Thầy trò lớp 12 cùng sáng tạo ôn luyện kiến thức online
Ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: Thầy cô và học sinh ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang thực sự 'biến nguy thành cơ'.
Nghỉ học kéo dài, lịch dạy - học thay đổi, ảnh hưởng đến chất lượng là điều lo lắng nhất. Tuy nhiên, không thụ động chờ quay lại trường học tập, thầy và trò đã ôn luyện kiến thức và mở rộng hiểu biết dưới nhiều hình thức. Đây là điều đáng khen, cách thức này cần được nhân rộng không chỉ ở bậc THPT mà cả THCS và tiểu học ở các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý các thầy cô và nhà trường: Việc dạy - học onlinecần bám sát chương trình giảm tải của Bộ, tuyệt đối tránh dạy quá, dạy tủ; Phải bảo đảm học sinh lĩnh hội kiến thức. Nhất là đối với học sinh lớp 12.
Trường THPT Đồng Đậu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), một trong những trường đẩy mạnh dạy học online giúp học sinh cuối cấp có đủ kiến thức, yên tâm bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2020. Thầy giáo Nguyễn Đức Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đậu chia sẻ: Việc hướng dẫn ôn tập, giao bài cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 được các thầy giáo, cô giáo đặc biệt quan tâm.
Hội đồng sư phạm nhà trường đã họp bàn và đưa ra kế hoạch triển khai học tập, giám sát, kiểm tra, báo cáo tình hình học sinh học tại nhà ra sao. Với những học sinh không dùng mạng xã hội hoặc không có máy tính, điện thoại, các thầy cô photo bài tập để các em đến trường nhận bài tập về làm. Mỗi tổ nhóm chuyên môn đưa ra những phương pháp giảng dạy, quản lý học tập khác nhau phù hợp với đặc trưng của bộ môn.
Cách thức tổ chức dạy - học của Trường THPT Đồng Đậu chi tiết, cụ thể và hết sức khoa học. Với bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, các thầy cô đang giảng dạy lớp 12 sẽ trực tiếp tạo những video bài giảng về những đơn vị kiến thức đã học và nhắc nhở học sinh vào ôn tập theo lịch từng ngày. Video có thể được quay trực tiếp hoặc qua bài giảng E-Learning để học sinh củng cố lại bài học.
Còn bộ môn Khoa học Tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, đòi hỏi phải có sự tương tác nhanh với học sinh nên các thầy cô lựa chọn phương pháp tạo các phòng học Zoom cho từng đơn vị lớp. Các thầy cô yêu cầu học sinh làm bài và chữa bài trực tiếp trên màn hình máy tính hoặc điện thoại thông qua các phần mềm như: Zoom Coud Meeting hay Vietelstudy. Trong mỗi nhóm Facebook từng lớp, GV cũng livetream trực tiếp để chữa từng dạng đề cho học sinh.