Thầy Trần Bình Phục - khơi sáng ngọn đèn đảo xa

Có 2 thứ vốn liếng để Thiếu tá Trần Bình Phục trở thành thầy giáo quân hàm xanh, linh hồn của trường học tình thương trên đảo Hòn Chuối

Đoàn công tác của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo, nhà giàn DK thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc vào tháng 9 vừa qua. Đoàn đã đến đảo Hòn Chuối, thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Nơi này chưa có trạm y tế và hệ thống trường học quốc gia, nhưng lại có một trường học đặc biệt nhất cả nước: trường của thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục và đồng đội ở Đồn Biên phòng Hòn Chuối (Bộ đội Biên phòng Cà Mau).

Ai nấy xúc động nghẹn ngào vì sự hiếu học của trò, sự ham dạy của thầy trong lớp học vỏn vẹn hơn 2 chục học trò mà có tới 7 trình độ từ mẫu giáo cho tới lớp 7.

Trường học Hòn Chuối đã thành điểm trường chính thức

Điều đặc biệt hơn là, trường học này đã tồn tại từ rất lâu nay. Mặc dù ban đầu chỉ là lớp học tình thương, nhưng hoàn toàn không phải tạo ra để truyền thông, để úy lạo người dân địa phương hay phong trào "sớm nở tối tàn". Thiếu tá Trần Bình Phục, Đội phó Đội công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối hiện vẫn đứng lớp. Anh là thầy giáo quân hàm xanh đầu tiên trên đảo Hòn Chuối, dốc lòng vì trẻ nhỏ ở đây gần như cả thời quân ngũ.

Tin vui là trường học tình thương của thầy Trần Bình Phục có 22 học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 vừa được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.

Đặc thù quy chế tổ chức của lực lượng Bộ đội Biên phòng, quân nhân phải luân chuyển công tác theo chu kỳ, tuy nhiên, Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã xét đến trường hợp đặc biệt của Thiếu tá Trần Bình Phục, giữ anh ở lại địa bàn đảo Hòn Chuối, không luân chuyển chính vì lớp học đặc biệt này.

Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh sau chuyến công tác đã quyết định trao tặng máy móc, thiết bị, phương tiện vật dụng sinh hoạt, máy lọc nước RO, công trình nhà vệ sinh cho đảo Hòn Chuối và cho trường học của thầy Trần Bình Phục.

Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho trường học đảo Hòn Chuối tháng 9/2022. Ảnh: Trang tin điện tử TPHCM

Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho trường học đảo Hòn Chuối tháng 9/2022. Ảnh: Trang tin điện tử TPHCM

Khai tâm sáng để tâm mình sáng

Năm 1999, Thiếu tá Trần Bình Phục ra đảo, quân số thuộc Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Lúc đó vừa qua cơn bão Linda kinh hoàng, đảo Hòn Chuối là hòn đảo nhỏ chỉ 7km vuông xơ xác, thảm thương. Bà con khổ quá, gạo còn không có ăn nói gì học.

Đến 2003, Thiếu tá Trần Bình Phục luân chuyển công tác rồi lại trở lại đảo, bà con ở đây đã thân với anh như ruột thịt. Lúc đó, anh quyết tâm làm gì đó thay đổi hòn đảo này. Nhiều lần sau này, anh viết đơn xin không luân chuyển, được công tác lâu dài, gắn bó với Hòn Chuối và được chỉ huy Biên phòng Cà Mau chấp thuận.

Hòn Chuối vốn toàn gia đình ngư dân làm nghề cá, mang theo những đứa trẻ thất học. Họ đi biển dài ngày, lo cơm ăn áo mặc, chả để ý gì đến bọn trẻ. Họ không có khái niệm học hành, sống dạt rày đây mai đó quanh năm không cố định. Hòn Chuối có 2 mặt đông và nam, mỗi mùa gió chướng hay gió nam thì dạt qua phía ngược lại để làm nhà ở né gió. Số phận con người ở đây cứ lặp đi lặp lại cái đói nghèo và mù chữ từ đời này qua đời kia, miễn sao có cái ăn là được.

Thiếu tá Trần Bình Phục nói, điều khó khăn nhất là vận động, nói cho bọn trẻ hiểu việc học rồi còn thuyết phục cả gia đình người ta. Ban đầu anh dụ chúng tới lớp bằng nhiều cách, kể chuyện cho nghe, cõng những đứa trẻ trên lưng như cách cha cõng con. Lớp học thì dăm ba chữ, bọn trẻ nhận được mặt chữ đọc được sách là cả trò, cả thày, cả phụ huynh đều mừng rớt nước mắt.

Thầy và trò lớp học thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: Lê Khoa

Thầy và trò lớp học thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: Lê Khoa

Ở đây trẻ nhỏ xíu đã là lao động trong gia đình, cha mẹ mang theo khi ra khơi. Để nó tới trường là trẻ đói, gia đình người ta cũng đói. Trần Bình Phục nghĩ ra cách nói với tiệm tạp hóa ở trên đảo, nếu có trẻ nhỏ đói quá, tiệm cứ bán chịu mì gói, bánh kẹo, nước ngọt cho chúng. Tới kỳ lãnh lương, anh sẽ gửi trả cho tiệm. Vậy mà không đứa nào dám ăn "thả ga" lương của thầy, nghe thấy chúng bảo nhau: 'thầy cũng nghèo, ăn nhiều rồi thầy không có tiền trả, thầy phải vào đất liền lấy ai dạy tụi mình học?".

