Thầy thuốc trẻ tiêu biểu: 'Đại dịch Covid-19 khiến tôi trưởng thành hơn'

Đó là chia sẻ của BS Ngô Việt Anh, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

BS Ngô Việt Anh nhận Bằng khen là 1 trong 10 Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2020.

BS Ngô Việt Anh nhận Bằng khen là 1 trong 10 Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2020.

Chưa hết dịch chưa về

- Là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của TPHCM năm 2020 ở tuổi 31, rồi danh hiệu thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020, anh có thấy mình đạt được thành công quá sớm?

- Mọi thứ với tôi đều rất tự nhiên, từ việc học, đi làm, rồi mong muốn giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt. Khi dịch Covid-19 xảy ra, tôi đã tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân 91 và xông pha ở tâm dịch Đà Nẵng. Đây là khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề của mình. Tôi học hỏi được nhiều điều, từ các đồng nghiệp, bệnh nhân. Nói một cách vui vẻ thì dịch bệnh đã đem lại cho tôi cơ hội để trưởng thành hơn.

- Gia đình anh có truyền thống làm nghề y không?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh, trong một gia đình không có truyền thống về ngành y. Cùng trúng tuyển 2 ngành “hot” là y và công nghệ thông tin, tôi chọn ngành y như một thử thách và khát vọng được giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt. Năm 2015, tôi tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TPHCM rồi về Bệnh viện Chợ Rẫy công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu. Có thể nói lựa chọn ngành y giống như một cơ duyên vô tình vậy.

- Còn tham gia vào chống dịch Covid-19 có phải là lựa chọn của cá nhân?

- Đây vừa là lựa chọn cá nhân, vừa là nhiệm vụ được giao. Cuối tháng 2/2020, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trở thành những người ở tuyến đầu chống dịch. Khi tham gia chống dịch, tôi có nhiệm vụ là hỗ trợ chuyên môn về điều trị và hồi sức các ca bệnh nặng tại những tỉnh xuất hiện ca Covid-19. “Lần đầu tiên tôi tham gia đội phản ứng nhanh là đi về Tây Ninh hỗ trợ chống dịch. Ngày 22/3/2020, tôi nhận một cuộc gọi từ cấp trên báo cần đi gấp, thế là tôi chào tạm biệt vợ và lên đường ngay lúc nửa đêm.

- Kỉ niệm chống dịch với phi công người Anh (bệnh nhân 91) hẳn rất khó quên?

- Khi ổ dịch Buddha bar bùng phát tại TPHCM, bệnh nhân phi công người Anh (BN 91) bệnh tình diễn tiến nặng. Tôi là thành viên được cử sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM hỗ trợ đồng nghiệp chạy máy ECMO (chạy tim, thận nhân tạo), theo dõi bệnh nhân trong thời gian chữa trị. Gần 1 tháng “sống cùng” bệnh nhân 91, từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đến Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi là một trong những bác sĩ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 91 nhiều nhất.

Trải qua quá trình từ lúc bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, tổn thương phổi rất nặng, chỉ còn 10% phổi hoạt động, phải chạy ECMO, lọc máu, mở khí quản cho đến khi bệnh nhân dần hồi phục một cách ngoạn mục, cai được ECMO, máy thở và có thể sinh hoạt lại bình thường. Cuối cùng nỗ lực của cả tập thể y, bác sĩ của nhiều đơn vị cũng được đền đáp khi bệnh nhân 91 xuất viện rồi về nước.

BS Ngô Việt Anh trong kíp trực hồi sức cho bệnh nhân – phi công người Anh mắc Covid-19

BS Ngô Việt Anh trong kíp trực hồi sức cho bệnh nhân – phi công người Anh mắc Covid-19

- Rồi sau đó anh lại xung phong vào tâm dịch Đà Nẵng?

- Ngày 24/7/2020, tôi lại nhận cuộc gọi khẩn từ cấp trên yêu cầu ngay lập tức “xách ba lô lên và đi”. Trước khi lên đường, tôi chỉ kịp nhắn vội với vợ “vài ngày anh sẽ về” nhưng vì dịch bùng phát quá mạnh nên tôi phải ở lại đến 1,5 tháng. Lúc ấy, chưa đầy 15 ngày bùng dịch nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi tất cả 6 đội phản ứng nhanh đến các bệnh viện ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Tổng cộng có 16 nhân viên y tế: 8 BS, 5 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên chi viện cho tâm dịch với cùng một quyết tâm chỉ trở về khi hết dịch.

- Những ngày ở tâm dịch Đà Nẵng hẳn là rất gian khổ?

