Thầy thuốc quân hàm xanh gắn bó với đồng bào vùng biên
BHG - Gắn bó với biên giới gần 20 năm, thiếu tá Văn Trung Kiên – quân y Đồn Biên phòng Tùng Vài (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) luôn xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Không quản ngại khó khăn, anh tận tụy chữa bệnh, giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, góp phần mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào vùng biên.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong quân đội, thiếu tá Văn Trung Kiên (1977) quê ở xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Quân y, năm 2008, anh nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Tùng Vài với vai trò nhân viên quân y. Những ngày đầu công tác, anh thường xuyên cùng đội vận động bám nắm địa bàn, tiếp cận bà con để tuyên truyền kiến thức y tế.

Thiếu tá Văn Trung Kiên khám chữa bệnh cho người dân xã Tùng Vài
Quân y Văn Trung Kiên cho biết: Đầu năm 2008, khi được điều động về nhận công tác ở đồn Biên phòng Tùng Vài, anh thường xuyên đi bám nắm địa bàn cùng với các anh em ở đội vận động. Nhận thức của bà con nhân dân ngày đó còn rất hạn chế, các hủ tục mê tín vẫn còn, ốm đau mời thầy mo về cúng. Nhớ lại thời điểm ban đầu biết bà con không tin và còn ngại khi tiếp xúc với thầy thuốc quân y, anh Kiên chủ động học thêm tiếng của đồng bào từ chính những bệnh nhân khi có điều kiện tiếp xúc. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động tích cực, linh hoạt của anh và đội tuyên truyền, chỉ một thời gian ngắn, nhân dân tại đây đã nâng cao nhận thức, loại bỏ được các hủ tục lậu hậu, cuộc sống dần được nâng cao.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Giàng Thị Sắc (80 tuổi), ở thôn Suối Vui, xã Tùng Vài trong thời tiết mưa rét. Nhắc đến thiếu tá Kiên, bà Sắc phấn khởi cho biết, trước đây, mỗi khi đi lại, bà nhấc từng bước chân rất khó khăn. Nhờ có bộ đội Kiên đến nhà tuyên truyền và chữa trị, mấy ngày qua sức khỏe cũng khá lên, có thể ngồi dậy đi lại được.

Những bệnh nhân ở xa, không có điều kiện, quân y Văn Trung Kiên đến tận nhà thăm khám trực tiếp.
Thiếu tá Kiên chia sẻ: Ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nhất vào năm 2008 tôi vẫn nhớ trong đầu, khi nhận được thông tin ông Vàng Khái Phòng, thôn Pao Mã Phìn, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ bị đau dạ dày rất nguy cấp. Dù lúc ấy trời cũng vào mùa rét, mùa đông và mưa như này tôi đã vội đi tới nhà ông Phòng. Nhưng chỉ đi xe máy vào được 1 đoạn bé còn lại phải tự đi bộ mất 5 tiếng đồng hồ mới vào tới nhà. Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy không bỏ cuộc mà chỉ muốn nhanh chóng đi tới thật nhanh để kịp chữa trị cho bệnh nhân đang nguy kịch.
Suốt gần 20 năm qua, thiếu tá Kiên luôn cần mẫn với công việc, xem mỗi bệnh nhân như người thân trong gia đình. Với anh, nụ cười của người dân sau khi khỏi bệnh chính là động lực lớn nhất. “Mỗi lần thấy bà con khỏe mạnh trở lại, tôi càng có thêm quyết tâm tiếp tục hành trình chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân,” anh bày tỏ.
Thiếu tá Lê Đình Trọng – Chính trị viên Đồn Biên phòng Tùng Vài cho biết: “Thiếu tá Văn Trung Kiên không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn luôn được nhân dân yêu quý bởi sự tận tình, trách nhiệm trong công tác khám chữa bệnh. Anh đã góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng mối quan hệ gắn kết bền chặt giữa tình quân dân nơi biên giới.”
Bằng tấm lòng tận tâm và tinh thần trách nhiệm, thiếu tá Văn Trung Kiên đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng đồng bào biên giới. Anh không chỉ là một người lính, một người thầy thuốc mà còn là một người con của dân bản, góp phần cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị xây dựng, củng cố "thế trận lòng dân" vững chắc trên địa bàn.