22 học sinh trong lớp học giờ có đủ các lớp, ngồi chung luôn một phòng học, 4 mặt 4 cái bảng. Thiếu tá Phục phải soạn giáo án sao cho đủ các lớp, để lúc giảng bọn trẻ ngồi chung với nhau không bị mất tập trung.

Sau này, nhiều cán bộ, đồng đội của Thiếu tá Phục thay anh dạy đỡ bọn nhỏ. Cho đến bây giờ, trải qua nhiều thế hệ cán bộ Bộ đội Biên phòng dạy học, đã có trẻ được vào đất liền học tiếp lên cao.

Trước đây, tài sản lớn nhất của thầy và trò chỉ có tấm bảng cũ mèm kê trên lớp. Mới đầu tấm bảng chia đôi cho 2 lớp 2 bên, giờ chia hoài mãi ra, thành chữ U luôn. Lớp học đặt trên cao để mùa nào trẻ ở phía nam đảo, phía đông đảo cũng đi tới lớp được. Có đứa nhỏ quá, ngày nào thầy cũng phải cõng qua những bậc đá trơn trượt để lên lớp. Cứ thế cặm cụi thầy và trò mà làm nên một câu chuyện kì tích, một ngọn đèn sáng giữa khơi xa, giữa tăm tối của cộng đồng dân cư nghèo đói trên đảo Hòn Chuối.

Muốn đẩy lùi cái tăm tối của đời người, không còn con đường nào khác là phải biết chữ. Tôi biết dạy chữ đã khó, còn phải dạy làm người, dạy cho những ước mơ hoài bão của trẻ nhỏ. Sao cho lũ trẻ này lớn lên rồi sẽ làm đổi thay cho hòn đảo mà cha anh của chúng nhiều thế hệ đi trước chưa làm được.

Thiếu tá Trần Bình Phục, cán bộ Bộ đội Biên phòng Hòn Chuối, Cà Mau

Thiếu tá Phục kể có lần một học trò siêu quậy, cá tính của anh bỏ học nửa chừng. Sau giờ lên lớp anh tìm đến nhà cậu bé. Mẹ cậu nói nó đi câu ở ngoài ghềnh. Trần Bình Phục lại ra ghềnh tìm cậu học trò nhỏ dù chưa biết phải làm gì để cậu quay lại lớp. Anh cầm cái cần câu của cậu bé bẻ làm đôi và nói quay lại lớp học, để tương lai em không phải đi câu kiếm cơm từng bữa thế này.

Nhưng cậu bé không quay lại. Trong đầu cậu bé chỉ nghĩ được đi câu được cá bán có tiền luôn, có bữa no hơn là đi học. Nhiều ngày sau đó, kiên nhẫn và kiên nhẫn, anh trở lại bên cậu bé, mang cần câu tới câu cá cùng nó. Ngày nào cũng thân tình trò chuyện, không đả động gì tới lớp học nữa. Cuối ngày câu được chừng nào anh cho cậu nhỏ hết để nó bán lấy tiền mua gạo. Tới chừng một tuần trôi qua, một buổi chiều, cậu học trò ném cần câu quay lại nói với thầy: "Thầy, mai con đến lớp".

Thiếu tá Trần Bình Phục và trẻ nhỏ lớp học trên đảo Hòn Chuối trên đường đến trường. Ảnh: Lê Khoa

Không phải người cha nào cũng truyền dạy được nhân cách cho con mình. Trần Bình Phục đã làm được điều đó, anh không khác gì cha của bọn trẻ. Năng lượng của anh dồi dào từ cái tâm sáng. Nhìn thấy nỗi phiền muộn của người dân lành, Trần Bình Phục như được giác ngộ. Lý tưởng của anh là mang sự từ tâm của mình lan tỏa ra cộng đồng, khai tâm sáng để tâm mình sáng, truyền cảm hứng và tình yêu cuộc sống cho tất cả. Lúc nào anh cũng tự nói: "những điều tôi làm nhỏ lắm, các anh chị cũng làm được, ai cũng làm được nếu mà từ tâm".

Thượng úy Trần Bình Phục chia sẻ, giờ đây nhờ các phương tiện truyền thông, đã có nhiều người biết tới lớp học tình thương này. Các đơn vị cá nhân đã tài trợ dựng lớp học, bàn ghế, máy phát điện, quạt mát và cả máy vi tính cho các em. Anh ao ước có được kinh phí để xây lên ngôi trường khang trang hơn, có sân chơi, có đầy đủ dụng cụ học tập như các trò trong đất liền. Anh nhận thấy học trò đứa nào cũng hiếu học, dù chưa được học thì cũng như ngọn đèn dầu, chưa tỏ, chỉ cần người thầy khơi sáng lên...

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//thay-tran-binh-phuc-khoi-sang-ngon-den-dao-xa-179221115183331195.htm