Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Việt Thắng: Nghề điều dưỡng cần hội tụ 'tay - tâm - trí'
Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng là một trong 135 nhà khoa học được tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Việt Thắng đã có 34 năm công tác trong nghề y. Trong đó, ông có 11 năm trực tiếp chăm sóc người bệnh tại bệnh viện, 11 năm là giảng viên ngành Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh và 12 năm công tác tại Sở Y tế Hà Tĩnh.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ, năm 2017, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Bên cạnh đó, ông đã nhiều lần nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trao tặng.
Rất vui khi giúp đỡ bệnh nhân vượt qua cơn đau, được trở lại cuộc sống bình thường
Ông Nguyễn Việt Thắng (sinh năm 1968) tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng năm 1990 tại Trường Trung học Y tế Nghệ Tĩnh (nay là Trường Đại học Y khoa Vinh), ông Thắng về công tác tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh. Khi mới bước chân vào nghề, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng trải qua nhiều khó khăn, tưởng chừng phải từ bỏ nhưng chính niềm đam mê được chữa bệnh, cứu người khiến ông quyết tâm gắn bó với ngành y đến cùng.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng trải lòng: “Thời gian mới bước vào nghề tôi có tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Tôi mong muốn đem tất cả kiến thức học được trên giảng đường vào phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn là một khoảng cách lớn.
Khoảng thời gian đầu mới bước vào nghề, tôi nản lòng, luôn thấy tự ti, mặc cảm với chính nghề nghiệp của mình. Nhưng chính người bệnh đã đánh thức trách nhiệm trong tôi bởi tôi đã thấy được nỗi đau đớn, khó khăn của họ.
Tôi đã rất vui khi giúp đỡ người bệnh vượt qua cơn đau, tạo điều kiện để người bệnh được chăm sóc tốt, trở về với cuộc sống thường ngày. Chính niềm vui của người bệnh khiến tôi hiểu rằng, trong xã hội mỗi nghề đều có giá trị riêng, quan trọng là chúng ta sống và làm việc như thế nào. Muốn được người khác đánh giá đúng và tôn trọng thì trước hết bản thân phải khẳng định mình bằng công việc. Có thể khẳng định rằng chính người bệnh đã kéo tôi lại với nghề điều dưỡng, giúp tôi nhận thấy giá trị của nghề điều dưỡng”.
Bên cạnh vai trò là thầy thuốc, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng còn là một thầy giáo tận tâm với các thế hệ sinh viên ngành Điều dưỡng. Năm 2001, Thạc sĩ Thắng được Sở Y tế Hà Tĩnh điều về giảng dạy Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. Ngoài kiến thức lý thuyết, thầy Thắng còn chia sẻ với sinh viên những câu chuyện thực tế trong quá trình hành nghề cũng như trách nhiệm của cán bộ y tế với bệnh nhân.
“Tôi kể cho các em nghe về những cống hiến to lớn của các thế hệ điều dưỡng Việt Nam trong hành trình chăm sóc sức khỏe, sự hy sinh thầm lặng của những điều dưỡng viên đang ngày đêm miệt mài chăm sóc sức khỏe cho người dân, những tấm gương điều dưỡng vượt khó để trở thành phó giáo sư, tiến sĩ…
Đặc biệt, tôi nghĩ không có cách giáo dục nào tốt bằng nêu gương và đóng vai. Trong các giờ học thực hành lâm sàng tại bệnh viện, tôi luôn nhập vai với hình ảnh người điều dưỡng viên cho người học quan sát. Qua đó, các em sẽ quan sát được từ cách giao tiếp với người bệnh, cách cư xử ân cần, thân thiện khi người bệnh và người nhà người bệnh cần giúp đỡ. Bên cạnh đó, tôi cũng trực tiếp hướng dẫn sinh viên thao tác kỹ thuật chính xác, nhẹ nhàng, quan tâm tới cảm xúc của người bệnh ”, Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng chia sẻ.
Một trong những kỷ niệm trong nghề mà Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng nhớ nhất là khoảng thời gian khó khăn khi cả nước cùng chung tay chống đại dịch Covid-19.
Thầy Thắng chia sẻ, Covid-19 là đại dịch đặc biệt nguy hiểm, lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Trong đó, ngành y tế Hà Tĩnh gặp khó khăn nhất là thời gian đầu công dân Việt Nam lao động ở Lào, Thái Lan về nước, đi qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) với số lượng hàng ngàn người phải cách ly y tế. Trong tình hình đó ngành y tế đã kịp thời tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc việc chuẩn bị các khu cách ly cấp tỉnh, cấp huyện để đáp ứng kịp việc cách ly tập trung.
Ông Thắng cùng một lãnh đạo Sở Y tế phải trực tiếp đến từng buồng bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để kiểm tra điều kiện đảm bảo cho công tác cách ly và điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19.
