Thầy thuốc trẻ ở Bắc Ninh tiên phong chuyển đổi số

7 năm công tác tại tuyến y tế cơ sở, bác sĩ Chu Văn Hoàng đã công tác tại 3 trạm y tế, nhưng Yên Phụ là nơi anh gắn bó lâu nhất. Cũng tại đây, từ cán bộ trẻ mới ra trường, anh trở thành 'trụ cột' chính trong chuyển đổi số (CĐS) của Trạm y tế.

Từ đó, đưa Yên Phụ trở thành một trong những trạm đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào khám chữa bệnh của huyện Yên Phong.

Sinh năm 1991, sau khi tốt nghiệp bác sĩ Học viện Y học cổ truyền Việt Nam năm 2015, Chu Văn Hoàng có hơn 1 năm làm việc tại Hội Đông y tỉnh. Đầu năm 2017, Hoàng chính thức trở thành viên chức của Trạm Y tế xã Yên Trung. Do thực trạng tình hình nhân lực tại các trạm y tế trên địa bàn, Hoàng được luân chuyển đến Trạm Y tế xã Hòa Tiến và sau đó là Trạm Y tế xã Yên Phụ.

Bác sĩ Dương Thị Thanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Phụ cho biết, thời điểm bác sĩ Hoàng về công tác, Trạm đang trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng nên bác sĩ Hoàng được phân công phụ trách chương trình tiêm chủng.

Giai đoạn năm 2017 cũng là năm đầu tiên ngành y tế đẩy mạnh triển khai ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) khi triển khai hàng loạt phần mềm như quản lý thông tin tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT)…

Bác sĩ Chu Văn Hoàng phát huy y học cổ truyền trong hoạt động khám chữa bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bác sĩ Chu Văn Hoàng phát huy y học cổ truyền trong hoạt động khám chữa bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bác sĩ Chu Văn Hoàng chia sẻ, thời điểm đó, dữ liệu trên hệ thống phần mềm tiêm chủng đã có, nhưng thông tin chưa được chuẩn hóa. Việc lập kế hoạch tiêm chủng, mời tiêm, thống kê, trích xuất dữ liệu báo cáo đều được làm thủ công bằng sổ sách.

Qua tìm hiểu, Hoàng được biết nếu sử dụng phần mềm, tất cả các khâu thủ tục hành chính của tiêm chủng đều có thể được làm nhanh chóng, thuận lợi và chính xác trên máy.

Thế nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi thông tin ban đầu phải đầy đủ, chuẩn xác. Vì vậy, Hoàng chủ động tự mày mò, tìm hiểu, bổ sung, chỉnh sửa thêm các thông tin hành chính của bố mẹ trẻ, số điện thoại (thậm chí đến cả thông tin liên lạc của ông, bà), mũi tiêm, số lần tiêm, thông tin tiêm chủng…

Nhờ “chuẩn hóa thông tin gốc”, nên ở việc lập kế hoạch tiêm, thay vì phải mở sổ giấy để rà soát lịch tiêm của từng trẻ thống kê số lượng trẻ cần tiêm vắc xin gì, số lượng bao nhiêu để dự trù vắc xin và vật tư thì chỉ cần thao tác xuất dữ liệu, mọi thông tin được kê đầy đủ.

Hay thay vì phải viết tay giấy mời tiêm cho từng trẻ, bác sĩ chỉ cần thao tác in trên máy. Đặc biệt, khi sử dụng phần mềm, việc thống kê, báo cáo sau buổi tiêm cũng dễ dàng hơn thay vì phải đếm, lọc thủ công với nguy cơ xảy ra sai sót, nhầm lẫn. Đến nay, việc sử dụng ứng dụng phần mềm trong triển khai tiêm chủng được triển khai thường quy tại Trạm, mang lại hiệu quả rất tốt.

Người dân được gửi tin nhắn nhắc lịch tiêm, mũi tiêm, thậm chí khung giờ tiêm ngay trước ngày tiêm nên tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ của Trạm Yên Phụ luôn đạt cao.

Tháng 7/2023, TTYT huyện Yên Phong được Sở Y tế chỉ đạo thí điểm triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) phiên bản 2. Xã Yên Phụ có trên dưới 13.000 dân, trong khi cán bộ trạm chỉ có 8 người, chỉ tiêu yêu cầu đến cuối năm 2023 phải cơ bản hoàn thiện hồ sơ cho người dân.

Trước thực trạng đó, song song với việc thực hiện yêu cầu nhập tay toàn bộ thông tin hành chính, thông tin sức khỏe của từng người dân theo đúng chủ trương, Hoàng tham mưu với Trạm trưởng, lãnh đạo TTYT, lãnh đạo Sở Y tế và đại diện Viettel Bắc Ninh giải pháp tháo gỡ.

