Thầy trò vùng cao vượt gian truân đầu năm học mới
Một năm học mới lại bắt đầu, thầy và trò ở vùng tâm lũ đau thương của hai huyện biên giới Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa) đã ổn định tinh thần để tiếp tục 'bước đi', cho dù phía trước còn bao nhiêu gian truân.
Rời đỉnh Sài Khao tìm chữ
Năm học mới 2019 - 2020 chính thức bắt đầu, dù rằng cơ sở vật chất của một số trường học ở huyện biên giới Mường Lát đang còn thiếu thốn, nhưng thầy và trò nơi đây vượt qua bao khó khăn, bộn bề để vững tâm bước vào năm học mới.
Lần đầu tiên rời đỉnh Sài Khao, xa bố mẹ, anh chị em trong gia đình để xuống Trường PTDT bán trú THCS Mường Lý, em Vàng Thị Phua (lớp 6A) dường như cảm thấy vui hơn. Bởi lẽ, đây là buổi đầu của cấp THCS, nên được các thầy cô giáo “cưng” hơn các anh chị khóa trên.
Ngày khai giảng năm học mới, Phua được bố đưa xuống trường nhận lớp học, nhận phòng ở và làm quen với các bạn cùng lớp. Nơi gia đình Phua ở là bản Sài Khao – một địa danh cao, xa xôi, hẻo lánh nhất so với các bản còn lại của xã Mường Lý. Bản Sài Khao cách Trường PTDT bán trú THCS Mường Lý khoảng chừng hơn 20km đường rừng. Đợt mưa lũ hồi tháng 8, đường đi lối lại bị sạt lở khá nặng nề khiến chuyến “đổ dốc” xuống trường càng thêm gian truân hơn trên đôi chân bé nhỏ, gầy yếu của em.
Được thầy giáo Hoàng Sỹ Xuân – Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu, tôi tìm đến phòng ký túc để trò chuyện với Phua việc học tập của em. Dường như vẫn còn ngỡ ngàng và e thẹn, khi lần đầu tiên được thầy hiệu trưởng giới thiệu một người khách xa lạ với mình, Phua rất ít nói.
Sau một hồi động viên của thầy giáo, Vàng Thị Phua mới mạnh dạn kể: Nhà em ở trên đỉnh Sài Khao (xã Mường Lý, Mường Lát). Em là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh, chị em. Hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn ở bản, nhưng không vì thế mà em bỏ học giữa chừng. Phua bảo: “Mọi năm ở trên bản, em được các thầy, cô giáo dạy phải cố gắng học chữ, thì sau này mới có kiến thức để giúp bố mẹ đỡ khổ. Em luôn nghe lời thầy cô giáo nên cứ đi học thôi. Mấy hôm nay, lần đầu tiên em xa nhà, xa bố mẹ, xa anh chị và hai đứa em, nên rất nhớ nhà. Nhưng em vẫn nhớ lời thầy cô giáo dặn là phải cố gắng mà học chữ. Vì vậy, trong đầu em nghĩ rằng, rồi mình cũng sẽ quen như các anh chị học khóa trên thôi”.
Vượt lũ Sa Ná đến trường
Ở bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), đầu năm học này hơn 70 học sinh của điểm trường Khu Son – Sa Ná (Trường Tiểu học Na Mèo) phải học tạm trong những phòng lắp ghép bằng sắt, thép lợp mái tôn. Trước kia, các em được học trong ngôi trường kiên cố tại bản Son. Thế nhưng, trận lũ lịch sử hồi đầu tháng 8 đã phá tan tành những phòng học kiên cố ấy, khiến học sinh không còn phòng học.
Vì vậy, UBND huyện Quan Sơn phải dựng khẩn cấp 4 phòng học lắp ghép để làm nơi học tạm cho các em tại bản Sa Ná. Từ bản Son trở ra bản Sa Ná với cung đường chừng hơn 3km, nhưng học sinh lại phải lội qua con suối Son – nơi từng xảy ra dòng lũ lịch sử cuốn đi hàng chục nóc nhà và khiến hàng chục người dân ở bản Sa Ná bị chết và mất tích.