“Trong hơn 2 năm phòng chống đại dịch Covid-19 có nhiều kỷ niệm, nhiều bài học cho tôi, nhưng điều đặc biệt nhất với tôi là hai lần gặp gỡ, tập huấn hướng dẫn công tác phòng ngừa lây nhiễm và một số kỹ năng cơ bản trong hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân cho 2 đoàn cán bộ y tế của tỉnh Hà Tĩnh vào Bình Dương hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Tôi đã cảm nhận được tinh thần dấn thân, sẵn sàng hy sinh của đồng nghiệp, chính đồng nghiệp đã tạo động lực để tôi cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, thầy Thắng nhớ lại.
Nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng dịch bệnh
Theo Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học đã có từ rất lâu trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực điều dưỡng còn rất mới. Nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực điều dưỡng được Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam khởi xướng từ những năm 2000 bằng các lớp tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học và sau đó được đưa vào chương trình giảng dạy điều dưỡng đại học, chương trình quản lý điều dưỡng.
Trong quá trình công tác, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng đã chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và tham gia nhiều đề tài cấp tỉnh, cấp bộ. Trong số các đề tài từng nghiên cứu, thầy Thắng tâm huyết nhất với đề tài “Nghiên cứu tổng kết thực tiễn và lý luận hoạt động của ngành Y tế Hà Tĩnh giai đoạn 2006-2020”. Đồng thời, thầy đã chỉnh lý, biên soạn, bổ sung cuốn sách 60 năm ngành Y tế Hà Tĩnh để xuất bản cuốn sách "75 năm ngành Y tế Hà Tĩnh 1945-2020".
Đề tài đã góp phần hệ thống hóa nguồn tư liệu thuộc lĩnh vực Y tế trên địa bàn tỉnh. Phân tích, đánh giá khách quan những kết quả đạt được, rút ra những nhận xét khoa học và đúc kết những kinh nghiệm làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn trong quá trình lãnh đạo phát triển công tác y tế của Đảng bộ tỉnh, của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Y tế trong giai đoạn 2006 – 2020; cung cấp cơ sở khoa học cho việc định hướng phát triển ngành Y tế Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.
Đề tài là nguồn tài liệu tin cậy phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử phát triển của ngành y tế và công tác quản lý y tế của tỉnh; tôn vinh những giá trị lịch sử truyền thống, thể hiện trách nhiệm, thái độ trân trọng đối với lịch sử phát triển của ngành và sự tri ân đối với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ y tế qua các thời kỳ.
Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng khẳng định, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong ngành y tế là hoạt động rất quan trọng và cần thiết để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng dịch bệnh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo thầy Thắng, hiện nay ngoài việc nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào chẩn đoán, điều trị thì việc nghiên cứu lĩnh vực y tế công cộng cũng rất quan trọng. Ví dụ như nghiên cứu sự đáp ứng của hệ thống y tế cơ sở trong thiên tai, thảm họa, thích ứng với biến đổi khí hậu; hoặc nghiên cứu, điều tra về vấn đề sức khỏe tâm thần, chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe răng miệng để có giải pháp, chính sách về quản lý cũng là một vấn đề mang tính thời sự.
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Việt Thắng cũng dành lời khuyên cho các sinh viên ngành y nói chung và ngành điều dưỡng nói riêng rằng: “Nghề y là một nghề đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Chính vì vậy mỗi cán bộ y tế phải thường xuyên học tập, rèn luyện để hội tụ đầy đủ tay - tâm - trí trong quá trình hành nghề. Mỗi cán bộ y tế không chỉ cần làm đúng quy trình chuyên môn mà còn phải tạo cảm xúc tích cực cho người bệnh”.
Cũng theo thầy Thắng, điều dưỡng là nghề chăm sóc chuyên nghiệp, đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh chiếm hơn 50% nhân lực ngành y tế, dịch vụ do đó điều dưỡng, hộ sinh là một phần trụ cột của hệ thống y tế. Chính vì thế, nhân lực điều dưỡng cần có kiến thức rộng, chuyên ngành, chuyên khoa, chuyên sâu, kiến thức xã hội phong phú và phải có chính sách đào tạo, sử dụng để đáp ứng với sự già hóa dân số hiện nay và thời gian tới.
“Điều dưỡng là nghề tác động lên thể chất, tinh thần và cảm xúc của người bệnh, vì vậy điều dưỡng viên phải kết hợp tay - tâm - trí (3T). Công việc của người điều dưỡng, hộ sinh được ví như công việc của người mẹ, vì vậy hãy đem tình thương của người mẹ để làm công việc cao quý, vĩ đại của mình đó là chăm sóc người bệnh, chăm sóc sức khỏe con người”, Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.