- Thời gian ở Đà Nẵng, tôi chỉ loanh quanh phòng bệnh, bệnh viện - nơi trực tiếp tham gia điều trị các BN Covid-19. Mọi sinh hoạt cá nhân chỉ gói gọn trong vài mét vuông của phòng nhân viên. Thời gian này, ký ức khó phai là thời gian điều trị cho BN 582. BN có bệnh lý nền là suy tim, tăng huyết áp, tim thiếu máu cục bộ, tiên lượng rất nặng, phải chạy ECMO, lọc máu. Song nhờ sự nỗ lực hết mình của nhân viên y tế, BN đã vượt cửa tử, bình phục xuất viện trong niềm hạnh phúc của tất cả nhân viên ở đây.

- Có điều gì khiến anh đến nay vẫn trăn trở khi nghĩ về giai đoạn chống dịch đó?

- Đó là khi chúng tôi phải chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong. Dù tất cả đã cố gắng hết sức mình. Đây đều là những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, lớn tuổi. Anh em có hơi mất niềm tin trong một giai đoạn ngắn. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn động viên nhau lấy lại tinh thần tiếp tục cuộc chiến chống dịch.

BS Ngô Việt Anh

BS Ngô Việt Anh

Làm bác sĩ là đánh đổi sức khỏe

- Anh có dự định gì cho “năm Covid thứ 2”?

- Tôi sẽ tập trung hơn nữa để phát triển thêm về chuyên môn của ngành y, nhất là khâu khám chữa bệnh để có nhiều kiến thức phục vụ chữa bệnh cho mọi người. Lựa chọn ngành y, bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần hy sinh thời gian, sức khỏe và tuổi trẻ. Nhưng đổi lại, bạn sẽ giúp đỡ được nhiều người, có ích cho cộng đồng. Do vậy, nếu bạn có đam mê làm điều gì đó cho những người xung quanh, thực sự đam mê, muốn cống hiến thì ngành y là lựa chọn đúng đắn. Để làm được thì phải nỗ lực rất nhiều.

- Hy sinh thời gian, tuổi trẻ thì dễ hiểu, vì sao bác sĩ lại phải hy sinh cả sức khỏe thưa anh?

- Nghe có vẻ nghịch lý, bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho mọi người mà lại không thể chăm sóc sức khỏe cho mình, phải hy sinh sức khỏe vì công việc. Đó là những người làm việc ở các khoa truyền nhiễm, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe. Rồi những ca trực xuyên đêm cứu chữa hàng chục ca bệnh nặng. Những stress trong công việc thường xuyên... làm sức khỏe của bác sĩ bị ảnh hưởng.

- Mọi người nhìn vào bảng thành tích đều cảm giác dường như anh chưa từng thất bại điều gì, có đúng không ạ?

- Không đâu. Tôi cũng là người bình thường, gặp nhiều thất bại trong cuộc sống chứ. Ví dụ như trong điều trị, khi bệnh nhân mà mình phụ trách diễn biến nặng hơn, thậm chí là tử vong. Dù có rất nhiều lý do khác nhau, tôi cũng cảm thấy đó là thất bại của mình. Sau mỗi lần như thế mình lại trăn trở phải làm thế nào cho tốt hơn, rút kinh nghiệm cho bản thân để hạn chế những trường hợp tương tự xảy ra.

- Công việc hàng ngày anh có đối mặt với nhiều cám dỗ không (ví dụ như phong bì từ bệnh nhân), làm thế nào để vượt qua những cám dỗ ấy?

- Đúng là khi vào viện thì ai cũng sẽ muốn bác sĩ quan tâm hơn đến người nhà mình, bằng cách “cảm ơn” bác sĩ dưới nhiều hình thức. Nhưng chủ trương ở Bệnh viện Chợ Rẫy là không nhận bất cứ thứ gì từ bệnh nhân. Chúng tôi vẫn đưa ra lời khuyên với họ là chi phí viện phí ở bệnh viện đã khá cao, nên dành tiền đó để lo cho người nhà. Ở đây, các y bác sĩ đều đối xử với người bệnh như người thân trong gia đình mình. Chủ trương của lãnh đạo bệnh viện là nâng cao chất lượng phục vụ nên không có chuyện phong bì cảm ơn bác sĩ như một số nơi.

- Ngoài công việc thì đam mê, sở thích của anh là gì?

- Tôi thích công nghệ thông tin, đồ họa, nhưng không có thời gian để thực hiện điều này. Có thời gian rảnh thì hai vợ chồng thích đi du lịch, đến những miền đất chưa từng đặt chân tới. Công việc bận rộn nhưng tôi vẫn thu xếp thời gian hợp lý cho gia đình để cân đối hài hòa. Bước sang năm 2021, hy vọng dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi, vắc-xin Covid-19 sẽ được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.

- Xin cảm ơn và chúc anh luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp cứu người!

Cuối năm 2020, BS Ngô Việt Anh là một trong 10 gương mặt vinh dự đạt danh hiệu Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu; được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020. Đầu tháng 1/2021, BS Ngô Việt Anh được bầu chọn là 1 trong 10 Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2020.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/thay-thuoc-tre-tieu-bieu-dai-dich-covid-19-khien-toi-truong-thanh-hon-0YvXffPGg.html