Cụ thể, thay vì nhập tay từng thông tin của từng hồ sơ, đề nghị công ty Viettel thiết kế cho phép nhận dữ liệu từ file excel được xuất ra từ các phần mềm có sẵn như: HSSKĐT phiên bản cũ, phần mềm tiêm chủng trẻ em, tiêm chủng covid, thông tin từ căn cước công dân…

Khó khăn nữa khi triển khai HSSKĐT phiên bản 2 là cập nhật thông tin BHYT vì hiện nay, phần lớn thông tin BHYT của người dân đã được thay đổi từ những năm 2017 - 2018. Vì vậy, thay vì đi rà soát từng người, từng hộ gia đình để nhập thông tin thì Hoàng cùng các cán bộ trạm chủ động tự tra trên hệ thống cổng giám định BHYT và website của BHXH Việt Nam để vừa tra, vừa so sánh, đối chiếu và cập nhật, chỉnh sửa lại để thông tin bảo đảm chính xác.

Bác sĩ Thanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Phụ cho biết thêm, trên cơ sở các giải pháp bác sĩ Hoàng đề xuất, Trạm có sự phân công, sắp xếp công việc phù hợp. Hoàng phụ trách những nội dung khó liên quan đến kĩ thuật, hàm, công thức tính…; các cán bộ khác thực hiện tra cứu, nhập thông tin cơ bản.

Nhờ có cách làm việc khoa học, cẩn thận, ứng dụng triệt để những lợi ích mà CNTT mang lại nên Yên Phụ là trạm về đích sớm nhất của huyện Yên Phong trong hoạt động lập HSSKĐT, chứng minh được tính ưu việt của CNTT, giúp giải phóng sức lao động nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Đến nay, giai đoạn 1 cập nhật thông tin hành chính được hoàn thành. Hiện bác sĩ Hoàng cùng đồng nghiệp cập nhật giai đoạn 2 - những thông tin về sức khỏe, mà trước mắt, theo yêu cầu là cập nhật thông tin tình hình bệnh không lây nhiễm của người dân. 4/5 cấu phần gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã được cập nhật xong.

Trạm Y tế Yên Phụ đang tiếp tục triển khai cập nhật cấu phần bệnh tâm thần để hoàn thiện nội dụng này.

Chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ phụ trách chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần Trạm Y tế Yên Phụ cho biết, HSSKĐT phiên bản 2 là ứng dụng mới nên có nhiều nội dung thao tác chưa thành thạo. Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ cập nhật thông tin bệnh nhân tâm thần trên địa bàn vào HSSKĐT, chị được bác sĩ Hoàng trực tiếp chỉ dẫn từng thao tác, cách vào tài khoản, tìm kiếm, cập nhập thông tin… vừa nhanh, gọn vừa rất dễ hiểu. Nhờ đó mà hiệu quả công việc được thực hiện tốt hơn.

Khi được hỏi về những kiến thức, kĩ năng liên quan đến CNTT, Hoàng thành thật: “Thực ra khi đi học, cũng chỉ biết sử dụng một số kĩ năng tin học văn phòng cơ bản. Nhưng đi làm, yêu cầu của công việc đòi hỏi phải ứng dụng thì mình tìm đến “người thầy Google” để tự học, tự mày mò, tìm hiểu cách làm. Bản thân nhận thấy ứng dụng to lớn của công nghệ không chỉ trong công việc chuyên môn, mà còn đối với người bệnh.

Ví như một em bé bị tai nạn vào trạm cấp cứu nhưng không có người thân, chỉ cần có tên bé, bé nhớ tên bố hoặc mẹ thì tra trên HSSKĐT có thể ra thông tin để liên lạc với người nhà. Hay người dân khi đi khám tại tuyến trên nhưng muốn được tư vấn, giải thích cặn kẽ, cụ thể hơn. Cũng đều có thể ra trạm, lấy thông tin khám chữa bệnh trên HSSKĐT để giúp người bệnh hiểu và yên tâm điều trị. Chính những tiện ích đó cùng với trách nhiệm với công việc đã là động lực để mình tìm hiểu, ứng dụng CĐS”.

Song song với hoạt động chuyên môn tại Trạm, Hoàng đang tích cực cùng với TTYT Yên Phong và Sở Y tế hỗ trợ các địa phương khác của tỉnh triển khai HSSKĐT phiên bản nâng cao, đưa ứng dụng CĐS đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Nguyễn Oanh (Báo Bắc Ninh)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thay-thuoc-tre-o-bac-ninh-tien-phong-chuyen-doi-so-2274460.html