính ủy Vùng 5 Hải quân
YÊN LAN
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/89/315293/thay-thuoc-noi-dao-xa.html