'Thay tướng đổi vận', Canada sẽ vượt qua cuộc chiến thương mại với Mỹ?
Chính phủ của tân Thủ tướng Canada Mark Carney đã có động thái đáp trả mạnh mẽ đối với chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Không chỉ gây ra khó khăn cho Mỹ, mà động thái còn cho thấy Canada sẽ không khuất phục trước sức ép của ông Trump.
Quyết tâm đối đầu đến cùng của Canada
Trong một tuần qua, Chính phủ Canada tung biển quảng cáo phản đối chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump tại nhiều tiểu bang Mỹ. Các biển quảng cáo với nội dung như “Thuế quan là một loại thuế đánh vào những người Mỹ chăm chỉ” hay “Thuế quan là một loại thuế đánh vào thực phẩm của bạn” được lắp đặt dọc theo các xa lộ đông đúc ở hàng chục tiểu bang của Mỹ.
Thủ tướng Canada Mark Carney đã sử dụng chiến thuật tuyên truyền để chống lại người hàng xóm. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một đòn giáng vào những bang chiến địa, và là bước đi chiến lược có tính toán. Các biển quảng cáo được lắp đặt ở những nơi dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc chiến thương mại Bắc Mỹ. Atlanta, Boston, Buffalo, Detroit, Minneapolis - tất cả những thành phố này có giao thương nhộn nhịp với Canada, nên sẽ bị đe dọa bởi lạm phát gia tăng, cùng nhiều loại thuế khác sẽ phát sinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và tân Thủ tướng Canada Mark Carney. Ảnh minh họa: GI
Thủ tướng Mark Carney và giới lãnh đạo các nước phương Tây muốn cho người Mỹ nhận ra rằng, Tổng thống Donald Trump và phương pháp gây sức ép của ông đối với Canada sẽ phải chịu trách nhiệm cho những gánh nặng tài chính mà người dân nước này sẽ phải đối mặt. Phát biểu trên CNN, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nhấn mạnh, “chúng ta cần tiếp cận những người Mỹ bình thường. Hãy để họ họi cho các thượng nghị sĩ, thị trưởng, thống đốc”.
Ở trong nước Canada, xuất hiện một chiến dịch tuyên truyền kêu gọi lòng yêu nước, gia tăng tinh thần đoàn kết của người dân với chính quyền nhằm vượt qua khó khăn, thách thức của đất nước. Những khẩu hiệu như “Hãy mua hàng Canada! Hãy suy nghĩ như người Canada!” xuất hiện dày đặc trên các dịch vụ công của nước này.
Chính trị học phương Tây gọi đây là những công cụ tuyên truyền của chính quyền đương nhiệm nhằm củng cố quyền lực và sự tín nhiệm của cử tri. Toàn bộ chiến dịch truyền thông trên đã mang lại ít nhiều thành công bước đầu cho Thủ tướng Mark Carney: người dân thể hiện tinh thần đoàn kết và Thủ tướng Mark Carney thể hiện sức hút của một nhà lãnh đạo.
Phát biểu trên truyền hình, ông Carney nhấn mạnh rằng quan hệ với Mỹ sẽ không bao giờ như cũ nữa; đồng thời khẳng định phản ứng của Canada đối với mức thuế quan mới nhất của Mỹ sẽ là đấu tranh, bảo vệ tới cùng vì lợi ích quốc gia.
Chính quyền Mỹ đã có phần nhượng bộ
Có thể thấy, Thủ tướng Mark Carney đạt được 2 thành công. Đầu tiên, trong vòng chưa đầy một tháng, Đảng Tự do cầm quyền của Canada, nơi ông Carney mới trở thành nhà lãnh đạo, đã thoát khỏi tình trạng khó khăn về chính trị và hiện là ứng cử viên chiến thắng hàng đầu trong cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo. Các nhà quan sát cho rằng, nếu dưới thời Thủ tướng Justin Trudeau, đảng Tự do sẽ bị đảng Bảo thủ đánh bại. Như vậy có thể khẳng định, Canada hay đảng Tự do cầm quyền “thay tướng để đổi vận”.
Đây cũng được xem là lý do giải thích tại sao Thủ tướng Mark Carney đã thay đổi thời điểm tổ chức cuộc bầu cử từ mua thu sang ngày 28 tháng 4 tới. Rõ ràng, ông Carney muốn hành động khi tình hình còn sáng sủa, có nghĩa là có khả năng giành chiến thắng cao trong cuộc bầu cử khi người dân Canada vẫn còn cảm thấy bất bình với Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thứ hai, đối mặt với các biện pháp đáp trả của Thủ tướng Mark Carney, Tổng thống Donald Trump có vẻ như đã thực hiện một số nhượng bộ nhất định. Điều này liên quan đến cả hành động tăng thuế quan, hiện đang có những ngoại lệ được đưa ra, và giọng điệu giao tiếp với phía Canada. Ngày 28/3, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Canada, mặc dù được biết đến là một nhà đàm phán giàu kinh nghiệm, vừa là chuyên gia kinh tế lão luyện, song Tổng thống Donald Trump đã đưa ra thông điệp chào đón nồng nhiệt nhất tới Canada sau một thời gian dài.
Không còn có những tuyên bố về việc biến Canada thành tiểu bang thứ 51, đe dọa bằng chính sách thuế quan cứng rắn, mà thay vào đó lại có những giọng điệu như “một cuộc gọi cực kỳ hiệu quả”, “hai nước đồng ý về nhiều nội dung” và “chũng tôi sẽ gặp nhau ngay sau cuộc bầu cử sắp tới của Canada”. Tổng thống Donald Trump dường như thừa nhận rằng, ông sẽ phải gặp Thủ tướng Mark Carney, người đã xoay chuyển tình hình chính trị trong nước Canada theo hướng có lợi cho mình.
Ông Trump sẽ gặp khó vì đương đầu với nhiều 'mặt trận'
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, nếu dưới thời Thủ tướng Justin Trudeau, người dân Canada quan tâm nhiều nhất đến nền kinh tế thì giờ đây họ mong muốn chống lại sự tấn công từ Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngược lại, người Mỹ vẫn quan tâm đến nền kinh tế và không hứng thú với mối quan hệ với Canada, cũng như chính sách đối ngoại nói chung.
Không thể phủ nhận những thành tựu bước đầu mà ông Trump đã mang lại cho nước Mỹ, ví dụ như cắt giảm chi tiêu của chính phủ bằng cách loại bỏ khỏi bộ máy những yếu tố không cần thiết. Tuy nhiên, có đến ¾ người dân Mỹ được hỏi lo ngại về việc giá cả tăng và cho rằng nguyên nhân là do cuộc chiến thuế quan.
Rõ ràng, ông Trump đã dần cảm nhận được những khó khăn đang chờ đợi mình. Tham vọng mua lại đảo Greenland từ Đan Mạch sẽ không dễ dàng, nhất là khi đảng đối lập Dân chủ của Greenland đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 11/3. Cuộc xung đột Nga-Ukraine quá phức tạp để có thể giải quyết “trong 24 giờ”, “trước lễ Phục sinh”, “trong ba tháng” hay trong các khung thời gian khác mà ông Trump đã từng tuyên bố.
Trong khi đó, nếu kinh tế Mỹ không có dấu hiệu khởi sắc và người dân nước này tiếp tục mệt mỏi vì lạm phát, đây sẽ là những vũ khí mà đối thủ chính trị có thể sử dụng để hạ thấp uy tín của Tổng thống Donald Trump.