Thay tư duy, đổi hành động từ chỉ thị của Đảng (kỳ 1)

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Chị Nguyễn Huỳnh Thương (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) vay vốn tín dụng chính sách về mở quán bán tạp hóa. Ảnh: LÊ HẢO

Chị Nguyễn Huỳnh Thương (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) vay vốn tín dụng chính sách về mở quán bán tạp hóa. Ảnh: LÊ HẢO

KỲ 1: Không cam chịu đói nghèo

10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp người dân thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Tự tạo sinh kế

Trước đây, anh Lê Phong Châu ở khu phố Long Hà (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) làm giáo viên hợp đồng, sau đó nghỉ vì tinh giản biên chế. Không muốn ở nhà ngồi không, trút hết gánh nặng kinh tế cho vợ, anh Châu tìm hiểu và đăng ký vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để nuôi bò. “Với 80 triệu đồng tiền vay, tôi mua 2 con bò cái và 2 con nghé về nuôi. Bò cái đã đẻ con, 2 con nghé giờ cũng lớn rồi”, anh Châu cho hay.

Theo anh Châu, nuôi bò, nếu tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ, tập trung chăm sóc cho bò mau phát triển thì sau 2 năm có thể thu hồi được vốn. Đây là một hướng mở để người dân ở nông thôn, miền núi phát triển kinh tế gia đình. “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH thật sự là đòn bẩy giúp chúng tôi chủ động tạo việc làm, mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình”, anh Châu chia sẻ.

Gia đình chị Nguyễn Huỳnh Thương ở thôn Nguyên Xuân (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) cũng tự tạo việc làm từ vốn tín dụng chính sách. Theo chị Thương, khi mới lập nghiệp, vợ chồng chị gặp rất nhiều khó khăn. Nhà ở miền núi, vợ chồng khai hoang được vài sào đất nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất nên đành bỏ đất trống. Đến khi được tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn tuyên truyền, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn NHCSXH, kinh tế gia đình chị Thương mới bắt đầu khởi sắc.

“Nhà gần trường học nên khi vay được 80 triệu đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tôi mở quán bán tạp hóa, trà sữa; số tiền còn lại, một phần tôi để đầu tư trồng keo, một phần mua bò về nuôi. Ngoài ra, tôi còn vay 20 triệu đồng vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh của gia đình. Từ ngày mở quán, vợ chồng tôi không đi xa làm thuê nữa mà tập trung phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, ổn định đời sống tại quê nhà”, chị Thương nói.

Không riêng gia đình anh Châu, chị Thương, 10 năm qua, từ khi có Chỉ thị 40, gần 343.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã được vay vốn tín dụng chính sách với tổng doanh số cho vay 10.910 tỉ đồng. Đến 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.640 tỉ đồng, tăng 2.825 tỉ đồng so với năm 2014, với hơn 92.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Bình quân mỗi hộ có dư nợ 50,25 triệu đồng, tăng 30,75 triệu đồng so với năm 2014.

Người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế, tạo việc làm là 3.125 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 67,4% tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt là 1.515 tỉ đồng, chiếm 32,6% tổng dư nợ.

Nguồn: NHCSXH Phú Yên, Đồ họa: VIỆT AN

Nguồn: NHCSXH Phú Yên, Đồ họa: VIỆT AN

Phân vai, rõ việc

Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, các thành phần tham gia quản lý vốn có vai trò rất quan trọng. Hơn 10 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở khu phố Bắc Lý (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa), bà Nguyễn Thị Xuân Hoa thấu hiểu rõ điều này.

Nhận nhiệm vụ từ năm 2013, bà Hoa luôn xác định làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn là công việc khó khăn vất vả, đòi hỏi phải có sự nhiệt tình, tận tâm và trách nhiệm. Vì thế, bà Hoa nghiêm túc tham gia các buổi giao ban hàng tháng với NHCSXH để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến các chương trình tín dụng chính sách xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của hộ vay… từ đó tuyên truyền, giải thích cho các hộ vay hiểu. Bà cũng phối hợp với khu phố tổ chức họp bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định. Nhờ vậy, tổ do bà Hoa quản lý có dư nợ hơn 3,4 tỉ đồng với 50 hộ vay nhưng không có nợ quá hạn, không có nợ lãi tồn, tất cả tổ viên đều tham gia gửi tiết kiệm.

“Từ khi có Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền địa phương càng quan tâm đến việc chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn; nguồn vốn đến với người dân cũng dồi dào hơn với mức vay được nâng lên, nhiều chương trình mới ra đời. Nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển nên tôi càng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”, bà Hoa nói.

Tại xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã làm thay đổi một cách sâu sắc về nhận thức và hành động của cán bộ Hội LHPN xã trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. “Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Hội LHPN huyện Đồng Xuân, Đảng ủy, UBND xã, Hội LHPN xã đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt những nội dung của Chỉ thị 40, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân.

Nhờ vốn tín dụng chính sách, nhiều hội viên, phụ nữ ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Kim Quang (bìa trái), hộ vay vốn ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước trao đổi về tình hình sử dụng vốn vay với cán bộ hội ở trung ương và địa phương. Ảnh: LÊ HẢO

Nhờ vốn tín dụng chính sách, nhiều hội viên, phụ nữ ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Kim Quang (bìa trái), hộ vay vốn ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước trao đổi về tình hình sử dụng vốn vay với cán bộ hội ở trung ương và địa phương. Ảnh: LÊ HẢO

Công tác tuyên truyền được Hội LHPN xã triển khai thường xuyên liên tục đã giúp hội viên, phụ nữ nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm được các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, xóa bỏ tâm lý trông chờ ỷ lại, phát huy nội lực phấn đấu giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã đã có trên 217 hộ vay vốn do Hội LHPN xã quản lý vươn lên khá, giàu”, bà Trần Thị Ba, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Phước cho biết.

Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, qua 10 năm triển khai Chỉ thị 40, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, hội đoàn thể cơ sở đã đưa nội dung quản lý, chỉ đạo việc triển khai, đánh giá kết quả thực hiện nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội vào kế hoạch, chương trình công tác của địa phương, đơn vị; tích cực đôn đốc các ngành, MTTQ, hội đoàn thể nhận ủy thác triển khai các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn... Nhờ vậy, nguồn vốn ưu đãi được chuyển tải nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả vốn vay, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên.

------------------

KỲ 2: Chính quyền vào cuộc, người dân hưởng lợi

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/318463/thay-tu-duy-doi-hanh-dong-tu-chi-thi-cua-dang-ky-1.html