Thầy trò vùng lũ vượt khó đến trường: Nỗ lực để học sinh sớm trở lại
Vượt lên vô vàn khó khăn vì mưa lũ, ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung với 200% nỗ lực đã hạn chế thấp nhất thiệt hại, bằng nhiều cách xoay xở nhằm bảo đảm chất lượng dạy học.
Trực 24/24 bảo vệ thiết bị dạy học
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết, ngay sau khai giảng năm học mới, Thừa Thiên - Huế đã phải hứng chịu cơn bão số 5 khiến nhiều trường lớp tiêu điều. Tiếp theo đó, 2 đợt lũ lịch sử liên tiếp kéo dài hơn 2 tuần từ ngày 6/10 đến 18/10 gây hậu quả nghiêm trọng. Ngành Giáo dục theo đó cũng hết sức vất vả, sau hai tuần HS vẫn chưa thể trở lại trường. Nhiều trường ngập sâu trong nước, có trường bị ngập đến 1,5 m.
Nhờ theo sát dự báo mưa lũ, sự chủ động trong chỉ đạo, nên các cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt việc phòng chống tại chỗ. Thầy cô giáo trực 24/24 giờ nên nhiều vật dụng, thiết bị, hồ sơ sách vở, thiết bị dạy học đều được bảo quản tốt. Trừ các trường ngập quá sâu và trường cấp 4 không thể di chuyển lên cao, số bàn ghế thuộc các tầng 1 hư hỏng nặng. Số lượng nhà dân ngập lũ lớn nhiều ngày nên nhiều sách giáo khoa, dụng cụ học tập, vở HS ướt và trôi hỏng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Công tác tại địa phương bị thiệt hại nặng nề vì mưa lũ, ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Các trường học vùng thấp trũng thuộc các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương và các trường thuộc các xã đầu nguồn như Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều trường học ngập sâu từ 0,5 đến 2m. Ở nhiều trường, hệ thống tường rào, cây xanh bị gãy đổ, nhiều trang thiết bị, đồ dùng dạy học bị hư hỏng. Rất nhiều bàn ghế, các vật dụng phục vụ công tác bán trú của các trường mầm non mặc dù được kê cao nhưng do mực nước quá lớn và phải chịu ngâm trong nước bùn lâu ngày nên đã hư hỏng. Ước tính thiệt hại do lũ lụt gây ra lên đến hàng tỷ đồng.
“Thực hiện phương châm nước rút đến đâu dọn vệ sinh đến đó, ngành Giáo dục huyện Phong Điền đã chỉ đạo các trường kịp thời vệ sinh, tiêu độc khử trùng lớp học và khuôn viên trường sạch sẽ; kiểm tra kỹ mức độ an toàn của cơ sở vật chất, phòng học, cổng, tường rào, hệ thống điện... để lưu ý cảnh báo khi HS đến trường. Khi thấy mức độ chưa an toàn về đường đi học của HS thì liên hệ, thông báo cho từng HS được nghỉ học và tổ chức dạy bù sau. Ngành cũng đã vận động sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, các tổ chức hỗ trợ sách vở để kịp thời chuyển đến HS chuẩn bị cho việc đi học trở lại” – ông Nguyễn Phi Hùng cho hay.
Tại Hướng Hóa, Quảng Trị, nhiều câu chuyện cảm động về nỗ lực của các thầy cô giáo không quản ngại gian khó khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp HS nhanh chóng ổn định học tập. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa chia sẻ: Sau lũ, cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên dù đường đi còn nguy hiểm vẫn quyết tâm đến trường, lau chùi, dọn dẹp, vệ sinh trường lớp. Thầy cô phơi từng quyển vở, xin từng cái bàn, chiếc ghế cho HS. Với gia đình HS bị thiệt hại do mưa lũ, các trường đã vận động giáo viên, cộng đồng giúp đỡ, chia sẻ để các em có thể ổn định việc học.
Bảo đảm chất lượng giáo dục
Với tinh thần tất cả vì HS, ông Nguyễn Tân cho biết, trước mắt, các cơ sở giáo dục Thừa Thiên - Huế sẽ khẩn trương vệ sinh dọn bùn, sắp xếp lại cơ sở vật chất dạy học đối với những vùng nước rút; tổ chức dạy học với các vùng đã an toàn. Trường còn trong vùng lũ tiếp tục cho HS nghỉ và có kế hoạch dạy học bù sau khi HS đi học lại ngoài việc tổ chức dạy bù chung cho toàn tỉnh những ngày nghỉ tránh lũ. Ngành Giáo dục cũng kịp thời nắm tình hình giáo viên, HS để có sự giúp đỡ phù hợp, không để xảy ra tình trạng HS khó khăn, thiếu đói, bỏ học.
“Chúng tôi sẽ chỉ đạo sắp xếp kế hoạch giáo dục một cách hợp lí, sau lũ tập trung cho việc dạy học, các hội nghị cuộc họp của trường tổ chức không ảnh hưởng thời gian học của HS. Ngoài bố trí dạy bù, sử dụng tối đa quỹ thời gian dự phòng…, sẽ có phương án xin ý kiến Bộ GD&ĐT cho kéo dài thời gian thực học với địa phương nghỉ học dài ngày do lũ. Cùng với đó, bám sát chương trình dạy học, SGK mới của khối 1 để bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Chỉ đạo có hiệu quả dạy học theo chủ đề, tích hợp liên môn để hoàn thành chương trình theo hướng linh hoạt nhưng bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt theo thiết kế chương trình giảm tải như chỉ đạo của Bộ GD&ĐT” – ông Tân chia sẻ.
Từ thiệt hại do mưa lũ tại huyện Hướng Hóa thời gian qua, theo ông Nguyễn Văn Đức, công tác giáo dục về phòng, chống thiên tai trong nhà trường hiện nay là rất cần thiết và quan trọng. Cùng quan điểm, từ bài học rút ra sau những ngày bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ông Nguyễn Phi Hùng cho rằng: Giáo dục là giải pháp quan trọng nhất trong quá trình thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của HS đối với việc phòng chống thiên tai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc giảng dạy kiến thức về phòng chống thiên tai đã, đang và sẽ tiếp tục được các trường triển khai thực hiện một cách tích cực. Cụ thể thông qua dạy học lồng ghép, tích hợp theo chuyên đề trong các môn học, như chuyên đề “Tích hợp biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai” trong dạy học môn Địa lí, “Tìm hiểu tác dụng của lực liên quan đến các hiện tượng sạt lở, bão, lốc xoáy; cách phòng, chống và giảm nhẹ” trong môn Vật lý...
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình lũ để thông báo kịp thời chính xác đến giáo viên, HS, phụ huynh và kế hoạch tổ chức dạy bù các nhà trường. Phát huy tối đa các phương án tại chỗ; với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh đến đó, bảo đảm lũ rút HS sẽ sớm trở lại học bình thường. Tuyên truyền nâng cao ý thức của giáo viên, HS về phòng chống tai nạn thương tích mùa mưa lũ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trước, trong, sau lũ. Các trường tổ chức dạy học trở lại phải bảo đảm các điều kiện an toàn cho HS. - Giám đốc Sở GD&ĐT TT - Huế Nguyễn Tân