Giờ đây, mỗi lần học sinh bậc tiểu học từ bản Son ra điểm trường Sa Ná đi học, đều phải có người lớn đưa đi. Em Vi Thị Kim Bích (học sinh lớp 5), nhà ở bản Son, bảo rằng: “Từ hôm xảy ra trận lũ kinh hoàng ấy, em không dám lội qua suối một mình để đi học nữa. Trước đây, nhà chúng em ở gần trường, nên hằng ngày tự đến lớp học. Còn bây giờ, mỗi buổi sáng em phải đi cùng bố, mẹ hoặc được người lớn trong bản đưa qua suối rồi mới dám đến trường. Các thầy, cô giáo luôn động viên chúng em phải chịu khó học tập thật tốt, vì bây giờ dù học ở trong ngôi trường tạm, nhưng vẫn đầy đủ điện sáng, quạt mát, bàn ghế mới, sách vở và đồ dùng học tập cũng đều mới cả”.
Còn em Lò Hoàng Nam, nhà ở bản Sa Ná (học cùng lớp với Kim Bích) dù đến lớp học rất chăm chỉ, nhưng lại phải đi ở nhờ sau mỗi buổi lên lớp. Nhà em Nam đã bị dòng lũ hung tàn cuốn phăng đi tất cả, chỉ còn trơ trọi lại cái nền đất. Rất may mắn cho gia đình em, hôm lũ về nếu mọi người trong nhà không nhanh chân chạy thoát thân, thì chưa chắc giờ này Nam có còn được đến lớp cùng các bạn không.
Nam kể: “Hôm nước lũ đổ về, cả gia đình em đã chạy thoát được lên đồi. Thế nhưng, ngôi nhà của gia đình em bị nước cuốn. Nhà bị trôi, tài sản mất sạch, nên sách vở, đồ dùng học tập của em cũng chẳng còn gì cả. Sau trận lũ ấy, đến bây giờ gia đình em phải đi ở nhờ, trong khi chờ địa phương ấy san đồi để dựng nhà cho gia đình em và bà con trong bản. Sau khi nước lũ rút, chúng em được các thầy cô giáo phát sách vở, đồ dùng học tập và được học trong phòng học mới rồi. Chúng em cũng đã hứa với thầy cô giáo sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ công của thầy cô giáo và bố mẹ”.
Thầy giáo Lò Văn Cơ – Phụ trách điểm trường Sa Ná, tâm sự: “Sau khi bị cơn lũ tàn phá mất điểm trường kiên cố ở bản Son, thầy và trò chúng tôi rất lo lắng vì năm học mới đang cận kề. Nhưng ngay sau đó, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cấp trên đã đầu tư xây dựng khẩn cấp 4 phòng học lắp ghép, để thầy trò chúng tôi kịp đón ngày khải giảng năm học mới. Các phòng học được trang bị đầy đủ điện sáng, quạt mát, bàn ghế mới. Học sinh được cấp sách giáo khoa, đồ dùng học tập tươm tất, nên cả thầy lẫn trò rất phấn khởi, quyết tâm sẽ vượt qua mọi khó khăn để dạy thật tốt, học thật tốt”.
Thầy giáo Hoàng Sỹ Xuân – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Mường Lý, tâm sự: “Biết là học sinh đến trường rất khó khăn, vất vả nên thầy cô giáo luôn động viên các em hãy thật cố gắng và nỗ lực. Dẫu rằng, phía trước là quãng đường đầy chông gai, do điều kiện thiếu thốn, bộn bề nhưng cả thầy lẫn trò đều đồng tâm vượt qua, sẵn sàng cho một năm học đầy niềm tin và chất lượng”.